Thứ sáu 26/04/2024 02:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Phí dịch vụ thủy lợi hồ Cao Vân liệu có thất thoát?

09:16 | 24/08/2020

(Xây dựng) - Công ty Cổ phần nước Sạch Quảng Ninh là một đơn vị đang được thoái vốn Nhà nước, vậy nhưng mỗi năm đơn vị này đang khai thác khoảng 25 triệu m3 nước tại hồ Cao Vân mà không phải đóng phí dịch vụ thủy lợi là một điều khó hiểu.

quang ninh phi dich vu thuy loi ho cao van lieu co that thoat
Phí dịch vụ thủy lợi – một nguồn thu ngân sách tại hồ Cao Vân có đang bị thất thu?

Được biết, quy định ban hành theo Quyết định số 23 ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phân cấp quản lý để khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh: “UBND tỉnh giao cho các doanh nghiệp Nhà nước, Công ty TNHH MTV thủy lợi: Đông Triều; Yên Lập; Miền Đông được trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình đầu mối”.

Quyết định là vậy nhưng hiện nay Công ty Cổ phần nước Sạch Quảng Ninh đang thoái dần phần vốn Nhà nước hay nói một cách khác là đang tư nhân hóa nhưng vẫn được khai thác nước tại hồ Cao Vân để bán cho nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, nhà máy xi măng và một số khu dân cư đang trở nên khó hiểu?

Trong khi tại Văn bản số 1438 ngày 28/3/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời một số ý kiến của UBND tỉnh Quảng Ninh có đoạn: “Khi cấp phép khai thác các nguồn nước thải đặc biệt tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước và phải tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 201 ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Đồng thời tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính về thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước… theo quy định của pháp luật và các nghĩa vụ tài chính về sử dụng dịch vụ thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi”.

Đồng thời Văn bản 1438 cũng nêu thêm: “Liên quan đến việc sử dụng nước ở hồ Cao Vân giữa Công ty TNHH MTV thủy lợi Yên Lập và Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh chưa thống nhất được vấn đề liên quan đến việc sử dụng dịch vụ thủy lợi. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tránh phát sinh tranh chấp và tuân thủ các quy định pháp luật về tài nguyên nước, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc đến phí dịch vụ thủy lợi trong việc khai thác nước từ hồ Cao Vân của Công ty Cổ phần nước Sạch Quảng Ninh”.

Như vậy, qua các Văn bản trên ai cũng hiểu được là đáng lẽ UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các Sở, ban, ngành phải thống nhất giao quyền quản lý, bảo vệ, khai thác nước từ hồ Cao Vân cho Công ty TNHH MTV thủy lợi Yên Lập – một đơn vị Nhà nước được quyền cung ứng và thu phí dịch vụ thủy lợi nộp về ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề này Văn bản 24 ngày 7/01/2020 của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ rằng: “Từ ngày 01/02/2018, hồ nước Cao Vân được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập khai thác, quản lý. Do đó, Công ty có trách nhiệm ký hợp đồng sử dụng nước (Theo quy định Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi) hoặc hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (theo quy định của Luật Thủy lợi) với các tổ chức, cá nhân trong đó bao gồm cả Công ty Cổ phần nước Sạch Quảng Ninh… Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cung cấp và sử dụng dịch vụ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thực hiện đúng quy định của Luật Thủy lợi”.

Qua những nội dung nêu trên đã cho thấy “lỗ hổng” trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ít nhất là tại hồ Cao Vân. Điều này khiến những người trong cuộc và dư luận nhân dân rất quan ngại về sự thất thu tài chính của Nhà nước. Và câu hỏi được đặt ra, những ai được hưởng lợi khi phí sử dụng dịch vụ thủy lợi bị thất thu? Thêm nữa việc không phải mua tài nguyên nước (không có hóa đơn đầu vào) thì khi bán ra đơn vị sử dụng dịch vụ có phải nộp thuế giá trị gia tăng không?

Văn Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load