Thứ bảy 27/04/2024 04:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Hai dòng sông bị hòn than “bức tử”

09:58 | 17/11/2020

(Xây dựng) - Phải nói rằng, khởi thủy hình thành đô thị ở Quảng Ninh bắt nguồn từ mỏ than. Các lán thợ theo chân khai trường dần hình thành thị tứ, thị trấn, phố xá. Nghề sản xuất than từng là động lực nâng bước cho vùng đất này phát triển, nay trở thành địa phương trong top giàu mạnh ở Việt Nam. Trái lại, mỏ than cũng để lại hệ lụy về môi trường, nó đã hủy hoại 2 dòng sông là 2 vò nước quý của địa phương.

quang ninh hai dong song bi hon than buc tu
Đập nước Lán Tháp xây dựng năm 1900, trên độ cao 50m so với mực nước biển.

Vỉa than Antraxit dưới lòng đất Quảng Ninh trải dài từ Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả,Vân Đồn... với trữ lượng khoảng 10,5 tỷ tấn. Năm 1840, Triều vua Minh Mạng đã cho vị quan thống đốc địa phương là Tôn Thất Bật khai thác than, nhưng chỉ ở mức khai thác nhỏ lẻ. Năm 1888, khai thác than chính thức trở thành ngành công nghiệp, do Công ty than Bắc Kỳ, doanh nghiệp lớn nhất nước Pháp khai thác nhượng địa.

Hiện Quảng Ninh có 24 mỏ than lộ thiên (nhiều mỏ trong lộ trình xuống lò giếng) và 49 mỏ hầm lò thuộc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý. Thời hưng thịnh TKV sản lượng than đạt 40 triệu tấn/năm. Khai thác than hầm lò so với khai thác lộ thiên ít tác động môi trường, nhưng đào được 1 tấn than cũng phải thải ra 5m3 đất đá. Môi trường không khí khu vực khai thác than ô nhiễm do bụi, khí độc, khí nổ và tiếng ồn. Khu dân cư gần mỏ, hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 5,2 lần.

Các bãi đổ thải tạo nên những quả đồi nhân tạo cao chót vót, hiểm họa môi trường. Bãi thải Cọc Sáu cao 280m, đông Cao Sơn cao 250m, Núi Béo cao 240m… Các bãi thải thường có sườn dốc tới 350m, mưa nhiều nước đọng dễ sạt lở. Mùa mưa năm 2015, bãi thải mỏ Cao Sơn - Cọc Sáu đổ sập xuống vùi lấp gần 100 căn nhà của Khu 4, phường Mông Dương (Cẩm Phả). Đất đai khu vực khai trường thường bị bóc đi lớp đất màu, dễ bị xói mòn, cây cối khó mọc, mất rừng muông thú không sống được, mưa tạo lũ quét đẩy đất đá xuống bồi lắng sông suối, nước đục ngầu bùn đất còn nhiễm dầu mỡ, hóa chất độc hại.

Thực tế, khai thác than ở Quảng Ninh đã hủy hoại 2 dòng sông là 2 nguồn nước sạch quý mà địa phương từng đầu tư đắp đập, xây dựng nhà máy xử lý nước sạch. 2 dòng sông chết là sông Diễn Vọng và sông Lán Tháp.

Sông Lán Tháp (cuối nguồn là sông Uông), thuộc phường Vàng Danh (Uông Bí), lưu vực sinh thủy gồm hai con suối rừng lớn, một là suối Đồng Chanh, thuộc xã Thượng Yên Công, hai là suối Miếu Thán, thuộc phường Vàng Danh, cùng trong thung lũng rừng quần thể danh sơn Yên Tử. Một dòng sông trên độ cao 50m so với mực nước biển lại quanh năm nước cả trong veo, không nhiễm chua, nhiễm mặn. Năm 1900, người Pháp xây dựng đập ngăn sông bằng bê tông cốt thép dự ứng lực và một Nhà máy nước công suất xử lý 3.000m3 nước/ngày đêm. Công nghệ xử lý sinh học hiếu khí, bể lọc có mái che, lọc chậm, không dùng hóa chất và lấy tên theo địa danh là Nhà máy nước Lán Tháp. Năm 1905, nhà máy nước Lán Tháp đưa vào sử dụng, nước tự chảy theo 2 đường ống phi 600 và 400, với chiều dài trên 15km đến Hải Phòng, nguồn cấp nước sạch chủ lực cho thành phố cảng. Khi ta tiếp quản có nâng công suất lên 5.000m3 nước/ngày đêm. Đến năm 1997, thành phố Hải Phòng trả Nhà máy nước Lán Tháp cho tỉnh Quảng Ninh.

Nhà máy nước Lán Tháp có lợi thế trên độ cao đưa nước từ dòng sông đến bể lọc và chuyển tải nước sạch tới người tiêu dùng ở thành phố Uông Bí với mức chênh cốt 23m nước tự chảy, không cần máy bơm, rất kinh tế. Nhưng năm 2016, Nhà máy nước Lán Tháp buộc phải đóng cửa vì lưu vực sinh thủy nhiều mỏ than, diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, dòng chảy sa bồi, sau mỗi mùa mưa nạo vét lòng hồ tốn kém. Tác nhân bức hại nguồn nước sông Lán Tháp là mỏ than Uông Bí, mỏ Vàng Danh, mỏ Nam Mẫu, mỏ Vietmindo. Riêng mỏ Vàng Danh trong 55 năm (1964-2019) khai thác 60 triệu tấn than, lưu vực sông Lán Tháp phải cõng 300 triệu tấn đất đá phế thải, khai trường các mỏ chiếm dụng hàng ngàn ha rừng, mất nguồn sinh thủy.

quang ninh hai dong song bi hon than buc tu
Đập Đá Bạc xây dựng năm 1975, hạng mục đã xong hạng mục còn giang dở phải hủy bỏ.

Dòng sông thứ 2 bị mỏ than bức hại là sông Đá Bạc, thường gọi là sông Diễn Vọng, bởi đoạn đầu là sông Đá Bạc, đoạn giữa là sông Diễn Vọng cùng thuộc xã Dương Huy (Cẩm Phả), cuối là sông Bang thuộc xã Thống Nhất và phường Hà Khánh (Hạ Long) thì gọi chung là sông Diễn Vọng. Sông Diễn Vọng là con sông lớn nhất trong 5 con sông đổ ra vịnh Cửa Lục. Diễn Vọng một con sông dài rộng, bắt nguồn từ đỉnh Thiên Sơn 1.091m (một trong năm ngọn núi cao trên 1.000m ở vùng Đông Bắc bộ) và đỉnh cổng trời cùng một thung lũng Mông Dương (Cẩm Phả), đặc trưng tiểu vùng khí hậu ẩm ướt (đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn đoạn qua đây thường hay gặp những cơn mưa bất chợt), cây cối tốt tươi, nguồn sinh thủy dồi dào. Thời Pháp thuộc chủ mỏ đã thăm dò tài nguyên nước và từng be bờ (baza), đặt máy bơm lấy nước sông Đá Bạc phục vụ sàng rửa than. Năm 1961, cơ quan khí tượng thủy văn đã lập một trạm thủy văn ở sông này.

Ngay trong năm đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước bạn Liên Xô (cũ) giúp đỡ ta kiến thiết đất nước, đã viện trợ không hoàn lại thiết bị máy móc xây dựng công trình thủy lợi, khai thác nguồn nước sông Đá Bạc phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân khu mỏ. Dự án đầu tư gồm: Năm 1975 khởi công đắp đập bê tông cốt thép dự ứng lực ngăn sông Đá Bạc, khai thác sản lượng nước 30.000m3/ngày đêm; Trong 5 năm (1978-1982), xây dựng tuyến ống fi 800 từ đập Đá Bạc đưa nước về hai đô thị Hạ Long và Cẩm Phả (trong đó có 600m ống thép fi 1.200 xuyên qua lòng núi khẩu độ dài trên 500m); Năm 1983 xây dựng nhà máy xử lý nước công suất tương ứng với sản lượng nguồn nước khai thác từ đập Đá Bạc.

Khi ấy thi công bằng sức người là chính, Công ty xây dựng 18 của Bộ Xây dựng là nhà thầu chính xây lắp. Công trình công phu nhất là hạng mục đào đường hầm (tuynen) đặt ống xuyên núi trên cốt 82m, với chiều dài nói trên trong dãy núi Mã Đầu sơn hiểm trở, cao 175m. Công trường phải trưng dụng các tay thợ lò tài ba của vùng than Quảng Ninh, mỏ than Thống Nhất là dường cột kỹ thuật hầm lò. Công trường thủy lợi này khi cao trào cũng rầm rộ như ngày xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Quảng Ninh huy động hàng vạn lượt thanh niênlao động tình nguyện, lấy tên là “Công trình thanh niên Cộng sản”,“Công trình thanh niên quản lý” với nhiều chiến dịch thi đua năng xuất, chất lượng.

Công trình thủy lợi trên sông Đá Bạc khi nhiều hạng mục còn dang dở thì gặp phải tình huống bất ngờ, dưới lòng đất lưu vực sông Đá Bạc vốn là vựa than lớn, nay bung ra với các công trường than nhân dân, quân đội cùng làm than và TKV tăng sản lượng cấp số nhân. Từ ngọn đèo chân suối vùng rừng này, đêm ngày rền vang những âm thanh công nghiệp khai khoáng, rừng xanh lộ màu đất mới. Sông Diễn Vọng bỗng chốc nhiều khúc trở thành con suối cạn, nguồn nước vừa đục vừa ô nhiễm axit và dầu mỡ chất thải mỏ. Đập ngăn nước Đá Bạc, sau mỗi trận mưa trở thành mặt phẳng bởi đất đá khai trường đổ xuống vùi lấp. Sông Diễn Vọng rơi vào thảm cảnh con sông chết, Quảng Ninh mất nguồn nước đập Đá Bạc.

quang ninh hai dong song bi hon than buc tu
Sông Diễn Vọng nhiều khúc trở thành con suối cạn.

Để khắc phục tình thế sự thiếu nguồn cho nhà máy nước Diễn Vọng mà nước bạn Liên Xô tận tình giúp đỡ, năm 1984 Quảng Ninh khẩn cấp xây dựng hồ Cao Vân, đến năm 1987 thì hoàn thành, dung tích chứa 10,8 triệu m3 nước. Hồ Cao Vân lòng chảo, rừng già trên 46,5km2 thuộc hai xã Dương Huy (Cẩm Phả), xã Hòa Bình (Hạ Long) thượng nguồn là rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng rộng trên 10ngàn ha, có khả năng cung cấp nước cho nhà máy nước Diễn Vọng.

Nhưng hồ Cao Vân gần ranh giới mỏ, vách núi lưu vực than lộ vỉa, một vài nhóm “đạo than” đã từng nhòm ngó định vụng trộm khai thác, cho thấy vẫn tiềm ẩn nguy cơ từ dưới lên. Và một nguy cơ từ trên xuốnglà 4.299ha rừng phòng hộ quá nửa là rừng tái sinh, rừng cây gỗ nhỏ, cây vòng đời ngắn. 3 loại rừng phòng hộ sát mép nước với 2.900ha, còn 800ha là rừng sản xuất, đến kỳ thu hoạch đương nhiên cây bị đốn chặt, 3 năm sau mới hoàn lại mầu xanh. Tới đây dự án Khu bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari sử dụng trên 1.135ha, trong đó phần lớn là rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng ở thượng nguồn hồ Cao Vân, nếu cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nhà đầu tư không có giải pháp môi trường tốt, rất dễ lặp lại nguy cơ mất đi nguồn nước quý. Thực tế hồ Cao Vân nhiều năm hạn hán gần đây, mực nước từng cạn ở mức “báo động”.

Quảng Ninh có 179 hồ nước ngọt, tổng dung tích hữu ích 312,7triệu m3 nước, trong đó có 27 hồ đa chức năng tổng dung tích 257,43triệu m3 và 152 hồ, tổng dung tích 55,27m3 nước phục vụ nông nghiệp. Địa phương xu hướng giảm nguồn nước canh nông, nước sinh hoạt và phục vụ dịch vụ du lịch, công nghiệp tăng, bởi tốc độ đô thị hóa nhanh. Quảng Ninh đứng đầu toàn quốc về đô thị với 4 thành phố, 2 thị xã, Quảng Ninh cũng là địa phương đứng đầu toàn quốc với 13 Khu công nghiệp. Đơn cử chỉ một Khu công nghiệp Texhong sản lượng nước tiêu thụ 600.000m3 nước/ngày, bằng sản lượng nước cấp ra 1 ngày của cả Công ty nước sạch Quảng Ninh.

quang ninh hai dong song bi hon than buc tu
Bãi thải Cọc Sáu cao 280m, đông Cao Sơn cao 250m, Núi Béo cao 240m.

Nhu cầu dùng nước sạch ở Quảng Ninh là rất lớn, địa phương đã có quy hoạch chiến lược về quản lý phát triển tài nguyên nước, nhưng còn ít quảng bá để mọi người cùng quan tâm, cùng chia sẻ, những nguy cơ, những ẩn họa trên là rừng sản xuất, là đô thị hóa và dưới lòng đất là khai thác than.

Câu chuyện hai dòng sông bị hòn than “bức tử” thực sự đã chìm sâu, nay người nhớ kẻ quên. Nhưng tiếng vọng của dòng sông chết như vẫn còn đó, như “vận cổ chi kim” nhắc nhở chung các cấp, các ngành và toàn xã hội không quên giá trị văn hóa của hòn than, nó từng khai sinh ra đô thị vùng mỏ và nuôi sống bao người. Nhưng không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh mất môi trường, phải tránh những tác động xấu đến những dòng sông, con suối rừng, vò nước quý, tài sản chung của mọi nhà.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load