Thứ sáu 03/01/2025 08:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Quảng Ninh: Giải bài toán thừa đất thải mỏ, thiếu đất san nền

15:47 | 17/12/2020

(Xây dựng) - Ngày 15/12, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các Sở, ngành và doanh nghiệp khai thác than, đã thực tế hiện trường bãi thải các mỏ tại địa phương để thống nhất giải pháp sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng vượt thổ san nền các công trình hạ tầng. Đây là một vấn đề lớn đang vướng mắc đằng sau Luật Tài nguyên khoáng sản đối với địa phương thừa đất thải mỏ nhưng thiếu đất san nền.

quang ninh giai bai toan thua dat thai mo thieu dat san nen
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Sở, ngành và doanh nghiệp khai thác than thực tế hiện trường bãi thải các mỏ tại địa phương.

Thực tế, sử dụng đất đá thải mỏ than làm vật liệu xây dựng vượt thổ san nền không phải là mới. Các thành phố như Hạ Long, Cẩm Phả mặt bằng đô thị cũng được hình thành từ bã sàng, đất đá thải mỏ. Được biết, dự án đô thị Hà Khánh A, B, C (Hạ Long) và Bến Do, Cao Sơn (Cẩm Phả) vượt thổ bằng xít than, đất đá thải mỏ. Nhưng từ khi Luật Tài nguyên khoáng sản có hiệu lực, thì bã sàng, đất đá thải mỏ đều là khoáng sản theo than nên sử dụng gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Dẫn đến sự vô lý, bãi thải mỏ ùn tác gây hậu họa môi trường, nhưng ngành Xây dựng lại thiếu đất tôn nền.

Quảng Ninh nhiều dự án sử dụng đất, kế hoạch 5 năm (2020 - 2025) nhu cầu sử dựng đất và cát để san lấp, tôn nền tạo mặt bằng xây dựng trên 100 triệu m3/năm. Cụ thể, các dự án đang nóng bỏng nhu cầu dùng đất tôn nền như: Dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, đô thị đầm Nhà Mạc, đô thị Amata Sông Khoai, 5 khu công nghiệp lớn ở thị xã Quảng Yên; các công trình giao thông gồm đường Đá Vách, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả...

Tình trạng thiếu mỏ đất tôn nền, mà áp lực tiến độ thi công nhanh làm không ít nhà thầu “túng làm liều” đã mua đất trôi nổi hoặc vụng trộm khai thác đất cát đáp ứng công việc trước mắt.

quang ninh giai bai toan thua dat thai mo thieu dat san nen
TKV đang tồn đọng 1.210 triệu m3, Tổng Công ty Đông Bắc tồn đọng trên 268,5 triệu tấn đất đá thải mỏ.

Có một sự vô lý đang diễn ra hiện nay, đó là cách công trình xây dựng hạ tầng đang thiếu đất tôn nền không xa là bãi thải của mỏ than đất đá dư thừa đổ đi không hết, ùn lên cao như núi, gây hậu họa môi trường. Theo tính toán kỹ thuật nghề mỏ, moi được 1 tấn than ra khỏi lòng đất, phải cuốc xúc hót đi 5m3 đất đá. Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, 2 doanh nghiệp nòng cốt khai thác than ở Quảng Ninh sản lượng trên dưới 45 triệu tấn than/năm, thì khối lượng đất đá thải ra là 225 triệu m3/năm.

Đất đá thải loại được đổ ra 2 dạng bãi thải, một là bãi thải trong tức là trong khai trường còn để dự trữ chèn lò, lấp lòng moong hoàn nguyên sau khai thác. Hai là bãi thải ngoài khai trường nhưng trong ranh giới bảo bệ tài nguyên của mỏ. Lượng đất đá thải ra hàng năm khoảng 150 triệu m3, hiện TKV đang tồn đọng 1.210 triệu m3, Tổng Công ty Đông Bắc tồn đọng trên 268,5 triệu tấn.

Nhiều bãi thải bỏ lâu hoang hóa và nhiều bãi thải cao chót vót gần khu dân cư mưa bão rất nguy hiểm, nhưng doanh nghiệp chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, giao trả đất cho địa phương quản lý đương nhiên đó vẫn là tài sản của doanh nghiệp và theo Luật Tài nguyên khoáng sản mới thì phế thải bỏ đi ấy vẫn là tài nguyên khoáng sản kèm theo than, muốn sử dụng phải được cấp phép theo luật định.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhất trí với tỉnh Quảng Ninh về chủ trương cho phép địa phương sử dụng đất đá bãi thải mỏ là vật liệu xây dựng. Chuyến thực tế hiện trường của ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các Sở, ngành và doanh nghiệp khai thác than là tìm kiếm giải pháp thực hiện sao cho có hiệu quả nhất.

TKV và Tổng Công ty Đông Bắc hưởng ứng chủ trương của tỉnh về sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng đô thị. Địa phương và doanh nghiệp cùng hoạch định điều chỉnh đánh giá tác động môi trường, hoàn thiện thủ tục hành chính theo quy định trong khai thác, sử dụng vật liệu đất đá thải đi kèm trong quá trình khai thác và chế biến than; tính toán công tác quản lý, xây dựng cơ chế tài chính, tác nghiệp đưa đất thải từ trên mỏ xuống đô thị. Dự kiến các bãi thải mỏ than được chuyển hóa thành mỏ đất tôn nền, thống nhất cung đường vận chuyển và bến cảng xuất mặt hàng cồng kềnh này.

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc cụ thể với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, xác định lại chính xác trữ lượng đất đá thải có thể tái khai thác được làm vật liệu xây dựng phục vụ công việc nói trên và tập hợp lại nhu cầu đất đá san lấp tại các công trình hạ tầng; Sở Xây dựng dự thảo đơn giá cụ thể đối với vật liệu san lấp là đất đá thải mỏ để thông tin đến các chủ đầu tư dự án. Đối với những bãi thải mỏ không còn sử dụng, đề nghị TKV, Tổng Công ty Đông Bắc phải sớm làm thủ tục đóng cửa mỏ bàn giao lại cho tỉnh để quản lý.

Quảng Ninh sử dụng đất đá thải mỏ than làm vật liệu xây dựng phù hợp với sự phát triển bền vững theo quy luật tuần hoàn kinh tế và 2 trong 1, lợi nhuận kép “nhất cử lưỡng tiện”. Thực tế, thì đây là cách giải hay một bài toán khó cho địa phương thừa đất thải mỏ, thiếu đất san nền.

Báo điện tử Xây dựng tiếp tục với thông tin.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load