Thứ sáu 26/04/2024 08:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sử dụng năng lượng thông minh là quốc sách và trách nhiệm của toàn xã hội

08:50 | 24/10/2020

(Xây dựng) – Chính phủ Việt Nam xác định việc phát triển năng lượng thông minh đóng vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh trong thời gian tới. Chính vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.

su dung nang luong thong minh la quoc sach va trach nhiem cua toan xa hoi
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục phát biểu khai mạc hội thảo.

Quốc sách và trách nhiệm

Ngày 22/10, hội thảo “Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị” đã diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, phát triển đô thị thông minh là một hướng đi đúng đắn giúp các đô thị trở nên bền vững hơn.

Nhiệm vụ này xoay quanh các trụ cột quan trọng như quản trị thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, kinh tế thông minh và đặc biệt là con người thông minh. Trong những trụ cột chính đó thì phát triển năng lượng thông minh đóng vai trò hết sức quan trọng.

Hiện nay, các đô thị đang tiêu thụ 70% năng lượng toàn cầu và đồng thời cũng là tác nhân của 70% khí thải gây ô nhiễm tại chính các đô thị. Do đó, việc hướng đến một đô thị thông minh hơn, sạch hơn, xanh hơn và bền vững hơn phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta sử dụng năng lượng tại các đô thị.

Tháng 2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những quan điểm quan trọng được đề cập trong Nghị quyết 55 là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.

Do đó, Việt Nam cần tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư sử dụng công nghệ và trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để góp phần tăng năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Việt Nam đang phát triển ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng thông minh tại các đô thị. Đây là mục tiêu và nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục chia sẻ thêm.

Sử dụng năng lượng hiệu quả là nhu cầu tự thân

Phát biểu trong hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng An đánh giá, sử dụng năng lượng thông minh và phát triển đô thị thông minh sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

su dung nang luong thong minh la quoc sach va trach nhiem cua toan xa hoi
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng An chia sẻ về phát triển năng lượng thông minh tại các đô thị.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước ta đang có 833 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt và khoảng 20 đô thị loại I. Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay rất cao (khoảng 38%). Chiến lược phát triển đô thị quốc gia dự báo đến năm 2030 sẽ khoảng 50% dân số Việt Nam sinh sống tại các đô thị.

Rõ ràng, đô thị hóa là một quá trình quan trọng để phát triển ở hầu hết các nước, các nền kinh tế và nó sẽ thay đổi toàn bộ cơ cấu nền kinh tế lẫn phong cách sống, tiêu chuẩn sống của người dân các nước.

Bên cạnh những lợi ích mang lại thì quá trình đô thị hóa cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và hệ lụy tất yếu như mật độ dân số quá cao, tắc đường, ô nhiễm không khí, xử lý chất thải, nước thải…

Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ phải làm thế nào để có thể thực hiện quá trình đô thị hóa thành công, mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân, nhưng không lặp lại sai lầm của các quốc gia đi trước.

Một câu hỏi quan trọng khác cần phải giải đáp là chúng ta phải làm thế nào để cung cấp đủ năng lượng cho quá trình đô thị hóa. Chắc chắn, nhu cầu sử dụng năng lượng ở đô thị sẽ lớn hơn so với các khu vực khác. Ví như 2 thành phố: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tiêu thụ khoảng 22% sản lượng điện của Việt Nam.

Mặt khác, Nghị quyết 55-NQ/TW cũng nhấn mạnh yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là quốc sách và Chính phủ đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ năm 2010.

Bên cạnh 2 yêu cầu truyền thống này thì hiện nay chúng ta còn có thêm một yêu cầu mới là sử dụng năng lượng thông minh.

“Tôi cho đây là một quá trình thay đổi về chất trong quá trình sử dụng năng lượng. Ngoài tiết kiệm hiệu quả, kiểm soát cung cầu tốt thì chúng ta còn phải sử dụng năng lượng thông minh trên con đường hướng đến các đô thị thông minh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng An chia sẻ.

Báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết, Việt Nam và nhiều nước ASEAN vẫn đang xuất khẩu năng lượng sơ cấp như than đá, dầu thô… Nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa là các nước trong khu vực sẽ phải nhập khẩu ròng năng lượng sơ cấp vì ASEAN vốn có nhu cầu sử dụng năng lượng rất cao.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng An khẳng định, việc đáp ứng nhu cầu năng lượng sẽ là yếu tố sống còn đối với công cuộc phát triển đô thị thông minh và hiện đại hóa nền kinh tế.

Đối với các nước cần nhập khẩu ròng năng lượng như Việt Nam thì sử dụng năng lượng hiệu quả còn thực sự là một nhu cầu tự thân.

Bởi vậy, Thứ trưởng rất mong muốn các chuyên gia và đại biểu sẽ đóng góp thêm các ý kiến để giúp Việt Nam sử dụng năng lượng thông minh, bao gồm cả những kiến nghị về cơ chế, chính sách.

Việt Nam đang sử dụng năng lượng thông minh như thế nào?

Quá trình đô thị hóa luôn gắn liền với công nghiệp hóa và Việt Nam đang phát triển rất nhanh các khu công nghiệp. Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đủ năng lượng cho các khu công nghiệp và sử dụng năng lượng thông minh hơn nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

su dung nang luong thong minh la quoc sach va trach nhiem cua toan xa hoi
Trưởng nhóm công tác điện và năng lượng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam John Rockhold chia sẻ về sử dụng năng lượng hiệu quả trong các khu công nghiệp và khu kinh tế thông minh.

Đối với vấn đề này, Trưởng nhóm công tác điện và năng lượng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam John Rockhold đã chia sẻ về sử dụng năng lượng hiệu quả trong các khu công nghiệp và khu kinh tế thông minh tại Việt Nam.

Việc đầu tư phát triển năng lượng thông minh ban đầu có thể tốn kém, nhưng về lâu dài sẽ mang đến những lợi ích to lớn. Các khu công nghiệp và nền kinh tế sẽ tiết kiệm chi phí nhờ sử dụng năng lượng tái tạo, tăng năng suất lao động, giảm thiểu phát thải khí nhà kính vào môi trường, phát triển bền vững và thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Hiện nay, nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để tự sản xuất điện. Nhưng do giá điện còn khá rẻ nên các doanh nghiệp cũng chưa có đông lực để tự phát triển lưới điện thông minh của chính họ.

su dung nang luong thong minh la quoc sach va trach nhiem cua toan xa hoi
Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban hệ thống năng lượng Schneider Electric Việt Nam Đỗ Nguyên Hưng chia sẻ về lưới điện thông minh.

Chia sẻ về giải pháp phát triển lưới điện thông minh ở các đô thị, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban hệ thống năng lượng Schneider Electric Việt Nam Đỗ Nguyên Hưng cho biết, những bài toán quan trọng nhất là cân bằng cung – cầu, tích hợp năng lượng tái tạo phân tán vào hệ thống lưới của ngành điện lực, thực hiện chuyển đổi số và gắn kết với khách hàng.

Bên cạnh đó, quá trình vận hành điện lưới thông minh cần phải có hạ tầng lưới, thiết bị thông minh đi kèm. Trong thời gian tới, xu hướng phát triển của những phần mềm quản lý sẽ nằm trên điện toán đám mây và khi đó, chúng ta có thể ủy quyền cho các nhà chuyên môn, các đơn vị tư vấn giải quyết bài toán quản lý.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông của USGBC-GBCI Gopalakrishnan Padmanabhan (Gobal) đã chia sẻ về hướng đi mới cho các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững.

Ông Gobal nhấn mạnh vai trò của chứng nhận LEED trong việc nâng cao tiêu chuẩn xanh của các tòa nhà, từ đó góp phần tiết kiệm chi phí, mang lại môi trường làm việc xanh, tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, các tòa nhà thông minh sẽ hướng đến nền tảng LEED Zero không phát thải khí nhà kính và tự sản xuất năng lượng bền vững.

su dung nang luong thong minh la quoc sach va trach nhiem cua toan xa hoi
Toàn cảnh hội thảo “Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị”.

Nhân dịp này, Trưởng đại diện quốc gia của Quỹ châu Á tại Việt Nam Michael Digregorio đã chia sẻ về dự án carbon thấp tại các khu công nghiệp ở Đà Nẵng. Trong khi đó, chuyên gia kỹ thuật UNDP Yannick Millet trình bày các thách thức và giải pháp phát triển các tòa nhà không phát thải khí carbon. Theo đó, các khu công nghiệp, các tòa nhà sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn.

Các chuyên gia và đại biểu cũng đóng góp một số kiến nghị về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng thông minh tại các đô thị.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load