Thứ bảy 20/04/2024 19:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ngãi: Đổi thay ở vùng sạt lở

09:00 | 25/01/2023

(Xây dựng) - Nụ cười thế chỗ nỗi lo, đời sống hàng nghìn hộ dân, diện mạo nhiều vùng sạt lở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã sang trang mới.

Quảng Ngãi: Đổi thay ở vùng sạt lở
Các công trình làm thay đổi cuộc sống người dân, diện mạo nhiều địa phương.

Những năm qua, nhờ tận dụng tối đa nguồn lực từ Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng nhiều công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển kiên cố, vững chãi. Những công trình được đầu tư xây dựng không chỉ giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân vùng sạt lở, xung yếu trước sóng biển, triều cường và nước sông dâng cao… mà còn đổi thay diện mạo nhiều làng quê, tạo hình hài cho nhiều đô thị trên địa bàn.

Khẩn cấp xây dựng công trình bảo vệ người dân

Tết năm nay, người dân thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi đón thêm niềm vui khi tuyến kè biển dài hơn 1 km, có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản cho 130 hộ dân nơi đây, được đưa vào sử dụng. Từ chỗ nhếch nhác, luộm thuộm, đầy rác thải và luôn bị sóng biển uy hiếp vào mùa mưa bão… thì nay bãi biển Kỳ Xuyên đã khoác lên mình một “tấm áo mới”, lớp nhà dân phía biển trước đây đối mặt với sạt lở bỗng chốc ra mặt tiền.

Thoăn thoắt tay lưới, ngư dân Trần Văn Thời tươi cười, “Nhà nước xây cái kè, dân ở đây mừng hơn được mùa tôm, cá. Nếu không có kè thì những nhà phía mé nước chắc giờ nằm ngoài biển rồi”. Từ ngày con đường bê tông rộng hơn 5m trên đỉnh kè hoàn thành, người dân Tịnh Kỳ đã thoát khỏi cảnh người, xe chen chúc lưu thông qua tuyến đường trung tâm xã. Kè mới, đường mới nên người dân Kỳ Xuyên cũng réo nhau đổ đất nâng nền, sửa sang lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Cuối năm 2021, vừa gượng dậy sau khi bị dịch Covid-19 càn quét, người dân thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi lại phải đương đầu với một mối lo đến từ phía biển. Từng đợt triều cường, sóng kết hợp gió liên tiếp “tấn công” gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu.

Ngay lập tức, tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển xã Nghĩa An đã được tỉnh Quảng Ngãi công bố, 85 tỷ đồng được sử dụng để xây dựng 700 m kè kiên cố trong niềm vui khôn xiết của người dân Phổ Trường. Dự án được đầu tư theo diện khẩn cấp, có quy mô kè mái nghiêng, sử dụng cấu kiện đúc sẵn Hohlquader gia cố mặt ngoài thân kè đá hộc, chân kè được tạo hình bằng phương pháp xếp cấu kiện Tetrapod 2 lớp, đủ sức phá sóng, bảo vệ thân kè và đỉnh kè phía trong.

Chiều chiều, rảo bước hóng gió biển trên con đường bê tông phẳng lì chạy từ đầu kè tới cửa Đại, cụ bà Lê Thị Nghi (80 tuổi) cười mãn nguyện, “nhà cửa, vườn tược cha ông để lại cuối cùng đã được bình yên trước sóng gió”.

Đêm đến, hơn 450 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ đã được yên giấc khi kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh, công trình có tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng được đưa vào sử dụng và phát huy tốt hiệu quả. Không chỉ giúp bảo vệ tài sản, tính mạng của hàng trăm hộ dân, còn bảo vệ nhiều công trình giao thông, trường học trước sóng biển và triều cường.

Tuyến đê biển Thạnh Đức, cũng ở phường Phổ Thạnh có tổng chiều dài 2.400 m, được đầu tư 146 tỷ đồng thực sự đã thay đổi diện mạo Sa Huỳnh - đô thị phía Nam của thị xã Đức Phổ một cách ngoạn mục. Từ ngày hoàn thành, ngoài việc bảo vệ bờ biển thì công trình còn mang đến cho đô thị Sa Huỳnh một diện mạo khang trang, sạch đẹp hơn… góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân nơi đây. Tờ mờ sáng, nhiều tốp người đạp xe, tập thể dục trên con đường bê tông và vỉa hè rộng thênh thang của công trình. Tối đến, đông đảo người dân Đức Phổ đổ về đây để vui chơi, thư giãn và giải trí… phần nào tạo nên một dáng dấp đô thị Sa Huỳnh hiện đại, sầm uất và náo nhiệt.

Người dân xã biển Bình Hải, huyện Bình Sơn chưa thể nào quên những ám ảnh ngày đêm khi sóng biển khoét sâu vào móng nhà. Thế nhưng, đó đã là dĩ vãng, bờ biển Bình Hải hôm nay là nhiều căn nhà kiên cố hướng biển, hàng quán san sát mọc lên phục vụ thực khách gần xa lui tới thưởng thức sản vật biển cả. Tất cả đổi thay đó đến từ hiệu quả của công trình kè chống sạt lở bờ biển các thôn Thanh Thủy, Phước Thiện, Phước Thiện 1, Phước Thiện 2. Dự án có tổng chiều dài hơn 563 m, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, vừa được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của người dân xã biển.

Không đối mặt trực diện với sóng biển, triều cường nhưng nước sông Phước Giang dâng cao, chảy xiết đã kéo nhiều héc-ta đất canh tác của 90 hộ dân thôn Kim Thành, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành ra giữa sông, đe dọa an toàn của tuyến tỉnh lộ ĐT.628. Nhận thấy tình hình cấp bách, tỉnh Quảng Ngãi lập tức bố trí 25 tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở bờ sông dài 1,3 km tại vị trí này. Đây là mong mỏi từ nhiều năm trước của người dân thôn Kim Thành.

Từng đồng vốn được sử dụng hiệu quả

Nói về hai công trình đê, kè bảo vệ bờ biển vừa được đầu tư xây dựng hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng trên địa bàn, ông Võ Minh Vương - Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết: Người dân vùng thụ hưởng của những dự án này vô cùng vui mừng và phấn khởi. Nhờ sự quan tâm, đầu tư nguồn lực từ các cấp mà người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, qua đó góp sức xây dựng thị xã Đức Phổ ngày một phát triển.

Còn ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn thì cho biết: Hay tin UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư 25 tỷ đồng để xây dựng thêm 300 m kè bảo vệ bờ biển, để vuốt nối vào kè vừa hoàn thành, người dân hai thôn Phước Thiện 1 và Phước Thiện 2 đã tổ chức ăn mừng. “Các thế hệ người dân xã nhà đều cảm nhận rõ rệt những lợi ích mà công trình kè vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng mang lại” - ông Thính tươi cười.

Những năm gần đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm chủ đầu tư nhiều công trình đê, kè bảo vệ bờ biển, bờ sông trên địa bàn. Nhận thức được yêu cầu cấp bách và ý nghĩa to lớn của các công trình, đơn vị luôn đặt trách nhiệm cao nhất cho đội ngũ cán bộ quản lý, các trưởng phó phòng chuyên môn, quản lý dự án và toàn thể người lao động. Từng khâu trong quá trình thực hiện dự án đều tuân thủ yêu cầu theo quy định, mục tiêu hướng đến là kiến tạo các công trình đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và phát huy tối đa công năng sử dụng, hiệu quả đầu tư.

Quảng Ngãi: Đổi thay ở vùng sạt lở
Tỉnh Quảng Ngãi tận dụng nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả.

Trong năm 2022, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư ba công trình kè bảo vệ bờ biển và một công trình kè chống sạt lở bờ sông, có tổng mức đầu tư 235 tỷ đồng. Tất cả đã được đầu tư xây dựng hoàn thành, tổ chức nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng. Trong năm 2023, đơn vị tiếp tục được giao nhiệm vụ chủ đầu tư một công trình kè chống sạt lở bờ sông và một công trình kè chống sạt lở bờ biển, có tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng. Cùng với đó là hạng mục kè trong nhiều dự án tôn tạo cảnh quan, phát triển quỹ đất dọc sông Trà Khúc.

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan nên nhiều vùng dân cư ở khu vực bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng… tính mạng và tài sản của người dân bị đe dọa. Trước tình thế đáng báo động đó, nhờ sự quan tâm kịp thời của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã có điều kiện để kiên cố hóa một số vị trí sạt lở, xung yếu nghiêm trọng. Qua đó nâng cao năng lực ứng phó với diễn biến ngày một phức tạp của thiên tai, bảo vệ người dân.

“Các công trình sau khi hoàn thành đã phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Từng đồng vốn Trung ương hỗ trợ, cũng như các nguồn lực mà tỉnh Quảng Ngãi tận dụng được sử dụng một cách có hiệu quả để xây dựng những công trình đảm bảo chất lượng, phục vụ người dân” - ông Minh nói.

Lê Danh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load