(Xây dựng) - Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh là đơn vị 100% vốn Nhà nước được giao quyền quản lý, vận hành, khai thác dịch vụ thủy lợi tại hồ nước Cao Vân. Tuy nhiên trên thực tế, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh - một đơn vị đang thoái dần vốn Nhà nước lại khai thác hàng chục triệu m3 nước/năm mà không nộp tiền phí thủy lợi? Để giải thích vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng xin phỏng vấn ông Vũ Trọng Tĩnh – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh.
Cần giao lại quyền quản lý Nhà nước - khai thác - vận hành - thu phí thủy lợi cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh mới đúng luật. |
PV: Thưa ông! Văn bản số 1605, ngày 28/8/2020 của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh có ghi: “Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh đã bàn giao tạm thời nhiệm vụ hồ chứa nước Cao Vân cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh từ ngày 01/02/2018” điều này đúng hay sai?
Ông Vũ Trọng Tĩnh: Tôi xin khẳng định Văn bản 1605 của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh có nhiều nội dung chưa đúng và nêu chưa rõ dẫn đến hiểu không đúng bản chất sự việc.
Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc “Giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống công trình thuộc hồ chứa nước Cao Vân cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập”. Thực hiện Quyết định trên, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh nhận quản lý, vận hành, khai thác từ ngày 01/02/2018.
Trong thời gian Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh quản lý, vận hành hồ Cao Vân không xảy ra tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý vận hành giữa Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh.
Thực hiện theo Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh đã quản lý, vận hành hồ chứa nước Cao Vân theo đúng quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công trình luôn được đảm bảo an toàn hồ chứa và không để xảy ra tình trạng mất an ninh nguồn nước cấp cho khu vực phía Đông thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả.
PV: Trong Văn bản 1605 của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh có nêu:“Hiện nay Công ty vẫn đang phải bố trí công nhân để phối hợp quản lý và vận hành khai thác các công trình thu nước, các van xả lũ trên tuyến ống nước dẫn nước hồ Cao Vân, để phục vụ cho sản xuất nước sạch của nhà máy nước Diễn Vọng”. Ông lý giải gì về nội dung này?
Ông Vũ Trọng Tĩnh: Nội dung như vậy là không đúng với thực tế. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên lập Quảng Ninh quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ toàn bộ công trình hồ Cao Vân từ ngày nhận bàn giao, hoàn toàn không có sự tham gia của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh vào công tác quản lý vận hành tại hồ Cao Vân. Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh chỉ quản lý, vận hành hệ thống đường ống dẫn nước đến nhà máy nước Diễn Vọng (không thuộc cụm công trình hồ chứa Cao Vân) nên không xảy ra tình trạng lãng phí nguồn lao động.
PV: Đề nghị ông chứng minh quyền khai thác thủy lợi tại hồ Cao Vân của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh?
Ông Vũ Trọng Tĩnh: Theo như báo cáo của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh là đã được cấp phép tại Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt số 2942/GP-BTNMT ngày 19/12/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại khoản 3, khoản 4 Điều 1 trong Giấy phép có ghi:
“3. Nguồn nước khai thác, sử dụng: Suối Thác Cát (Thạc Cát), phụ lưu cấp 1 của sông Diễn Vọng.
4. Vị trí công trình khai thác, sử dụng nước:
Xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ và phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh”.
Đối chiếu với Giấy phép số 2942/GP-BTNMT ngày 19/12/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh không thấy đề cập đến việc cấp quyền khai thác, sử dụng nước mặt tại hồ chứa nước Cao Vân, xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Hơn nữa, việc một đơn vị quản lý, vận hành công trình khác hoàn toàn với việc một đơn vị được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt. Đơn vị được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tại công trình được cấp phép thì đơn vị quản lý, vận hành sẽ không được cấp cho các đơn vị khác khai thác, sử dụng nước mặt tại công trình đó nếu nguồn nước chỉ đủ cấp theo giấy phép. Trường hợp nếu còn nguồn nước, thì đơn vị quản lý, vận hành công trình đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các đơn vị khác có nhu cầu sử dụng.
Như vậy, tôi có thể khẳng định quyền khai thác thủy lợi tại hồ Cao Vân hoàn toàn thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh chứ không thuộc Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh.
PV: Được biết, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh đã đầu tư một số hạng mục vào hồ Cao Vân. Vậy số tài sản này nên giải quyết ra sao?
Ông Vũ Trọng Tĩnh: Theo như báo cáo của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh: “Tuy nhiên, quá trình bàn giao gặp nhiều vướng mắc, liên quan đến việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước, việc mua lại các tài sản của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh đã đầu tư bằng nguồn vốn của Công ty, đã được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa năm 2014 với giá trị theo sổ sách là 7.308.220.854 đồng chưa thực hiện”.
Về vấn đề này, căn cứ theo Văn bản số 412/CTN-KTTC ngày 10/03/2020 của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh về việc báo cáo và đề xuất phương án bàn giao tài sản hệ thống công trình hồ Cao Vân, tính đến thời điểm ngày 31/12/2019, giá trị còn lại sau khi khấu hao tài sản là 323.301.946 đồng (Ba trăm hai mươi ba triệu, ba trăm linh một nghìn, chín trăm bốn mươi sáu đồng) đã được hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh thuê định giá tài sản để 2 bên tiến hành thỏa thuận mua, bán trên cơ sở định giá tài sản.
Tại Văn bản số 7314/UBND-TM4 ngày 10/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc giải quyết vướng mắc liên quan đến việc thu phí dịch vụ thủy lợi và bàn giao hệ thống công trình hồ Cao Vân có nêu: “Đối với phần tài sản do Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh đã đầu tư (tài sản đã được tính vào giá trị để cổ phần hóa): thực hiện bán hoặc thanh lý cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, 02 Công ty thực hiện hạch toán điều chỉnh tăng, giảm giá trị tài sản, nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành”.
Về nội dung này, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Công ty mua lại giá trị tài sản còn lại của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh đầu tư tại hồ Cao Vân với giá trị là 323.301.946 đồng bằng nguồn thu hợp pháp của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh để tránh xảy ra tình trạng vướng mắc trong quá trình bàn giao tài sản và thuận lợi cho quá trình thoái vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh.
PV: Vậy, quyền thu phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tại hồ Cao Vân thuộc về đơn vị nào, thưa ông!?
Ông Vũ Trọng Tĩnh: Văn bản 1605 của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh: “Việc chưa thực hiện chi trả tiền giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi của công trình hồ chứa nước Cao Vân là do việc bàn giao công trình chưa hoàn thành, ngoài các công trình thuộc tài sản Nhà nước, các tài sản còn lại vẫn thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh và quyền khai thác nước mặt tại hồ chứa nước Cao Vân theo giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt số 2942/GP-BTNMT ngày 19/12/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn thuộc Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh. Theo quy định của pháp luật, Công ty đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác nước nên không thất thu ngân sách Nhà nước như nội dung các báo nêu”.
Căn cứ Công văn số 1438/BTNMT-TNN ngày 28/03/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nêu: “Tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính về thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,... theo quy định của pháp luật và nghĩa vụ tài chính về sử dụng dịch vụ thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi”.
Căn cứ vào Văn bản số 24/TCT-QLCT ngày 07/01/2020 của Tổng cục Thủy lợi về việc trả lời vướng mắc về hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có trả lời: “Từ ngày 01/02/2018, hồ chứa nước Cao Vân được UBND tỉnh Quảng Ninh giao Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập quản lý, khai thác. Do đó, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập có trách nhiệm ký hợp đồng sử dụng nước (theo quy định của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi) hoặc hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (theo quy định của Luật Thủy lợi) với các tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ hồ chứa nước Cao Vân, trong đó bao gồm Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh”.
Căn cứ Văn bản số 3743/STC-TCDN ngày 31/07/2020 của Sở Tài chính về việc xử lý các vướng mắc trong việc phục vụ công tác thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh có nêu: “Trong thời gian chưa hoàn thành việc chuyển cấp phép quyền khai thác tài nguyên nước, Công ty phải thực hiện nghiêm túc việc mua nước thô theo đúng các chỉ đạo của UBND tỉnh”.
Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của các đơn vị nêu trên, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh đã nhiều lần mời Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh thực hiện ký kết hợp đồng sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo quy định của pháp luật tại hồ Cao Vân nhưng Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh không thực hiện với lý do là được cấp quyền khai thác nước mặt tại hồ Cao Vân và chưa bàn giao tài sản. (theo giấy mời số 251/GM-CT ngày 05/04/2019 về việc xác nhận phí dịch vụ thủy lợi đơn vị sử dụng nước thô từ các hồ do công ty quản lý, Văn bản số 272/VB-CT ngày 22/04/2019 về việc ký kết Hợp đồng cung cấp nước thô tại công trình hồ chứa nước Cao Vân, đập dâng nước Đá Bạc (đập Diễn Vọng) và hồ chứa nước Khe Mai, Văn bản số 382/CV-CT ngày 05/06/2019 về việc giải quyết vướng mắc liên quan đến việc sử dụng phí dịch vụ thủy lợi từ hồ chứa nước Cao Vân...). Việc cấp quyền khai thác, sử dụng nước mặt và việc bàn giao tài sản tại hồ Cao Vân của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh không liên quan đến việc không phải trả phí dịch vụ thủy lợi mà vẫn phải thực hiện việc trả phí dịch vụ thủy lợi theo Luật Thủy lợi và các quy định hiện hành.
2. Để tránh tình trạng thất thoát nguồn thu từ phí dịch vụ thủy lợi, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị cho truy thu toàn bộ phí dịch vụ thủy lợi sử dụng tại hồ Cao Vân của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh từ ngày 01/02/2018 đến nay. Giá thu nước thô căn cứ theo Văn bản số 7314/UBND-TM4 ngày 10/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc giải quyết vướng mắc liên quan đến việc thu phí dịch vụ thủy lợi và bàn giao Hệ thống công trình hồ Cao Vân có nêu: “Giá thu cấp nước thô trước mắt thực hiện theo Quyết định 873/2017/QĐ-UBND ngày 27/03/2017 của UBND tỉnh cho đến khi có mức giá mới theo quy định của cấp có thẩm quyền”.
Hồ chứa nước Cao Vân đang ''nóng lên'' vì ''lỗ hổng'' trong công tác quản lý Nhà nước. |
PV: Về quyền quản lý, vận hành hồ chứa nước Cao Vân, mới đây UBND tỉnh có cuộc họp giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát lại các quy định, tham mưu đề xuất việc giao lại nhiệm vụ quản lý khai thác hồ chứa nước Cao vân cho Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh”. Theo ông, vấn đề trên có hợp lý không?
Ông Vũ Trọng Tĩnh: Về vấn đề này, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh đã có ý kiến tham gia tại cuộc họp ngày 20/08/2020 do Sở Tài chính chủ trì. Căn cứ vào điểm a, khoản 3, Điều 23, Luật Thủy lợi nêu:
“Điều 23. Tổ chức và phương thức khai thác công trình thủy lợi:
3. Cơ quan quản lý công trình thủy lợi quy định tại khoản 1, Điều 21 của Luật này quyết định phương thức khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn Nhà nước như sau:
a) Công trình thủy lợi lớn, quan trọng đặc biệt được giao cho doanh nghiệp Nhà nước quản lý, khai thác và thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ;”
Căn cứ Điều 217, Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ 01/01/2021 có sửa đổi, bổ sung tại điểm a, khoản 3, Điều 23, Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/06/2017, cụm từ “Doanh nghiệp Nhà nước” được thay thế bằng cụm từ “Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ”.
Căn cứ Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, quy định tại Điều 7 như sau:
“Điều 7. Yêu cầu về các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi
1. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi phải có các bộ phận sau:
a) Bộ phận chuyên trách về quản lý công trình;
b) Bộ phận chuyên trách về quản lý nước;
c) Bộ phận chuyên trách về quản lý kinh tế.
2. Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, đối với các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ khác, phải có đơn vị chuyên trách để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ đó.
3. Các bộ phận chuyên môn quy định tại Khoản 1 Điều này, phải bố trí 70% số lượng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành phù hợp trở lên”(nghĩa là phải có 70% cán bộ làm công tác quản lý phải có bằng thủy lợi).
Căn cứ Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành quy định phân cấp quản lý để khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (UBND tỉnh quản lý và giao cho các doanh nghiệp Nhà nước (Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Đông Triều; Yên Lập; Miền Đông) trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đầu mối, các trục kênh chính, kênh nhánh và các công trình điều tiết nước có quy mô vừa và lớn…).
Như vậy, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và là đơn vị chuyên ngành về quản lý hồ đập (hiện đang quản lý 13 hồ, đập vừa và lớn, trong đó có hồ Yên Lập là hồ có dung tích lớn nhất tỉnh Quảng Ninh) nên việc giao quản lý, vận hành và khai thác hồ chứa nước Cao Vân cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh là đúng quy định của Luật Thủy lợi và Quyết định phân cấp quản lý để khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục lộ trình thoái vốn Nhà nước, nên việc giao quản lý, vận hành, khai thác là không đúng với Luật Thủy lợi và Quyết định phân cấp quản lý để khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
PV: Xin cảm ơn những ý kiến của ông.
Văn Nguyễn
Theo