(Xây dựng) – Ngay sau khi Báo điện tử Xây dựng đăng bài “Tiên Yên (Quảng Ninh): Ai cả gan lấp nơi hợp long hai con sông lớn”, UBND huyện huyện Tiên Yên đã tiếp thu, giao cho UBND xã Tiên Lãng kiểm tra hiện trường, báo cáo vụ việc mà công dân, dư luận quan tâm này.
Nhà đầu tư san nền không be bờ, để đất đá trực tiếp đổ xuống mét nước lòng sông, rất khó phân biệt đâu là khổ giới được cấp phép xây dựng. |
Ngày 22/7/2020, UBND xã Tiên Lãng có Văn bản số 116/BC-UBND báo cáo kết quả xác minh ý kiến, kiến nghị của công dân mà Báo điện tử Xây dựng phản ánh. Văn bản nêu, ngày 20/7/2020 ông Thang Văn Thông, thường trú tại 26b/26, Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh có đơn gửi UBND huyện Tiên Yên xin thuê đất ở thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ ngày 16/9/2019, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho huyện đáp ứng nguyện vọng đầu tư của ông Thang Văn Thông.
Như thẩm định nhu cầu sử dụng đất, lập tờ trình thu hồi 4.899m2 đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp, cấp phép xây dựng cho ông Thang Văn Thông làm bãi tập kết vật liệu và chế biến dăm gỗ (có liệt kê đầu mục các văn bản của huyện). Ông Thang Văn Thông đang triển khai san lấp mặt bằng và xây dựng các hạng mục theo Giấy phép xây dựngmà huyện Tiên Yên cấp.
UBND huyện Tiên Yên, UBND xã Tiên Lãng đã kịp thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị của công dân mà Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh. Nhưng có điều, bút lục ghi ngày 20/7/2020 ông Thang Văn Thông có đơn xin thuê đất, mà từ ngày 16/9/2019 các cơ quan chức năng đã xúc tiến giải quyết, chắc người soạn văn bản “bất cẩn”. Vấn đề dư luận băn khoăn là huyện chỉ đạo rất nghiêm, tạm đình chỉ san lấp mặt bằng, kiểm tra giải pháp thi công theo cam kết đánh giá tác động môi trường nhưng xã Tiên Lãng thực hiện chưa đầy đủ.
Cụ thể, trong báo cáo không chỉ ra được những yêu cầu nhà đầu tư phải có giải pháp thi công đảm bảo an toàn, cảnh quan môi trường; niêm yết công khai quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng. Mà chỉ quan tâm vào giải thích công trình xây dựng không lấn chiếm đất rừng ngập mặn và hợp long của 2 dòng sông Tiên Yên.
Thực tế mắt thường cũng thấy, nhà đầu tư xây dựng bến bãi bên bờ sông, không đóng cọc cừ chắn đất; khi san nền để đất đá trực tiếp đổ xuống mép nước lòng sông, rất khó phân biệt đâu là khổ giới được cấp phép xây dựng. Còn theo ảnh từ trên cao chụp xuống trước khi nhà đầu tư san nền, vạt đất này là thảm thực vật màu xanh (có ảnh lưu), nay trơ màu đất mới. Đoạn sông “kiêng” chữ hợp long, có thể gọi là cán gáo. Địa lý là nơi hợp thủy của 2 nhánh sông, một nhánh từ vùng rừng Đình Lập (Lạng Sơn) đổ về gọi là sông Phố Cũ (còn gọi là Khe Tù), nhánh kia từ vùng rừng Bình Liêu đổ xuống qua đập ngầm Tiên Yên gọi chung là sông Tiên Yên.
Đoạn bờ sông mà ông Thang Văn Thông đang xây dựng bãi tập kết vật liệu và chế biến dăm gỗ, người địa phường gọi là Kho Lạch Giang, chếch lên là Đâu Dâu, phía dưới là bến đò Đồng Châu (nay có cầu thay đò) đây là cửa cái sông Tiên Yên đổ ra cửa biển Mũi Chùa.
Đoạn sông này xung yếu xả lũ cho đô thị Tiên Yên, các công trình xây dựng bên bờ sông cần hết sức thận trọng. UBND huyện Tiên Yên cần quan tâm khi mùa lũ rừng đã kề cận.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục với thông tin.
Vũ Phong Cầm
Theo