(Xây dựng) – Nhiều tuyến đường dây hạ thế của Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020-EU tài trợ đã hoàn thành nhưng vẫn chưa nghiệm thu, không thể hoạt động… để lại cảnh tượng ngổn ngang, gây lãng phí tiền của Nhà nước, bức xúc dư luận.
Nhiều người dân cho đường dây đi qua dưới gầm cầu đường Quốc lộ 9 gây mất an toàn. Trong khi đường dây hạ thế đi qua phía nhà họ đã hoàn thành nhiều tháng nhưng vẫn chưa đóng được điện. |
Ngày 24/02/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 501/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020-EU tài trợ”. Dự án thuộc cấp công trình công nghiệp, cấp IV, được triển khai tại các xã Hải An, Hải Quế, Hải Xuân (huyện Hải Lăng); xã Tân Thành, Thanh, Hướng Phùng, Hướng Lộc, A Túc và xã Xi (huyện Hướng Hóa); xã Gio Hòa, Gio Hải, Gio Sơn, Linh Thượng, Gio Mai, Vĩnh Trường, Trung Hải, Trung Giang và Gio Mai (huyện Gio Linh).
Dự án có tổng dự toán gần 77 tỷ đồng, thời gian thi công năm 2019 đến 2020, do Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị là đơn vị được ủy thác quản lý dự án. Dự án có nhiều nhà thầu thi công. Đến nay, dự án đã vượt kế hoạch gần 3 năm, nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành và có dấu hiệu chững lại trong thời gian dài.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị: Đến thời điểm hiện tại, chỉ có địa bàn huyện Gio Linh đã hoàn thành và đấu nối đóng điện toàn bộ các tuyến của công trình. Các địa phương còn lại như huyện Hướng Hóa và huyện Hải Lăng chỉ mới đạt giá trị nghiệm thu khoảng 87%.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết: Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do cơ chế của dự án là vận động nhân dân khu vực trực tiếp hưởng lợi tự nguyện tham gia, đóng góp trong công tác giải phóng mặt bằng tại các vị trí cột và hành lang tuyến đường dây (trừ đất thổ cư, nhà cửa, công trình phụ bị ảnh hưởng bởi xây dựng lưới điện trung áp), vì vậy công tác giải phóng mặt bằng để thi công móng cột và công tác phát quang hành lang tuyến đảm bảo an toàn để đóng điện gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Điều đáng quan tâm là dự án tại địa bàn huyện Gio Linh, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đã thi công hoàn thành, hệ thống đường dây trung áp được nghiệm thu và đóng điện, nhưng trên thực tế thì hệ thống đường dây hạ áp vẫn chưa đóng điện. Được biết, ngày 12/10/2022, chủ đầu tư và Điện lực Gio Linh đã tiến hành nghiệm thu hệ thống điện của dự án, nhưng chỉ có hệ thống đường dây trung áp đạt điều kiện để đóng điện, riêng hệ thống đường dây hạ áp chưa đảm bảo điều kiện an toàn nên chưa đóng điện để vận hành.
Trạm điện Mai Xá 2 trên khu vực Cồn Soi thuộc xã Gio Mai đã có điện nhưng hệ thống đường dây hạ thế vẫn chưa đóng được điện. |
Chứng kiến hệ thống đường dây hạ áp thuộc dự án nói trên mới thấy sự vô trách nhiệm và làm việc theo kiểu phiến diện, không đáp ứng với điều kiện kỹ thuật an toàn lưới điện từ chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan.
Cụ thể, hệ thống đường dây hạ áp tại địa bàn huyện Gio Linh đi luồn qua cây cối um tùm, nhiều điểm phải buộc đường dây vào cột cây; chiều cao từ mặt đất đến dây không đúng với quy định, có nhiều đoạn đi qua trước nhà dân thấp hơn nóc nhà (nhà một tầng), không những gây hình ảnh phản cảm mà còn gây mất an toàn.
Ông Trương Văn Phúc, ở thôn Mai Xá, xã Gio Mai (huyện Gio Linh) bức xúc: “Đường dây điện đi qua trước mặt nhà tôi hơn một năm nay, nó như là một chướng ngại vật, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn, sản xuất, kinh doanh của gia đình. Còn đáng lo hơn, đường dây hạ thế này được đóng điện thì sự mất an toàn sẽ luôn rình rập với người dân chúng tôi”.
Một nghịch lý, trên Quốc lộ 9 ngang qua địa phận xã Gio Mai, nếu tính từ hướng Đông Hà về Cửa Việt thì phía bên phải đường dây hạ thế thuộc Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020-EU tài trợ chạy dọc bên đường, đi qua các khu dân cư, được thi công hoàn thành hơn một năm nay nhưng vẫn chưa đóng điện. Trong khi đó, người dân dọc tuyến đường này phải “câu” dây đấu điện từ đường dây hạ thế bên kia đường bằng hình thức tạm bợ, dùng tre hay những khúc gỗ để chống dây vượt đường Quốc lộ 9, nơi có lưu lượng lớn phương tiện giao thông qua lại; có một số hộ cho dây qua đường bằng cách luồn dây điện xuyên qua dưới mặt cầu đường bắc qua sông, mương nước… gây mất an toàn.
Còn tại vùng Cồn Soi, thuộc thôn Mai Xá 2, xã Gio Mai, huyện Gio Linh nơi có hàng chục héc ta nuôi tôm công nghiệp và sản xuất lúa nước. Lâu nay, người dân nơi đây luôn mong có một hệ thống điện dành riêng cho việc sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Ấy vậy mà một hệ thống đường dây trung và hạ áp đã xây dựng hoàn thành trong nhiều tháng nay, nhưng họ vẫn chưa dùng được điện từ công trình này.
Đường dây hạ thế thuộc Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020-EU đi qua nhà dân vừa phản cảm vừa có nguy cơ mất an toàn. |
Theo Điện lực Gio Linh, sau khi tổ chức kiểm tra, nghiệm thu thì hệ thống đường dây trung áp đã đủ điều kiện đóng điện, theo đó trạm biến áp ở đồng Cồn Soi (Trạm biến áp Mai Xá 2) đã có điện để cho đường dây hạ áp đấu nối. Tuy nhiên, do đường dây hạ áp trên khu vực Cồn Soi chưa đảm bảo an toàn nên chưa được đóng điện. Như vậy, người nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa nước ở Cồn Soi như lâm vào tình cảnh “cơm treo, mèo nhịn đói”.
Khi chúng tôi phản ánh về những bất cập hệ thống đường dây hạ thế ở Mai Xá 2, xã Gio Mai (huyện Gio Linh) thì ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị khẳng định: Hạng mục đã được đóng điện, tuy nhiên do người dân chưa làm thủ tục chuyển công tơ (chưa có phụ tải) nên điện lực tạm thời ngắt cầu chì. Ý kiến này hoàn toàn đi ngược lại với thực tế và với quan điểm của Điện lực Gio Linh mà chúng tôi đã đề cập trên. Hơn thế nữa, nếu người dân đấu nối được đồng hồ vào hệ thống thống đường dây hạ thế thì tiền điện rẻ hơn 3 lần so với chạy máy phát điện, nên không lý gì mà người dân chậm làm thủ tục chuyển đổi công tơ.
Phải khẳng định rằng, Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020-EU tài trợ đang rất ngổn ngang. Dư luận đặt ra câu hỏi rằng, chủ đầu tư, các đơn vị thi công cùng với các đơn vị liên quan làm việc chưa hết trách nhiệm? Nếu tình trạng này không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho dự án trên.
Ông Trần Hữu Hiếu – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện tại, Ban này đang đề nghị Sở Công Thương tổ chức họp các đơn vị để bàn phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc nhằm sớm đóng điện, đưa dự án vào sử dụng. Còn đến bao giờ, Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2020-EU tài trợ mới chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động đồng bộ? Câu hỏi này xin gửi tới các cơ quan có thẩm quyền.
Hữu Tiến
Theo