(Xây dựng) - Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ hiện nay, chương trình phát triển đô thị không chỉ đơn thuần là một chiến lược phát triển kinh tế mà còn là một động lực mạnh mẽ giúp các địa phương định hình tương lai. Chương trình phát triển đô thị tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới, hướng đến sự bền vững.
Thành phố Tân An được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh Long An |
Với sự tập trung chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình thực hiện, diện mạo của các đô thị tỉnh Long An đã có những bước chuyển mình rõ nét. Rất nhiều công trình hạ tầng khang trang được đầu tư xây dựng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đằng sau những thành tựu ấy, thành phố Tân An nổi bật như một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Long An, trong khi thị xã Kiến Tường trở thành đô thị trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài Kiến Tường, các đô thị như: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Long An. Những đô thị này không chỉ tạo ra động lực cho sự phát triển của tỉnh mà còn đóng góp tích cực vào cấu trúc kinh tế vùng, nhất là trong việc kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh – một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Với sự phát triển không ngừng, thành phố Tân An vừa chính thức đón mừng cột mốc 15 năm tuổi. Chủ tịch UBND thành phố Tân An Võ Hồng Thảo khẳng định, đây không chỉ là một cột mốc đánh dấu quá trình phát triển mà còn là dấu hiệu cho thấy sự cải thiện về chất lượng cuộc sống của người dân. Thành phố hiện đạt tiêu chí đô thị loại II và đang nỗ lực phấn đấu để đạt các tiêu chí đô thị loại I vào cuối năm 2025, công nhận trước năm 2030 minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân nơi đây.
Cùng với sự phát triển của thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường cũng ghi dấu ấn với việc mạnh mẽ đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Việc những trục đường lớn như: Quốc lộ 62, Đường tỉnh 819 và Đường tỉnh 831 đi qua đã tạo điều kiện thuận lợi để thị xã phát triển công nghiệp và dịch vụ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, từ đó tạo ra những cơ hội mới cho người dân.
Thị xã Kiến Tường, với vị trí địa lý đặc biệt, không chỉ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên mà còn được biết đến nhờ sự hiện diện của cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp cùng với Khu kinh tế cửa khẩu Long An, nơi đây đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế khu vực.
Thêm vào đó, sự phát triển của Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Long An không chỉ có tác động tích cực đến thị xã Kiến Tường mà còn kéo theo sự phát triển của các vùng lân cận. Khi hệ thống giao thông được cải thiện, các địa phương khác cũng sẽ hưởng lợi từ sự kết nối này, tạo ra một mạng lưới kinh tế liên kết chặt chẽ, thúc đẩy sự phát triển đồng đều và bền vững cho toàn vùng.
Thị xã Kiến Tường vươn lên xứng tầm đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. |
Theo ý kiến của ông Ngô Hải Phong, một cư dân tại phường 2, thị xã Kiến Tường, sự quan tâm đến chương trình phát triển đô thị đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Thị xã giờ đây đã có diện mạo mới với hạ tầng khang trang. Quan trọng hơn cả, điều này đã giúp người dân có thu nhập ổn định và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.
Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường Nguyễn Văn Vũ cũng chia sẻ rằng, thị xã đã đạt chuẩn đô thị loại III và đang không ngừng phấn đấu để trở thành đô thị động lực của vùng Đồng Tháp Mười. Với định hướng quy hoạch rõ ràng, thị xã sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị, xây dựng các khu đô thị chuẩn và tận dụng mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kết nối vùng, phục vụ cho sự phát triển của các đô thị vệ tinh như: Bến Lức, Cần Giuộc và Cần Đước.
Bên cạnh đó, thị xã Kiến Tường, với vị thế quan trọng trong vùng Đồng Tháp Mười, đang không ngừng nỗ lực phát triển và hiện đại hóa diện mạo đô thị. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thị xã đã quyết định xây dựng từ 2 đến 3 khu đô thị đạt chuẩn theo quy định; khai thác các nguồn lực, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối mạng lưới đô thị vùng trong và ngoài tỉnh...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo thông tin từ Sở Xây dựng, tỉnh Long An vẫn còn một số hạn chế trong phát triển đô thị. Chất lượng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, một số hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn đồng bộ chưa tốt và thậm chí có nơi lên đến mức quá tải. Đô thị phát triển chậm, chưa tương xứng với vị trí, nền kinh tế, vai trò của tỉnh. Hạ tầng đô thị và liên kết vùng còn yếu; chưa thu hút nhiều dân cư đô thị; đầu tư từ ngân sách còn quá ít; chưa có chính sách phát triển đô thị hiệu quả; chưa đảm đương được các hạ tầng cơ bản (xử lý nước thải, hạ tầng liên vùng, chính sách xã hội như nhà ở xã hội)...
Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách để chọn, mời gọi nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực về phát triển đô thị; tạo thủ tục đơn giản đối với việc xin phép xây dựng đô thị. Nhà nước đầu tư hạ tầng đầu mối, quan trọng để đô thị phát triển dựa vào lực hút đô thị có sẵn để thành phố Tân An và các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa là đô thị vệ tinh, thu hút dân cư...
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Thời gian tới, việc hình thành, phát triển hệ thống đô thị trong tỉnh phải theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; bảo đảm thực hiện được lộ trình đề ra theo định hướng Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Sự kết hợp giữa các chính sách phát triển đô thị hiệu quả, cơ sở hạ tầng hiện đại, và sự quyết tâm của chính quyền địa phương sẽ là nền tảng vững chắc đưa thành phố Tân An và các đô thị trong tỉnh Long An vươn tới một tương lai bền vững và phát triển thịnh vượng hơn.
Giang Sơn – Ngọc Anh
Theo