Thứ bảy 27/04/2024 07:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Tạo đà phát triển cho lĩnh vực công nghiệp

10:23 | 27/04/2021

(Xây dựng) - So với các địa phương lân cận, Quảng Bình có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, đặc biệt là lợi thế hạ tầng. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn chưa được khai phá mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng sẵn có.

quang binh tao da phat trien cho linh vuc cong nghiep
Khu kinh tế Cha Lo là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa, các nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp.

Lợi thế hạ tầng

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 2 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 65.703ha. Trong đó, Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo được xem là những khu kinh tế quan trọng của miền Trung và cả nước.

Khu kinh tế Hòn La thuộc huyện Quảng Trạch được quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên 10.000ha, trong đó đất liền là 8.900ha, mặt biển và đảo là 1.100ha. Đây là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phụ trợ theo quy hoạch Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình. Khu kinh tế Hòn La là nơi tập trung các ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Bình như công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện năng, đóng tàu, công nghiệp xi măng, sản xuất thủy tinh.

quang binh tao da phat trien cho linh vuc cong nghiep
Công tác sản xuất cọc bê-tông đúc sẵn tại Khu kinh tế Hòn La.

Còn Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (huyện Minh Hóa) có tổng diện tích 53.923ha. Đây là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Tiểu vùng sông Mê Kông.

Hiện, cửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng là cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào, với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh, phi mậu dịch năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD. Cùng đó, Quảng Bình có khoảng 902.000 dân, trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm 58%, tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo lại đạt 70%.

Theo dự thảo quy hoạch chung tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhận thấy: Một số xu hướng tạo thuận lợi cho Quảng Bình, cụ thể là chi phí nhân công tăng tại Trung Quốc sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của các địa phương như Quảng Bình.

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Bình đã được ưu tiên phát triển dựa trên lợi thế về giá điện thấp, chi phí kho vận rẻ, chi phí nhân công thấp và nguồn nguyên liệu đầu vào tại địa phương. Ngoài ra, với nguồn cung điện sạch, giá rẻ cũng sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp trong tỉnh.

Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều cán bộ chuyên trách, cũng như ông Nguyễn Tiến Hoàng - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Quảng Bình xác định lĩnh vực du lịch - dịch vụ là hướng đi mũi nhọn, để phát triển kinh tế. Song, phát triển và nâng cao ngành công nghiệp mới là vấn đề trọng tâm, hướng đi chủ lực để tăng nguồn thu ngân sách tỉnh nhà. Hiện, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp, ngành công nghiệp tại tỉnh đang trên đà phát triển, cần có các dự án lớn, các khu công nghiệp tập trung, đặc biệt ưu tiên cho công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp nặng, để hòa nhập vào tiến trình công nghiệp hóa của cả nước.

Hướng đến trụ cột kinh tế tỉnh

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, công nghiệp là lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh này trong hơn 30 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh. Cùng với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch - dịch vụ, việc phát triển công nghiệp được chính quyền tỉnh này quan tâm, và có định hướng rõ rệt.

Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, năm 1990, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) là 271,7 tỷ đồng, thì năm 2020, con số đó đã tăng lên 48 lần, đạt 13.310 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 14,1%/năm.

Trong đó, một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt… Riêng giai đoạn 2000 - 2010, công nghiệp Quảng Bình có bước đột phá, mở ra một thời kỳ tăng trưởng liên tục, khi nhiều nhà máy đi vào hoạt động.

Theo Sở Công Thương, trong năm 2020, nhiều sản phẩm của tỉnh có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Cụ thể, sản xuất xi măng và clinker đạt 5,4 triệu tấn (tăng 4,8%); áo sơ mi đạt 18 triệu chiếc (tăng 13,3%); tinh bột sắn đạt 17.900 tấn (tăng 4,9%); dăm gỗ đạt 390.000 tấn (tăng 6%); gạch men đạt 1.650.000m2 (tăng 3,6%); gạch không nung đạt 80 triệu viên (tăng 39%); điện thương phẩm đạt 1.100 triệu kW (tăng 6%); gỗ ván ghép thanh đạt 50.000m3 (tăng 61,9%)...

Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, thiên tai và dịch bệnh Covid-19, sản xuất công nghiệp của Quảng Bình vẫn duy trì tăng trưởng khá. Bình quân giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm 7,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 13.310 tỷ đồng.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ: Hiện, thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến tập trung vào sản phẩm clinker thành phẩm, xi măng, gạch không nung, gạch nung, dăm gỗ, gỗ ván ghép thanh... Về chất lượng sản phẩm, cơ bản đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng của vật liệu đầu vào công trình, dự án. Tới đây, Sở Xây dựng nghiên cứu giải pháp sản xuất cát nhân tạo để làm vật liệu xây dựng thông thường.

Theo ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp đã được Quảng Bình quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Một số dự án đầu tư mới đã đi vào hoạt động, đang phát huy hiệu quả như các dự án may xuất khẩu, chế biến gỗ, sản xuất kính cường lực, thu hồi nhiệt thải phát điện, chế biến hải sản, các nhà máy gạch không nung...

Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy và phát huy hiệu quả các khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Quán Hàu, Cam Liên, các khu, cụm công nghiệp.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load