Thứ bảy 27/07/2024 19:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Nhận diện những khó khăn để phát triển kinh tế bền vững

08:52 | 12/06/2024

(Xây dựng) – 10 trở lại đây, Quảng Ninh vượt lên chính mình để trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của cả nước, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP 9 năm liền đạt mức hai con số. Nhưng để đạt được mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân”, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh xác định rõ cần phải thẳng thắn nhận diện những khó khăn thách thức trên hành trình phát triển kinh tế bền vững, chủ động đề ra biện pháp giải quyết để đạt được mục tiêu đề ra.

Quảng Ninh: Nhận diện những khó khăn để phát triển kinh tế bền vững
Ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã đưa cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vào khai thác. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài trên 80km, với tổng vốn đầu tư 14.225 tỷ đồng, là tuyến đường cuối cùng hoàn chỉnh chuỗi cao tốc của khu vực phía Bắc từ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái (Quảng Ninh). (Ảnh: QMG)

Những năm qua, Quảng Ninh có những bước phát triển nhanh, mạnh, nhiều lĩnh vực có sự phát triển đột phá, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Nhờ sự ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chất lượng cao cả nội tỉnh và liên tỉnh, cả đường bộ, đường biển và hàng không mà hạ tầng giao thông Quảng Ninh vượt trội so với các địa phương khác.

Năm 2018, cùng lúc Quảng Ninh khánh thành ba công trình: Sân bay quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; Đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. Năm 2022, tỉnh tiếp tục đưa vào vận hành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Hà Nội, kết nối Hạ Long, Vân Đồn với Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có hệ thống đường cao tốc hiện đại, quy mô xuyên tỉnh.

Quảng Ninh hiện là địa phương có số km cao tốc dài nhất Việt Nam, với khoảng 200 km, bằng 10% độ dài cao tốc của cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn có các đường quốc lộ 4 làn xe với vận tốc 80km/h kết nối với Bắc Giang (Quốc lộ 279), với Lạng Sơn (Quốc lộ 4B), và với Hải Dương (Quốc lộ 18).

Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ là một trong những chủ trương, quyết sách sáng tạo, đột phá của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; cùng với bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh của tỉnh, là những yếu tố cơ bản để Quảng Ninh có sự vươn lên bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

Năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt trên 11% (gấp đôi bình quân chung của cả nước), đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước và là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015 - 2023) đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số.

GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020, cao nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020.

Quảng Ninh: Nhận diện những khó khăn để phát triển kinh tế bền vững
Các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. (Ảnh: QMG)

Sự phát triển vượt trội đó tạo động lực nhưng cũng đồng thời là áp lực rất lớn đối với tỉnh Quảng Ninh trước nhiệm vụ phải tiếp tục bứt phá vươn lên, nhất là trong việc thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân”, như Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, song, tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận rõ thực chất, trong sự phát triển đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững, cũng chính là điểm yếu tỉnh cần khắc phục trên hành trình phát triển phía trước.

Đó chính là những vấn đề trọng tâm như: Chất lượng tăng trưởng chưa bảo đảm tính bền vững, có sự chênh lệch khá lớn giữa tăng trưởng GRDP và tăng trưởng thu nhập dân cư, mặc dù GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước nhưng thu nhập bình quân đầu người trên thực tế chưa cao; tỉnh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ khai thác than và sản xuất nhiệt điện than mặc dù khai thác khoáng sản đang dần giảm vai trò (khai thác than đóng góp vào GRDP đã giảm từ 1/3 năm 2011 xuống còn dưới 1/5 năm 2020).

Điểm yếu này có thể làm chậm lại tốc độ và quy mô chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang xanh, tạo xung đột, mâu thuẫn với phát triển các loại dịch vụ du lịch và giảm phát thải nhà kính. Ngành Du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của địa phương, năm 2020, ngành dịch vụ đóng góp chưa đến 1/3 vào GRDP của tỉnh.

Quy mô công nghiệp chế biến, chế tạo còn nhỏ so với hầu hết các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng, thu hút đầu tư vào vào lĩnh vực chế biến chế tạo còn hạn chế. Gần đây, tỷ trọng sản lượng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự gia tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với ngành khai khoáng (Năm 2022, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 11,5%, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng chiếm 18,3% trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh).

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tuy là địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước, nhưng số lượng doanh nghiệp còn ít. Mặc dù tỉnh có hạ tầng giao thông khá đầy đủ, gồm cả cảng biển, sân bay, khu kinh tế và hệ thống đường cao tốc với chiều dài lớn nhất cả nước đã và đang được hoàn thiện, nhưng theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, độ mở về mặt thương mại của tỉnh Quảng Ninh còn thấp, chưa thật sự đóng vai trò là điểm kết nối thương mại quốc tế của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Quảng Ninh: Nhận diện những khó khăn để phát triển kinh tế bền vững
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025, mở ra cơ hội hình thành tuyến vận tải biển dài nhất cả nước từ Móng Cái đến Cà Mau. (Ảnh: QMG)

Thêm vào đó, sự phát triển chưa đồng đều giữa kinh tế và xã hội, chênh lệch giữa các khu vực địa lý còn lớn, cùng với khó khăn thu hút nhân lực chất lượng cao, vấn đề phát triển kinh tế với áp lực về môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu… đã đặt tiến trình phát triển của Quảng Ninh đứng trước nhiều khó khăn.

Trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, thách thức đó, tỉnh Quảng Ninh xác định các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để giải quyết những vấn đề đặt ra, đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững trong giai đoạn tới. Theo đó, bám sát vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, Quảng Ninh đã xây dựng và đang hoàn thiện Đề án “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030”.

Đề án được xây dựng dựa trên những tiềm năng, lợi thế đã được nhận diện, với 6 hệ giá trị cốt lõi đã được chỉ ra là: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Quảng Ninh: Nhận diện những khó khăn để phát triển kinh tế bền vững
Phối cảnh Cảng tổng hợp Vạn Ninh (Móng Cái) sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển Quảng Ninh, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế, nhất là giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa khu vực ASEAN với Đông Bắc Á. (Ảnh: QMG)

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đề ra những giải pháp cụ thể và triển khai thực hiện từng bước đối với 9 lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, bao gồm: Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chuyển đổi năng lượng (liên quan đến việc chuyển dịch của lĩnh vực công nghiệp sản xuất điện); phát triển và chuyển đổi ngành công nghiệp khai khoáng; phát triển ngành dịch vụ du lịch; phát triển ngành dịch vụ thương mại; phát triển ngành dịch vụ logistics; phát triển ngành dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó, trong hiện tại cũng như thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược: Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực thi hiệu quả thể chế, chính sách, pháp luật.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, thực hiện tái cơ cấu kinh tế trên nhiều lĩnh vực, cùng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh sẽ đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành trung tâm du lịch quốc tế; đạt được mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân”, như Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Hoàng My

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Bình Định: Hơn 3.200 tỷ đồng giải ngân vốn đầu tư công

    (Xây dựng) – 6 tháng đầu năm, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh Bình Định quản lý đạt hơn 3.263,8 tỷ đồng, đạt 44,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 36,4% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

    09:29 | 27/07/2024
  • Gia Lai: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024

    (Xây dựng) - Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết số 382/NQ-HĐND về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách địa phương.

    09:27 | 27/07/2024
  • Đơn giản hóa trình tự thủ tục khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

    Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại khu, cụm công nghiệp, ngoài quy định doanh nghiệp tự đầu tư lắp đặt như trong dự thảo, cần cho phép thuê đơn vị khác lắp đặt để sử dụng.

    08:52 | 27/07/2024
  • Triển khai các dự án thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi

    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình 'vừa làm, vừa hoàn thiện' nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm.

    08:40 | 27/07/2024
  • Loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 8 năm 2024

    Một loạt các chính sách liên quan đến kinh tế gồm các Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; cùng nhiều Thông tư của của các bộ, ngành sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2024.

    08:35 | 27/07/2024
  • Long An: Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Phát triển xanh, bền vững là một trong những trọng tâm trong định hướng kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Thời gian qua, địa phương triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu cải thiện các điểm số thành phần nằm trong Bộ chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI).

    22:41 | 26/07/2024
  • Hà Tĩnh: Có 56 danh mục dự án chưa giải ngân với tổng số vốn hơn 365.000 triệu đồng

    (Xây dựng) - Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh và số liệu cập nhật trên hệ thống TABMIS đến ngày 20/7, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 2.744.377 triệu đồng. Đặc biệt, có 56 danh mục dự án chưa giải ngân vốn Bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý với tổng số vốn 365.451 triệu đồng.

    22:35 | 26/07/2024
  • Tân Hồng (Đồng Tháp): Đầu mối các tuyến giao thương kinh tế trọng tâm trong vùng kinh tế biên giới

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định số 50/QĐ-UBND-HC phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Hồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định này, huyện Tân Hồng sẽ là huyện kinh tế cửa khẩu quan trọng của tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; khai thác hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, quan hệ trong nước; khai thác các thế mạnh về vị trí địa lý, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch…

    19:32 | 26/07/2024
  • Sửa quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước

    (Xây dựng) - Ngày 25/7, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

    16:02 | 26/07/2024
  • Hà Tĩnh: 9/39 địa phương, đơn vị chưa giải ngân vốn đầu tư công

    (Xây dựng) - Sở Tài chính Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh, đồng thời tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

    11:16 | 26/07/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load