(Xây dựng) - Dự án Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn có tổng mức đầu tư trên 13,5 triệu Euro từ nguồn vốn ODA, khởi công vào tháng 9/2016, đang thực hiện chậm so với tiến độ đề ra.
Thi công hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị tại thị xã Ba Đồn. |
Nhiều vướng mắc
Dự án Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn sử dụng tín dụng hỗn hợp của Chính phủ Vương quốc Đan Mạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Văn bản số 1079/TTg-QHQT ngày 07/8/2007, có tổng mức đầu tư trên 13,5 triệu Euro từ nguồn vốn ODA, được khởi công vào tháng 9/2016. Qua hơn 3 năm thực hiện, khối lượng thi công mới chỉ đạt 66%; một số hạng mục đạt thấp như: Tuyến ống áp lực mới đạt 69% tổng khối lượng tuyến ống, tuyến ống tự chảy mới đạt 54%, hố ga đấu nối hộ gia đình mới đạt 37%.
Thông tin từ Ban Quản lý các dự án ODA huyện Quảng Trạch cho thấy: Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, hỗ trợ trang thiết bị vệ sinh môi trường, thiết bị quản lý vận hành nhằm cải thiện điều kiện môi trường đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công tác triển khai xây dựng trên công trường rất chậm so với kế hoạch. Tính đến nay, khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 66% khối lượng xây dựng; riêng phần đường ống thoát nước thải với tổng chiều dài 15,4km, đấu nối hộ gia đình 3.000 điểm là hạng mục quan trọng của hệ thống thoát nước qua thi công mới chỉ đạt xấp xỉ 57% khối lượng, trong khi đó đã phải xin gia hạn thời gian giải ngân dự án và Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến 31/12/2020.
Hầu hết các công việc thi công của dự án đều tạm dừng do nhà thầu Suez yêu cầu cung cấp bằng chứng bố trí vốn để hoàn thành dự án; Nhà tài trợ DBF hủy khoản viện trợ 978.676 Euro của Chính phủ Đan Mạch dành cho dự án; số tiền khiếu nại phát sinh của nhà thầu 600.000 Euro chưa được giải quyết. Nếu không có các giải pháp kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, nguy cơ nhà tài trợ rút dự án vẫn còn hiện hữu.
Đồng thời phát sinh một số vướng mắc như đoạn vào trạm xử lý nước chưa được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019 nên công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được; việc thi công các tuyến ống tự chảy cũng bị người dân cản trở vì có một tuyến đường bê tông mới xây dựng hoàn thành và đã có hệ thống thoát nước dọc đường; tuyến ống cửa xả cũng không thể thi công do người dân chưa đồng tình vì sợ ảnh hưởng đến các hồ nuôi thủy sản; hơn nữa sự phối hợp giữa nhà thầu, đơn vị thi công với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ.
Khi chúng tôi đề nghị làm rõ do đâu mà quá trình phối hợp giữa các địa phương và đơn vị thi công chưa chặt chẽ? Phía Ban Quản lý các dự án ODA huyện Quảng Trạch cho rằng: Nhà thầu chính Công ty Suez yêu cầu giao mặt bằng sạch để họ phục vụ thi công. Tuy nhiên, tại thị xã Ba Đồn cái vướng không phải là mặt bằng sạch vì thi công các hạng mục trên hạ tầng kỹ thuật có sẵn mà do tâm lý người dân chưa đồng thuận, chưa hỗ trợ thi công. Từ đó, trong khi chính quyền cùng Ban Quản lý các dự án ODA đang thuyết phục, đối thoại với nhân dân để họ tạo điều kiện thì cứ mỗi ngày xe, máy công trình và nhân lực ngừng thi công, phía nhà thầu chính lại yêu cầu phạt Ban Quản lý các dự án ODA vì chậm trễ giao mặt bằng sạch, mà thiếu sự chia sẻ giữa hai bên.
Khó nhưng phải gỡ
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để dự án này triển khai thuận lợi, đạt tiến độ, UBND tỉnh Quảng Bình đã có nhiều phiên làm việc với các ngành, địa phương và Công ty Suez về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên. Ông Didier Houlie - Quản lý cao cấp của Công ty Suez, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á cho biết, phía nhà thầu chính đang tích cực phối hợp với các bên liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; đồng thời mong muốn UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp, tạo điều kiện xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công.
Ông Didier Houlie - Quản lý cao cấp của Công ty Suez cam kết bảo đảm tiến độ dự án. |
Cùng đó, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ rõ rằng: Dự án thực hiện chậm so với tiến độ đề ra do trong quá trình triển khai Ban Quản lý dự án chỉ đạo chưa cụ thể, quyết liệt, chưa tập trung tháo gỡ các vướng mắc. Để đảm bảo tiến độ đề ra, tỉnh yêu cầu thị xã Ba Đồn tổ chức tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện dự án; nhà thầu chính là Công ty Suez phối hợp với các bên liên quan tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công.
Ông Võ Hồng Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Số tiền khiếu nại, phát sinh của nhà thầu 600.000 Euro, UBND huyện Quảng Trạch có trách nhiệm tìm phương án tài chính hữu hiệu, để phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu phương án bổ sung nguồn đối ứng trong nước để thực hiện Hợp phần B Dự án trong trường hợp phía DBF giữ nguyên quan điểm rút nguồn tài trợ này và khoản chi phí này, báo cáo Ban Cán sự Đảng để thông qua báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó, điều đáng ngại là nhà tài trợ DBF hủy khoản viện trợ 978.676 Euro của Chính phủ Đan Mạch dành cho dự án.
Ông Nguyễn Thế Hảo - Giám đốc Ban Quan quản lý các dự án ODA huyện Quảng Trạch từng thông tin: Theo hiệp ước tín dụng đã ký kết với chính phủ Đan Mạch, đến tháng 6/2019, dự án sẽ kết thúc. Hiện đã xin gia hạn thời gian giải ngân đến hết năm 2020, hiện chúng tôi đang tập trung quản lý, điều hành và chỉ đạo đơn vị thi công triển khai tiếp các hạng mục công trình, sớm hoàn thành dự án.
Nhất Linh
Theo