Thứ ba 19/03/2024 17:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Có nhiều tiềm năng phát triển, vì sao vẫn chưa có một sân golf nào?

21:41 | 23/07/2021

(Xây dựng) - Quy hoạch, xây dựng sân golf gắn với phát triển các khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái đang là xu hướng phát triển hiện đại, phù hợp và phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến nay Thái Nguyên chưa có sân golf nào được thực hiện.

thai nguyen co nhieu tiem nang phat trien vi sao van chua co mot san golf nao
Tuy có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng Thái Nguyên hiện chưa có một sân golf nào.

Thực trạng phát triển sân golf tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, song với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, ổn định đã giúp đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt các hộ giàu có gia tăng nhanh chóng khiến các nhu cầu hưởng thụ về vật chất và tinh thần cũng ngày một cao. Trong đó có nhu cầu chơi golf cũng tăng theo và được nhiều người ưa thích vì việc chơi golf là một môn thể thao lành mạnh, phù hợp với nhiều đối tượng. Đặc biệt còn mang lại một nguồn lợi nhuận lớn và là phương án phát triển việc sử dụng đất hiệu quả. Giữ được cân bằng sinh thái của nhiều thành phần của tự nhiên như cảnh quan, sông hồ, đại dương, núi non cũng như đời sống văn hóa của người dân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên trên thế giới. Du lịch kết hợp chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200 – 300 triệu USD doanh thu hàng năm. Không những thế mỗi sân golf còn có thể tạo ra việc làm ổn định, thu nhập cao cho từ 200-300 lao động ngay tại địa phương, trong đó có rất nhiều vị trí lao động không đòi hỏi bằng cấp. Đây cũng chính là cơ sở góp phần chuyển dịch, phát triển nền kinh tế theo hướng dịch vụ của nền công nghiệp không khói.

Về mặt kinh doanh, việc xây dựng các sân golf cũng được xem là nhằm đón đầu xu thế giải trí của các nhà quản trị cao cấp nước ngoài, khi dòng vốn đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, đi cùng với đó là số người chơi golf ở Việt Nam cũng tăng nhanh với khoảng trên 15.000 người như hiện nay, trong đó đa phần là người nước ngoài.

Hiện nay trên thế giới có hơn 36.000 sân golf. Ở Việt Nam, năm 2021 cả nước có tổng cộng 75 sân golf đang hoạt động, 96 sân golf được cấp phép xây dựng tại 37 địa phương, dẫn đầu cả nước về số sân gôn theo quy hoạch là Hà Nội 8 sân, Bình Thuận 8 sân, Bà Rịa – Vũng Tàu 7 sân, Quảng Ninh 5 sân, Thành phố Hồ Chí Minh 5 sân, Lâm Đồng 5 sân.

Thái Nguyên – Nhiều tiềm năng cho phát triển sân golf

Thái Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng Trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thái Nguyên có có tổng diện tích đất tự nhiên 3.527km2 chủ yếu là đất đồi núi với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế nội bài 50km, cách biên giới Trung Quốc 200km, cách trung tâm Hà Nội 75km và cảng Hải Phòng 200km. Đây cũng là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành gồm: Đường Quốc lộ 3 từ Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc; Quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; Quố lộ 37 đi Bắc Ninh, Bắc Giang; hệ thống đường sông Đa Phúc - Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội - Lạng Sơn.

Thái Nguyên có nhiều du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu du lịch Hang Phượng Hoàng, Khu di tích lịch sử ATK huyện Định Hoá, Suối Mỏ Gà, Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và các công trình kiến trúc nghệ thuật đền chùa như Đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang (Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (thành phố Thái Nguyên).

Với nhiều điểm đến hấp dẫn, Thái Nguyên có thể hình thành các tuyến du lịch nối các điểm tham quan, du lịch trong tỉnh với các điểm du lịch của các tỉnh lân cận, thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hải Dương.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Thái Nguyên được biết đến là một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư nhất là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại với gần 170 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến hơn 8,7 tỷ USD. Với trên 100 doanh nghiệp và gần 1000 người lao động, các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Thái Nguyên.

Thái Nguyên nằm trong top 15 tỉnh, thành có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước (chỉ số PCI năm 2020 xếp thứ 11/63). Xếp hạng Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Thái Nguyên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc so với năm 2019 chỉ sau tỉnh Quảng Ninh và Đồng Tháp. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Thái Nguyên được biết đến là một trong những địa phương có thu nhập trung bình trên đầu người cao trong cả nước với khoảng 90 triệu đồng/người/năm.

Với chủ trương đúng đắn, việc cải thiện môi trường đầu tư được triển khai liên tục, đồng bộ thông qua chuyển đổi số, đổi mới trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, dự báo trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư FDI sẽ tiếp tục dồn vào Thái Nguyên, giúp Thái Nguyên phát triển nhanh, sôi động và mạnh mẽ.

Đây chính là những điều kiện cơ bản để Thái Nguyên xây dựng, phát triển các đô thị theo hướng hiện đại gắn với việc hình thành phát triển các sân golf với các dịch vụ du lịch sinh thái, cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Thực trạng và xu hướng phát triển sân golf tại Thái Nguyên

Là tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động, các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài đến Thái Nguyên công tác và làm việc ngày càng tăng, qua đó đã tạo ra nhu cầu lớn về khu nghỉ dưỡng cao cấp, chơi golf. Tuy nhiên do Thái Nguyên chưa đáp ứng được điều này nên sau những giờ nghỉ, ngày nghỉ hầu hết các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài làm việc tại Thái Nguyên phải di chuyển hàng ngày về các vùng lân cận Thái Nguyên như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương… để sinh hoạt, nghỉ dưỡng, luyện tập thể dục, thể thao.

Ngay tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG, doanh nghiệp đa ngành nghề, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ về các lĩnh vực như: Golf, bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sản xuất công, nông nghiệp công nghệ cao... đã đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế, nhu cầu thực tế của tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đã đề xuất thực hiện một số dự án liên quan đến xây dựng sân golf gắn với xây dựng khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng, khu nhà ở cao tầng, thấp tầng, khu nhà ở hỗn hợp và khu đô thị sinh thái trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên. Chủ trương đó đã được lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nghiên cứu, triển khai thực hiện, góp phần phần phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Còn theo lãnh đạo Sở Xây dựng Thái Nguyên, Tuy có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định như vậy nhưng mãi đến năm 2009 tỉnh Thái Nguyên mới đề cập đến quy hoạch sân golf đầu tiên. Tuy nhiên đến nay, Thái Nguyên cũng chưa có một sân golf nào, mà chỉ có 3 quy hoạch phân khu có khu vực vui chơi thể dục thể thao có đề cập, định hướng tới việc xây dựng sân golf, đảm bảo tính đồng bộ với luật quy hoạch mà tỉnh đang lập quy hoạch chung của tỉnh và cụ thể có làm sân golf hay không làm sân golf và mỗi sân bao nhiêu lỗ, ở đâu, sẽ được cụ thể ở bước quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của luật đầu tư.

Hiện tại, theo quyết định chính thức phê duyệt nhiệm vụ phân khu tỷ lệ 1/2000 của Thái Nguyên có dự kiến quy hoạch sân golf 27 lỗ tại phường Châu Sơn và sân golf 18 lỗ thuộc khu vực Hồ ghềnh chè đều thành phố Sông Công, sân golf 54 lỗ tại xã Quân Chu và xã Cát Nê, huyện Đại Từ và sân golf 36 lỗ Hồ Núi Cốc (nằm trong Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc).

Trong các sân golf đang dự kiến trên có duy nhất sân golf 36 lỗ Hồ Núi Cốc đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch, tuy nhiên đến nay quy hoạch đó không còn hiệu lực nên sân golf này tiếp tục được đưa vào điều chỉnh quy hoạch chung của Thái Nguyên, về diện tích cụ thể là bao nhiêu, các địa điểm được phê duyệt nhiệm vụ phân khu có đủ điều kiện để xây dựng sân golf sẽ tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên quy hoạch, nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở thực tế của từng khu vực đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và nội dung quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, đảm bảo việc xây dựng sân golf không làm ảnh hưởng tới đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phát huy các lợi thế về phần lớn diện tích đất đồi núi chưa được sử dụng hiệu quả.

Như vậy có thể thấy, mặc dù Thái Nguyên có rất nhiều điều kiện cho phát triển các sân golf song đến thời điểm hiện tại Thái Nguyên vẫn chưa có một sân golf nào được quy hoạch cụ thể chi tiết và được xây dựng phục vụ nhu cầu của người dân và các chuyên gia nước ngoài.

Thiết nghĩ, tỉnh Thái Nguyên sớm cho nghiên cứu, xây dựng các dự án sân golf, việc làm này không những đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng cao của người dân trong và ngoài nước mà còn giúp tỉnh Thái Nguyên phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là nguồn tài nguyên đất đồi núi rộng lớn phù hợp cho phát triển sân golf gắn với phát triển hạ tầng các khu nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái cao cấp đó cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tạo sức hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài vào Thái Nguyên đang là một trong những thế mạnh nổi bật của tỉnh trong những năm gần đây. Đồng thời cũng giúp Thái Nguyên bắp nhịp kịp xu hướng phát triển của thời đại, thực sự xứng đáng là một Trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Việt Hoan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load