Bạn bè khi thân nhau rất nhiều người hay hỏi, theo ông đầu tư chứng khoán ở Việt Nam dễ hay khó, thật nhiều khi khó nói ngắn gọn trong vài lời, với những điều tưởng chừng như đơn giản.
Nguyễn Việt Hùng Da Vinci Academy – CEO |
Trước hết chúng ta phải định vị nghề đầu tư ở vị thế nào trong xã hội, theo tôi biết nghề đầu tư ở nước Mỹ được xếp vào một trong những nghề mang lại lợi nhuận lớn nhất. Họ xếp những người làm nghề này vào nhóm những người sở hữu 90% tài sản của nhân loại trong khi số lượng người này chỉ chiếm 1% dân số. Như vậy có thể hiểu rằng đây là nghề đỉnh cao của xã hội, mà đã là đỉnh cao thì theo tôi không dễ, nói thẳng thắn nó là nghề khó nhất đòi hỏi trình độ cao nhất về kiến thức, trí tuệ, mưu mẹo và đôi khi kể cả là gian lận.
Nhân nói về gian lận, chúng ta đều phẫn nộ với gian lận, nhưng gian lận ngày nay xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ… Bạn ghét nó, phản kháng với nó thậm chí quyết tâm tiêu diệt nó, nhưng nó vẫn tồn tại, nó là cái ác của con người, nó đồng hành cùng với những điều tử tế. Như ông cha ta vẫn nói: Quỷ thần chứng giám hai vai. Quỷ tượng trưng cho phần ác, thần tượng trưng cho phần thiện trong mỗi con người. Trong nhiều trường hợp gian lận và thành thật như hai mặt của một đồng xu.
Gian lận trong tài chính rất phổ biến, bạn đã có đủ vũ khí để đối mặt với nó chưa, hay bạn có phương án để sống chung với nó, vẫn trở thành người thành đạt mà không bán linh hồn cho quỷ dữ ???
Nói tóm lại, đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hay ở bất kỳ đâu trên thế giới này cũng là một nghề cực khó, nó đòi hỏi nhiều vấn đề và nhất là kiến thức, điều mà dân chơi chứng khoán Việt Nam hiện rất coi thường. Và cũng chính vì vậy mà tỷ lệ người thua lỗ trên thị trường này rất cao.Về cơ bản, thị trường chỉ có lên và xuống, tại sao chúng ta lại thất bại và thất bại nặng nề được nhỉ?
Vâng đây cũng là câu hỏi của những người tỉnh táo, thị trường chỉ có lên và xuống thôi, nếu ta đầu tư theo kiểu sắc xuất thì về mặt lý thuyết chúng ta sẽ hòa hay gần hòa chứ không lỗ nặng hay tán gia bại sản… Đây là tôi đang nói theo lý thuyết Pascal. Tuy nhiên các nhà đầu tư lại hành sử khác. Có người nói đó là tâm lý bầy đàn, tôi nghĩ lý thuyết bầy đàn hơi khác nhưng có cái gì đó gần như vậy. Nó là phần u tối của tâm lý bầy đàn. Có nhiều người nghiên cứu tâm lý này (cộng với nghiên cứu nhiều thứ khác nữa…) để có thể kiếm rất nhiều tiền trên thị trường này. Về cơ bản, nói chính xác nó là lý thuyết đám đông, đám đông hành động theo cảm xúc – đám đông không suy xét – đám đông không bao giờ thừa nhận mình sai – khi đặt một con người vào đám đông, anh ta sẽ hành động khác hẳn con người thường của anh ta.
Trong phân tích tài chính người ta có hẳn một chuyên ngành là phân tích tâm lý của nhà đầu tư. Theo nghiên cứu này thì 80% người tham gia đầu tư theo cảm tính hay theo cái tôi cá nhân sẽ thất bại.
Thực tế tôi đã làm một thí nghiệm là cá cược, thách một người bạn của tôi, nói thêm anh ấy là tiến sỹ kinh tế, cùng đầu tư, một bên là ông tiến sỹ (đại diện cho kiến thức kinh tế). Một bên là máy tính (đại diện cho các kiến thức đầu tư được công thức hóa) cùng đầu tư trong 1 tháng. Kết quả bạn biết rồi đấy, bạn tôi thua. Bây giờ bạn ấy đang ôm một đống tài liệu để nghiên cứu, bạn tôi hứa 1 năm sau sẽ đánh bại máy tính của tôi, tôi cho là như thế hơi vội…. chắc phải 5 năm nữa.
Thực ra bí kíp của vấn đề này ở chỗ, để đầu tư thành công bạn không chỉ cần các kiến thức kinh tế. Bạn cần hiểu tâm lý đầu tư, các chu kỳ lên xuống của giá, chu kỳ kinh tế quốc gia và thế giới, rủi ro thị trường tiềm ẩn, sau đó rồi tới các yếu tố cơ bản có thể phân tích được… và nhiều vấn đề khác nữa mà anh cần được trang bị .
Từ những năm 80 của thế kỷ trước người ta còn mô hình hóa diễn biến lên xuống của giá hoàn toàn không thông qua các kiến thức kinh tế và tài chính bằng các nguyên lý của vật lý và toán, thông qua các thuật toán. Người ta gọi là phân tích định lượng hay gọi tắt là Quant (viết tắt của Quantitative Finance) để dự đoán giá. Như vậy trong trường hợp này người ta dự báo thị trường không bằng các kiến thức kinh tế và tài chính (xin được lưu ý là hoàn toàn không phân tích các yếu tố kinh tế và tài chính)
Quả thật, thế giới còn rất nhiều bí mật mà chúng ta tưởng là chúng ta đã biết rồi. Các nhà phân tích Việt Nam liệu có bao nhiêu phần trăm đang hành nghề theo hướng này? Theo tôi các kiến thức kinh tế chỉ có thể là một bộ phận để giải thích và dự đoán thị trường.
Nguyễn Việt Hùng
www.Phantichngoaihoi.vn
Theo