(Xây dựng) – Dù đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép, đồng thời hoàn thành tất cả những thủ tục theo quy định, thế nhưng một công ty đầu tư vào huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) buộc phải “kêu cứu” vì bị cản trở hoạt động, không thể tiến hành sản xuất, kinh doanh.
Người dân thôn Tham Hội 1, xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn liên tục cản trở doanh nghiệp hoạt động. |
Hơn một tháng nay, thay vì tập trung vào sản xuất, kinh doanh thì Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư ICR Nguyễn Thành Thư lại phải “vác” đơn đi chạy vạy khắp các cơ quan chức năng để “cầu cứu” vì mỏ đá Bình Thanh (ở xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), do doanh nghiệp mình làm chủ liên tục bị người dân cản trở hoạt động.
Ông Nguyễn Thành Thư cho biết, mỏ đá này do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại và được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 01/GP-UBND ngày 4/1/2022. Trên cơ sở đề xuất và Báo cáo thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép Công ty TNHH Đầu tư ICR khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên phần diện tích 19,04ha, tại mỏ đá Bình Thanh, với tổng trữ lượng 796.591m3, công suất 50.000m3 đá nguyên khối/năm. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại doanh nghiệp mới chỉ lên phương án khai thác trên phần diện tích 11,1ha sau khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Mỏ đá Bình Thanh được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép, nhưng doanh nghiệp không thể khai thác. |
Khi tiếp quản mỏ, doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với UBND xã Bình Thanh kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại về nhà cửa, vật kiến trúc của một số hộ dân bị ảnh hưởng trước đó do chủ mỏ cũ để lại. Đồng thời hoàn thành hỗ trợ kinh phí khắc phục cho 11 hộ dân, cũng như xác định rõ cự ly, khoảng cách an toàn thuộc phạm vi nổ mìn khai thác đá.
Sau khi được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm máy móc, xe tải, xe công trình, lắp đặt trạm cân, nhà điều hành, cũng như lắp dựng biển thông tin mỏ, camera giám sát theo quy định... Cùng với đó là nộp tiền ký Quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, thông báo đến chính quyền địa phương, đồng thời hoàn thiện tất cả các thủ tục theo quy định về khai thác khoáng sản.
Thế nhưng, ngày 4/10, khi doanh nghiệp phối hợp với đơn vị nổ mìn để phục vụ khai thác, thì một số người dân thôn Tham Hội 1 đã có hành vi cản trở, không cho doanh nghiệp thực hiện. “Nhiều người dân tràn xuống khu vực chuẩn bị nổ mìn và yêu cầu chúng tôi không được nổ vì họ cho rằng sẽ nứt nhà. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức đo đạc và xác định khu vực nổ mìn đảm bảo khoảng cách theo quy định, hơn nữa chúng tôi chỉ nổ một nửa khối lượng cho phép. Ngoài ra, người dân còn yêu cầu chúng tôi phải lấp hồ nước hiện hữu có trong mỏ, trong khi việc làm đó là không thể, vì không đúng theo quy định” - Ông Nguyễn Thành Thư nói.
Nhiều đòi hỏi vô lý, không có cơ sở đã được người dân đặt ra với doanh nghiệp. |
Người dân chỉ rời khỏi khu vực mỏ đá Bình Thanh sau khi doanh nghiệp “thua”, công tác nổ mìn bị tạm dừng và Công ty TNHH Đầu tư ICR chịu tất cả những tổn thất. Ngay sau đó, doanh nghiệp đã có văn bản gửi UBND, Công an xã Bình Thanh và UBND, Công an huyện Bình Sơn để báo cáo sự việc, đồng thời nhờ hỗ trợ giải quyết.
Đến ngày 20/10, Công ty TNHH Đầu tư ICR “ngã ngửa” khi ông Nguyễn Hồng Phước – Chủ tịch UBND xã Bình Thanh gửi Công văn đề nghị doanh nghiệp phải lấp trả lại mặt bằng mỏ đá theo hình thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu lấp dần đến đó và trồng cây xanh cảnh quan trong khu vực nhà điều hành, hố đá doanh nghiệp đang trong thời hạn khai thác. “Nếu thực hiện theo đề nghị vô lý nói trên thì sau này chúng tôi không thể làm thủ tục hoàn thổ, trả mỏ sau khi hết thời hạn khai thác”, đại diện mỏ đá Bình Thanh nói.
Nhằm giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30 nhân sự, vận hành tổ hợp máy móc để tránh hư hỏng, xuống cấp do lâu ngày không sử dụng, mỏ đá Bình Thanh thông báo kế hoạch nổ mìn khai thác đến UBND xã Bình Thanh và Trưởng thôn Tham Hội 1. Đến sáng ngày 30/10, người dân tiếp tục kéo vào khu vực nổ mìn, với yêu cầu như trước nhưng số lượng người đã tăng lên gấp nhiều lần.
Nhiều máy móc, thiết bị đã bắt đầu hư hỏng, buộc phải bảo dưỡng do lâu ngày không được sử dụng. |
“Mỗi tháng công ty phải chi đến hàng trăm triệu đồng để duy trì bộ máy, hàng chục triệu cho mỗi lần nổ mìn hụt. Thế nhưng, đó chưa là gì so với việc kế hoạch sản xuất kinh doanh của chúng tôi bị đảo lộn, phương án tài chính, lãi vay để đầu tư dự án buộc phải thay đổi, cơ cấu lại. Đáng ngại hơn là các hợp đồng cung ứng đã ký kết với đối tác phải đền bù, dẫn đến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình này kéo dài thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản” - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư ICR Nguyễn Thành Thư buồn rầu.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng về sự việc, ông Võ Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho rằng, nhiều khả năng chính quyền xã Bình Thanh đã lúng túng trong khâu xử lý vấn đề, trong khi đó lại không có báo cáo lên cấp trên. Ông Võ Văn Đồng cho rằng, đối với những sự việc như tại mỏ đá Bình Thanh thì vai trò của chính quyền cơ sở không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà còn phải tiến hành giải thích để người dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật mà chấp hành. “Tôi đã giao Công an huyện nắm tình hình, cũng như những diễn biến có liên quan về sự việc tại mỏ đá Bình Thanh. Đồng thời sẽ chỉ đạo xã Bình Thanh chủ trì, trên cơ sở hỗ trợ của các phòng chuyên môn của huyện tập trung giải quyết vấn đề” - Ông Võ Văn Đồng nói với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Nhà đầu tư đang đứng trước muôn vàn khó khăn, rất cần chính quyền vào cuộc kiểm tra, xử lý. |
Rõ ràng, những diễn biến xảy ra tại mỏ đá Bình Thanh gần đây một mặt đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, mặt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của huyện Bình Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Nghiêm trọng hơn, một điểm nóng về tình hình an ninh trật tự tại xã Bình Thanh đã hình thành, rất cần các cơ quan có liên quan của huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc, xử lý.
Lê Danh
Theo