Trà xanh C2 Ô Long quảng cáo làm từ "những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên" phải chăng là lợi dụng thương hiệu chè Thái Nguyên để quảng bá cho sản phẩm, trong khi Thái Nguyên không phải là vùng trồng chè Ô Long.
Trong chuyến thực tế tại tỉnh Thái Nguyên của nhóm phóng viên VTC News, hầu hết các hộ trồng chè tại Thái Nguyên cũng như các đơn vị phụ trách lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương này đều khẳng định, hiện Thái Nguyên chưa có chè Ô Long.
Quảng cáo trà xanh C2 Ô Long hoa hồng nên trung thực với khách hàng
Ông Nguyễn Tá - Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên - khẳng định hiện Thái Nguyên có trồng một số giống chè như Kim Tuyên, Thúy Ngọc,…nhưng không phải để sản xuất chè Ô Long, mà để thay thế cho một số giống cũ, theo chiến lược phát triển cây trồng của tỉnh. Hiện chè Kim Tuyên chiếm khoảng 10% diện tích chè của tỉnh.
"Các giống này được người dân trồng để sản xuất chè xanh - loại chè đặc sản của Thái Nguyên cho ra chất lượng rất tốt. Nhưng không phải để làm chè Ô Long", ông Tá khẳng định.
Theo ông Tá, việc sản xuất chè tại Thái Nguyên hiện nay vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.
Sản xuất chè Ô Long đòi hỏi yêu cầu cao về mặt kỹ thuật trồng trọt cũng như dây chuyền, thiết bị và công nghệ.
Ông Tá cũng cho biết, tại Thái Nguyên hiện có duy nhất 1 cơ sở có sản xuất loại chè này là Chè Vạn Tài. Tuy nhiên, việc sản xuất của doanh nghiệp này cũng có quy mô không lớn và vì chủ cơ sở là người tâm huyết với chè Ô Long cũng như có đầu ra cho sản phẩm nên mới có quyết tâm theo đuổi.
Tại Thái Nguyên hiện có duy nhất 1 cơ sở có sản xuất loại chè này là Chè Vạn Tài. Tuy nhiên, việc sản xuất của doanh nghiệp này cũng có quy mô không lớn. Ông Nguyễn Tá Trưởng phòng trồng trọt, Sở NN và PT Nông thôn Thái Nguyên. |
Cũng theo ông Tá, chất lượng chè Ô Long được trồng từ Thái Nguyên cũng khác hẳn chè được làm từ các vùng trồng chè Ô Long nổi tiếng như Lâm Đồng.
"Cây chè dùng làm nguyên liệu để trồng chè Ô Long đòi hỏi yêu cầu rất cao. Thái Nguyên có độ cao chưa đến 200 m, Võ Nhai là địa phương có độ cao cao nhất tỉnh nhưng đất lại không phù hợp và trình độ thâm canh của người dân cũng không đáp ứng được yêu cầu đối với loại cây này", ông Tá nhấn mạnh.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc trồng chè Ô Long tại Thái Nguyên, phóng viên VTC News tiếp tục liên hệ với cơ sở chè Vạn Tài của bà Nguyễn Thị Hương.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, việc chế biến chè Ô Long đòi hỏi có yêu cầu kỹ thuật cao và nghiêm ngặt, vì vậy, ở Thái Nguyên hiện chỉ có cơ sở của bà đáp ứng được các yêu cầu cần thiết.
Ngoài việc phải đầu tư hệ thống dây chuyền, thiết bị khá tốn kém, tối thiểu cũng từ 1 - 2 tỷ đồng, thì vùng nguyên liệu là một trong những trở ngại lớn đối với công ty của bà Hương.
Bà Hương kể, bà đã từng phải "mất học phí" rất nhiều nhưng cuối cùng nguyên liệu vẫn phải hoàn toàn tự trồng, mà không thể thu mua từ nông dân hay các vùng xung quanh.
"Tôi đã từng đi rất nhiều vùng, hướng dẫn các hộ nông dân quy cách trồng chè rất tỉ mỉ, nhưng không hiểu sao khi làm ra sản phẩm vẫn không đạt", bà Hương nói.
Bà Hương cho biết, bà cũng đã từng thử nghiệm phổ biến trồng giống chè làm ra sản phẩm trà Ô Long với 60 hộ nông dân trên địa bàn xã Phúc Thuận - huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên (cùng địa bàn trồng nguyên liệu của cơ sở Vạn Tài) nhưng vẫn thất bại.
Theo bà Hương, việc trồng chè Ô Long yêu cầu rất khắt khe đối với nguyên liệu nên nông dân Thái Nguyên không thể trồng loại cây để có thể cho ra đúng vị chè Ô Long được.
Cụ thể, theo quy trình vận chuyển thì từ khi hái đến nơi làm chỉ 2 tiếng và được bảo quản nguyên liệu cẩn thận trong các xe lạnh. Búp chè hái không được dập nát, quá trình làm héo không được dùng sức nhiều, phải dùng sự tỉ mỉ để tránh hư hỏng lá chè.
Thái Nguyên không phải vùng trồng chè Ô Long đạt chuẩn
"Có nhiều vùng nguyên liệu chỉ cách nhà máy của tôi chưa đầy 20km, nhưng khi sản phẩm về đến nhà máy thì làm chè vẫn không đạt", bà Hương cho hay.
Ngoài ra, việc chăm sóc cây chè Ô Long theo bà Hương cũng rất tỉ mỉ, phải trồng đúng khoảng cách, bón phân hữu cơ, không được dùng phân vô cơ, chè sẽ không đạt được vị tiêu chuẩn.
Như vậy, có thể thấy việc tTrà xanh C2 Ô Long quảng cáo làm từ "những búp chè Ô Long tươi ngon Thái Nguyên" là lừa dối khách hàng.
Thứ nhất, không hiểu URC Việt Nam lấy nguồn nguyên liệu ở đâu để sản xuất chè của mình, khi nhà máy - nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho trà URC Việt Nam sản xuất trà xanh C2 Ô Long đặt tại xã Tức Tranh (Thái Nguyên) đã đóng cửa nhiều năm nay.
Thứ hai, chè Ô Long đòi hỏi yêu cầu nguồn nguyên liệu rất khắt khe, nông dân tại Thái Nguyên hiện nay vẫn chưa trồng được loại chè đạt tiêu chuẩn làm chè Ô Long, vậy phải chăng URC nếu có sở dụng nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn này sản xuất ra sản phẩm trà xanh C2 Ô Long thì chất lượng của sản phẩm này cũng kém?
Nếu chất lượng trà không đạt thì việc quảng cáo về sản phẩm trà xanh C2 Ô Long của URC Việt Nam rõ ràng khiến người tiêu dùng lầm tưởng mình đang được sử dụng một loại chè cao cấp, với giá trị dinh dưỡng cao nhưng thực tế chất lượng là trái ngược hẳn.
Theo VTC News
Theo