(Xây dựng) - Nhằm ứng phó với bão Noru, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.
Nhiều tàu thuyền đã vào âu thuyền Nhật Lệ để tránh trú bão. |
Cụ thể, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện ven biển khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Theo dõi, kiểm đếm, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu tránh trú bão; tạo điều kiện cho tàu cá, phương tiện vận tải, thuyền viên các địa phương khác vào tránh trú bão an toàn.
Hướng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát các hồ chứa (đặc biệt là các hồ đập vừa và nhỏ, các hồ đập đã xảy ra sự cố, đang thi công), các công trình đang thi công; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý khi có sự cố.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương. Yêu cầu người dân, chủ sử dụng thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có biển cảnh báo.
Các công trình đang thi công xây dựng phải lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.
Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho cẩu tháp, vận thăng. |
Ông Phạm Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết: Để bảo đảm an toàn lao động tại các công trường xây dựng, trước mùa mưa bão năm 2022, Sở Xây dựng có Văn bản số 1893/SXD-QLXD gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã; các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, công ty đơn vị trực thuộc ngành Xây dựng về việc phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng.
Những công xây dựng có sử dụng cần trục tháp tại công trình, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm tra và gửi báo cáo biện pháp bảo đảm an toàn của cẩu tháp, vận thăng, giàn giáo bao che về Sở Xây dựng để theo dõi.
Trường hợp dự báo tốc độ gió bão trong giới hạn cho phép theo thiết kế của cần trục tháp tiến hành hạ cần trục xuống sát tầng thi công gần nhất, tháo dỡ đối trọng và tăng cường neo giằng thân tháp, tay cần cố định vào công trình đang thi công bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Dự báo tốc độ gió bão lớn hơn tốc độ gió cho phép theo thiết kế của cần trục tháp thực hiện tháo dỡ ngay đối trọng, tay cần của cần trục tháp, tăng cường neo giằng thân tháp cố định vào công trình đang thi công hoặc tháo dỡ thân tháp trong trường hợp không có khả năng neo giằng thân tháp.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 27/9, toàn tỉnh còn có 08 tàu, với 51 lao động đang hoạt động trên biển vùng ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Những tàu thuyền này đã nắm được tình hình diễn biến, hướng đi của bão và đang trên đường vào bờ tránh trú.
Nhất Linh
Theo