(Xây dựng) - Nhiều năm qua, nạn “cát tặc” ngang nhiên hoành hành trên sông Thạch Hãn và sông Hiếu (tỉnh Quảng Trị) bất chấp sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngăn chặn của người dân… Dư luận rất bất bình và đặt ra nhiều nghi ngại, không biết đến bao giờ nạn “cát tặc” mới chấm dứt?
Bãi tập kết cát ở bên bờ sông giáp ranh xã Gio Mai và xã Gio Quang. |
Đoạn sông nói trên dài khoảng 6 - 7km, nằm về cuối nguồn hợp lưu của sông Thạch Hãn và sông Hiếu trước khi đổ ra cảng Cửa Việt. Chỉ một đoạn sông ngắn, nhưng nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra một cách có hệ thống. Theo người dân sở tại, mỗi ngày có tới 7 tàu hút cùng lúc, mỗi tàu có sức chứa 80m3 và tiêu thụ cho một đầu mối.
Đoạn sông bị “cát tặc” hoành hành thuộc các xã Gio Quang, Gio Mai (huyện Gio Linh) và xã Triệu Độ, Triệu Phước (huyện Triệu Phong)… Nạn khai thác cát quá mức đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện tại xã Gio Mai mà toàn tuyến từ cầu Đông Hà đến cảng Cửa Việt, với chiều dài hơn 13km. Ghi nhận hiện tượng mất đi hàng chục ha đất, xâm thực vào nhiều khu vực dân cư, uy hiếp đến đời sống của bà con sống gần bờ sông.
Bờ sông đi qua xã Gio Mai và Gio Quang, huyện Gio Linh bị sạt lở nặng. |
Ông Hoàng Thanh Lương - Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho biết: “Xã đã thành lập tổ tuần tra xử lý khai thác cát trái phép trên sông Hiếu đoạn qua địa bàn xã, đồng thời đã báo cáo lên UBND huyện”.
Ông Võ Đắc Hóa - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho hay: “Sau khi nắm được tình hình, UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo các xã và lực lượng công an túc trực, tuần tra, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên”.
Người dân ở gần bờ sông, nơi có “cát tặc” hoạt động bày tỏ lo ngại, bởi trên thực tế, tình trạng khai thác cát trái phép chỉ tạm lắng xuống một thời gian khi các cơ quan chức năng có động tĩnh nhưng rồi mọi việc lại trở về như cũ. Suy nghĩ này của người dân, cũng đồng nghĩa việc mất niềm tin vào việc quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng.
Sự mặc nhiên hoành hành của “cát tặc” trong một thời gian dài và có chiều hướng ngày càng manh động hơn ở đoạn sông nói trên khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng đây là một sự coi thường, thách thức trước sự bất lực của các cơ quan chức năng, hay có sự bảo kê của một thế lực nào khác?
Thông tin từ ông Võ Quốc Hoàng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong 2 năm 2019 - 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện và tiến hành xử phạt 166 vụ vi phạm khai thác cát trái phép trên đoạn sông thuộc địa bàn huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép nói trên.
Hữu Tiến
Theo