(Xây dựng) - Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đất sét nung ở Quảng Ninh đã có Văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh, phản ánh doanh nghiệp mình đang đứng trước nguy cơ dừng sản xuất vì thiếu than đốt lò nung gạch.
Quảng Ninh vùng than Acoxits khổng lồ, nổi tiếng trên 100 năm nay. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã thực tế vấn đề này, bởi ở một địa phương vùng than Acoxits khổng lồ, nổi tiếng trên 100 năm nay mà lại thiếu than đốt lò nung gạch là sự không bình thường.
Ông Lương Văn Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần gạch ngói Bình Hương (Công ty Bình Dương), cơ sở sản xuất tại xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long, người đứng đơn gửi Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ lò nung tuynel công nghệ cao. Nguồn chất đốt chính là xít than (than bãi sàng), nhiệt lượng (thấp), vừa đủ nung gạch, giá cả phù hợp với sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Nay Tập đoàn công nghiệp Than và Khoảng sản Việt Nam (TKV) đưa xít than vào diện than thương phẩm gọi là than cám 8a và cám 8b. Xít thải đưa vào diện than thương phẩm, cơ chế quản lý hàng hoá chặt chẽ là đúng. Có điều vô lý, TKV chỉ bán cho các doanh nghiệp ở cuối nguồn (địa phương không sản xuất than), không bán tại chỗ. Than cám 8a, 8b chế biến kỳ công, giá thành thấp, các mỏ không mặn mà sản xuất, cả vùng than Quảng Ninh chỉ có mỏ Cao Sơn sản xuất, không đủ lượng đáp ứng thị trường.
Xít thải trước đây trong danh mục bốc xúc đất đá bỏ đi hoặc các mỏ tận dụng làm “kế hoạch 3”. |
Trước thực trạng trên, Công ty Bình Dương đã phải sang Hải Phòng hoặc Hải Dương mua than đem về sử dụng. Không chỉ gặp khó khăn vì vận chuyển xa xôi mà còn vướng quy định xe chở than chỉ được lưu thông một tháng một lần trên Quốc lộ 18 đoạn qua địa phận Quảng Ninh. Điều này đã khiến cho Công ty Bình Dương rất thiếu nguồn than nung gạch.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng Phòng Vật liệu xây dựng - Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Địa phương có 28 doanh nghiệp với 44 dây chuyền sản xuất gạch nung công nghệ lò tuynel, sản lượng 1.104 triệu viên gạch quy chuẩn/năm. Gạch nung vẫn chiếm thị phần lớn và ưu thế trong xây dựng công trình dân dụng mà gạch không nung chưa thể thay thế được.
Quảng Ninh sản lượng gạch ngói quy chuẩn đạt 1.104 triệu viên/năm, cần khối lượng than đốt lò 686.400 tấn than các loại. |
Để nung được 1.104 triệu viên/năm, các lò gạch cần khối lượng than đốt lò 686.400 tấn than các loại. Gạch xây (2 lỗ) chủ yếu dùng than nhiệt lượng thấp ở mức 2.000calo. Với nhiệt lượng này chỉ cần tận dụng than bã sàng hay còn gọi là xít phụ phẩm của than hoặc dùng tro bay của nhiệt điện còn dư lượng than có nhiệt lượng trên 1.000 calo là phù hợp. Nếu thay thế than cám 8a, 8b (xít thải) bằng than cám 6 thương phẩm, mặt hàng đang thịnh hành trên thị trường chất đốt, thì một bài toán kinh tế đặt ra: Nhiệt lượng cám 6 tới 4.000-5.000 calo, thừa không cần thiết (gạch quá lửa dễ cong vênh), lại rất lãng phí tài nguyên. Giá than cám 6 hiện 1,712 triệu đồng/tấn, giá gạch xuất lò 800đ/viên, mỗi viên gạch phải cõng 500đ giá viên gạch sẽ đội lên cao, thị trường khó chập nhận.
Các cơ sở sản xuất gạch nung thiếu chất đốt chính ngạch, dẫn đến tình trạng dấm dúi mua bán than trái phép, phát sinh những vấn đề tiêu cực mà ở Quảng Ninh tiếng “lóng” gọi là “than thổ phỉ”.
Gạch ngói đất sét nung Quảng Ninh đến thị trường xây dựng Tây Nguyên. |
Tỉnh Quảng Ninh và TKV tăng cường quản lý tài nguyên là một chủ trương đúng đắn, nhưng đang bộc lộ những vấn đề mới phát sinh. Xít thải trước đây trong danh mục bốc xúc đất đá bỏ đi hoặc tận dụng “kế hoạch 3”, nay nâng hạng lên hàng than chính phẩm (cám 8a, 8b), nhưng tỷ lệ than còn lại rất ít và lẫn trong đất đá, sàng sảy được tấn than rất công phu, giá thành lại thấp, lại gò bó trong tiêu thụ không được bán rộng rãi ở thị trường tại chỗ, phải bán ở cuối nguồn, mà không rõ đâu là cuối nguồn: Tới tay người tiêu dùng hay địa phương không có mỏ than? Nên hầu hết các mỏ không chế biến xít than, cũng không giám đổ xít ra bãi thải, nhiều khai trường xít thải ùn tắc án ngữ mặt bằng sản xuất và hiểm họa môi trường.
Quảng Ninh vựa than lớn mà gạch nung thiếu than đốt lò, địa phương và ngành Than cần xem xét tháo gỡ vấn đề này.
Vũ Phong Cầm
Theo