Chủ nhật 03/11/2024 02:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật / Tư vấn pháp luật

Quy định về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị thu hồi

10:25 | 06/08/2020

(Xây dựng) – Liên quan đến việc tranh chấp, khiếu kiện về đất trong quá trình lập, thừa kế di chúc tài sản. Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội đã có Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018/DS-GĐT ngày 27/9/2018 về vụ án dân sự “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” tại tỉnh Vĩnh Phúc đã được phát triển thành Án lệ số 34/2020/AL.

quy dinh ve quyen lap di chuc dinh doat gia tri boi thuong ve dat trong truong hop dat bi thu hoi
Ảnh minh họa

Tình huống của án lệ lần này là quyền sử dụng đất do cá nhân tạo lập hợp pháp mà khi người đó còn sống, Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất và việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được bồi thường. Cụ thể là di sản của cụ D, cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 của UBND thành phố Vĩnh Yên nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1.

Tìm hiểu được biết, ông T.V.Y có đơn khởi kiện ngày 26/6/2013 về việc Thửa đất số 28, Tờ bản đồ số 13 tại Khu M, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có nguồn gốc là nhận chuyển nhượng của cụ N.T.C (tức T, T1) từ năm 1987.

Việc chuyển nhượng đất, hoa màu liên quan đến thửa đất này giữa ông Y và cụ C có giấy xác nhận của UBND phường, đồng ý cho ông Y đến ở cùng cụ T1. Năm 1998, ông Y và cụ C làm giấy tờ chuyển nhượng thửa đất trên. Mặc dù việc trả tiền không được các bên viết giấy biên nhận, nhưng có 2 người là bà N.T.B (đã chết) và bà T.T.K (ở xóm D, phường Đ) chứng kiến. Đặc biệt, khi chuyển nhượng 2 bên đã lập Hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi ngày 08/02/1998 và nộp tại UBND.

Do năm 2013, Phòng công chứng M đã công chứng Di chúc của cụ N.V.D và công chứng Văn bản công bố di chúc của cụ D và cụ N.T.T1 (ngày 26/01/2011). Căn cứ theo các văn bản trên thì cụ D có quyền sở hữu, sử dụng 1 phần thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 khu M, phường N, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc; ông D1 là người được hưởng thừa kế của cụ D và cụ C đối với thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 diện tích 299,8m2 tại khu M.

Cho rằng, việc công chứng của Phòng công chứng M không đúng quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông Y nên ông Y đề nghị Tòa án tuyên bố 02 văn bản công chứng trên vô hiệu.

Ngược lại, phía bị đơn là Phòng công chứng M cho biết, ngày 14/1/2011, ông D1 chở cụ N.V.D đến và yêu cầu công chức di chúc của cụ D. Theo lời khai của cụ D, cụ D lấy cụ T1 nhưng không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, cụ D có lấy người khác nhưng không ly hôn cụ T1 nên nhà, đất tại thửa đất đang tranh chấp trên là tài sản chung hợp nhất được hình thành trong giai đoạn hôn nhân giữa cụ D – cụ C. Tại thời điểm đó, cụ C vẫn minh mẫn và tỉnh táo, nên việc lập di chúc là hoàn toàn chính đáng. Các giấy tờ chứng minh tài sản do cụ D và anh D1 xuất trình gồm có: D chúc của cụ T1 được UBND phường chứng thực; Giấy tờ mua bán bản gốc của cụ D mua của ông Đ (có xác nhận của UBND xã), sau đó đổi cho HTX lấy thửa đất; Công văn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thành phố Vĩnh Yên trả lời, giải quyết khiếu nại của ông D.

Sau khi cụ D mất, bản di chúc có hiệu lực và ông D1 đến Phòng công chứng M yêu cầu công bố di chúc. Trong quá trình công chứng và công bố di chúc của cụ D, Phòng công chứng M không nắm được thông tin thửa đất trên đang có tranh chấp.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2014/DS-ST ngày 28/4/2014, Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định: Văn bản công chứng di chúc và văn bản công chứng văn bản công bố di chúc của Phòng công chứng M đối với Di chúc của cụ D là vô hiệu. Sau đó ông D1 kháng cáo, không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

Tuy vậy, ngày 27/4/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định tại Bản án dân sự phúc thẩm số 23/2015/DS-PT nhất trí giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm trên. Ông D1 tiếp tục có đơn đề nghị xem xét đối với bản án phúc thẩm trên.

Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội đã có kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm của Toàn án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và đề nghị hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm, sơ thẩm nêu trên. Đồng thời yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội giao hồ sơ vụ án xét xử cho Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên xét xử theo đúng quy định.

Nhận định của Tòa án nêu rõ 5 điểm trong vụ án “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa ông Y và Phòng công chứng M, trong đó đặc biệt chú ý những điểm sau:

Theo quy định tại Điều 45 Luật Công chứng thì người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu gồm có: “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chúng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Để chứng minh mình có quyền, lợi ích liên quan đến văn bản công chứng, quyền khởi kiện, ông Y xuất trình giấy ủy nhiệm chi ngày 20/5/2005 với số tiền 100.000.000 đồng, Hợp đồng ủy quyền ngày 23/7/2009 của cụ C cho ông, Giấy bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thổ cư ngày 08/02/1998, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 08/02/1998 giữa cụ C và ông kèm theo đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, thửa đất trên là tài sản chung của cụ C và cụ D nhưng các tài liệu do ông Y xuất trình thể hiện chỉ có cụ C chuyển nhượng mà chưa có ý kiến của cụ D. Trường hợp cụ C tự ý định đoạt tài sản chung mà không có sự đồng ý của cụ D thì cần xem xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng giữa cụ C và ông Y. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa ản cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ do ông Y cung cấp và đánh giá hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Y và cụ C. Như vậy, việc tuyên bố các văn bản công chứng di chúc vô hiệu là chưa đủ căn cứ, từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ông D1.

Di sản của cụ D, cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 của UBND thành phố Vĩnh Yên, nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Bản án số 45/2009 DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (trong khi tại bản án phúc thẩm này Hội đồng xét xử chỉ tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án) để xác định tại thời điểm cụ D lập di chúc, di sản là một phần tài sản không còn nữa là chưa chính xác. Do đó, khi giải quyết lại vụ án cần xem xét đồng thời giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán nhà, đất giữa ông T.V.Y với cụ N.T.C và tính hợp pháp của bản di chúc do cụ D, cụ C lập cũng như Văn bản công bố di chúc mới có thể giải quyết triệt để vụ án và bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan.

Quyết định của tòa án: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 23/2015/DS-PT ngày 27/4/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2014/DS-ST ngày 28/4/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về vụ án “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn là ông T.V.Y với bị đơn là Phòng công chứng M. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông N.V.D1, đồng thời Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ánh Dương
Theo Án lệ 34/2020/AL đăng ngày 25/2/2020 trên trên Trang tin điện tử về án lệ - Tòa án Nhân dân tối cao (anle.toaan.gov.vn)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load