(Xây dựng) - Lộ trình di dời cảng cá Nhật Lệ về đóng tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), dự kiến đến đầu năm 2023 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, cảng cá mới vẫn chưa được xây dựng đồng bộ và tổ chức đấu giá cho thuê tài sản.
Các hộ dân, tiểu thương kinh doanh tại cảng cá Nhật Lệ. |
Có lộ trình di dời, đóng cảng
Năm 2022, trên cơ sở Hợp đồng thực hiện dự án số 25/2020 được ký ngày 10/10/2020 giữa Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình và nhà đầu tư trúng thầu là Tập đoàn Sơn Hải, UBND thành phố Đồng Hới đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới tổ chức giải phóng mặt bằng, di dời cảng cá Nhật Lệ ra khỏi phạm vi nội thành, nhường đất phục vụ dự án Khu đô thị cao cấp Nam Cầu Dài (quy mô 40ha).
Vậy nhưng, việc di dời cảng cá Nhật Lệ đang dậm chân tại chỗ, chưa có tiến triển như mong đợi. Trong khi cảng cá Nhật Lệ vẫn hoạt động, nhưng hàng chục hộ dân, doanh nghiệp nơi đây lâm vào thế bị động trong việc sản xuất kinh doanh.
Bà Trương Thị Mười, một hộ dân nằm trong diện di dời cho biết: Cảng cá được khởi công xây dựng từ năm 1999, đưa vào sử dụng từ năm 2000. Hộ gia đình như bà đã đầu tư cơ sở hạ tầng để thành lập kho xưởng với tổng vốn lên tới vài tỷ. Đến nay, khi kiểm kê phương án đền bù hộ nhà bà không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ khoản nào. Trong khi xưởng đang có nhiều công nhân lao động, bây giờ cũng không biết xoay xở thế nào khi cảng cá mới thì chưa xây dựng xong.
Được biết, cảng cá này là nơi phục vụ cho ngư dân Quảng Bình và các tỉnh lân cận, cho các tàu thuyền neo đậu, tiêu thụ sản phẩm cung ứng dịch vụ. Theo thống kê mỗi ngày có khoảng 100 lượt tàu cập cảng. Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều người thì cảng cá Nhật Lệ mới được xây dựng làm khu tránh trú bão cấp vùng, quy mô lớn nhưng ở cách xa trung tâm thành phố, không thuận tiện trong việc vận chuyển hải sản.
Hiện, khu vực cảng cá mới này chưa được đơn vị quản lý xây dựng hạ tầng kho xưởng, sân bãi, cấp điện... Cùng đó, tỉnh chưa có thông báo cụ thể phương án đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản hay phân giao, khiến các hộ kinh doanh lúng túng.
Cần phân định trách nhiệm
Trong khi đó, cảng cá Nhật Lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là cảng cá loại II có vai trò quan trọng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Tài sản của Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình đã hết thời gian khấu hao. |
Cho đến hiện tại gần 30 hộ dân, doanh nghiệp nằm trong diện phải di dời, các hộ đều ký hợp đồng với Ban Quản lý cảng cá (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… do việc lên phương án bồi thường chưa gần với người dân và doanh nghiệp nên khiến các chủ thể này đều bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới cho hay: Là đơn vị tư vấn, phụ trách tiểu ban giải phóng mặt bằng cảng cá Nhật Lệ, chúng tôi đã làm việc, trao đổi nhiều lần với các hộ dân, tiểu thương về công tác di dời tài sản, thiết bị để tiến tới đóng cảng.
Qua quá trình này, chúng tôi nhận thấy, vướng mắc chủ yếu làm kéo dài khâu thu hồi đất là việc một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuê đất theo Hợp đồng ký kết với Ban Quản lý cảng cá tỉnh là hợp đồng dài hạn, khó thanh lý ngay khi có yêu cầu.
Cùng đó, tài sản của Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình tại cảng cá Nhật Lệ đã hết thời gian khấu hao nên giá trị bồi thường, hỗ trợ bằng không, không thể bù đắp kinh phí và cơ sở hạ tầng làm việc và hạ tầng phục vụ hoạt động tại cơ sở mới. Thẩm quyền thụ lý, xử lý nội dung này trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Nếu thực hiện theo nguyện vọng của bà con, giá trị bồi thường, hỗ trợ kinh phí di dời và cơ sở hạ tầng làm việc tại cơ sở mới sẽ lên đến hơn trăm tỷ đồng. Trung bình mỗi kho cấp đông của hộ kinh doanh là hơn 1 tỷ đồng. Hiện, các hộ vẫn đang phản ứng việc này. Trong khi đó, Tập đoàn Sơn Hải lại đang cần quỹ đất để thi công khu đô thị” - ông Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ.
Việc dời cảng cá Nhật Lệ phục vụ thi công Khu đô thị Nam Cầu Dài cần có lộ trình phù hợp. |
Tại Công văn số 2338/TB-VPUBND ngày 27/6/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý cảng cá tỉnh xây dựng cụ thể phương án di dời cảng cá Nhật Lệ sang vị trí mới tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ.
Tuy nhiên, đã nhiều tháng thực thi, kết quả thu về chưa đạt. Việc đóng cảng có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và cuộc sống của cộng đồng ngư dân. UBND tỉnh Quảng Bình cần có lộ trình di dời cho phù hợp để doanh nghiệp, người dân có sự chuẩn bị tâm thế cho việc chuyển đến cảng mới. Tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp, người dân đang ở ổn định từ nhiều năm qua.
Nhất Linh
Theo