Thứ hai 29/04/2024 02:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Khai thác cát "lén lút" gây sạt lở đất của người dân?

20:00 | 01/03/2024

(Xây dựng) - Hàng trăm mét đất trồng hoa của người dân tại thôn Phúc Tự, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa bị sạt lở xuống sông Gianh và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Người dân ở đây cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các đò hút cát khai thác trái phép gây ra.

Quảng Bình: Khai thác cát
Nhiều diện tích đất của người dân bị sạt lở xuống sông Gianh.

Thời gian qua, người dân tại thôn Phúc Tự, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa bức xúc trước việc các tàu hút cát khai thác sát với khu vực ở bãi bồi gây nên tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng.

Bà L.M.N, thôn Phúc Tự, xã Văn Hóa bức xúc: “Tình trạng sạt lở đất diễn ra từ trước Tết đến nay, việc sạt lở là do hoạt động khai thác cát. Các đò hút cát đặt vòi sát với bờ sông khai thác nên đất đã bị sạt xuống sông cả, trong khi đó, khu vực này người dân chúng tôi đã trồng rau, nông sản từ hàng chục năm qua. Thời điểm các đò hút cát thường hoạt động vào ban đêm, khoảng 2-4h”.

Có mặt tại bãi bồi cát, thôn Phúc Tự, xã Văn Hóa, PV ghi nhận có hơn 200m đất theo chiều dài sông Gianh bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm sạt lở đã ăn sâu vào đất trồng hoa màu của người dân.

Quảng Bình: Khai thác cát
Tình trạng sạt lở diễn ra từ cuối năm 2023 đến nay.

Được biết, khu vực bãi bồi cát này là đất trồng hoa màu do Hội Cựu chiến binh thôn Phúc Tự hợp đồng với UBND xã Văn Hóa với tổng diện tích gần 37.000m2, sau đó chia cho 37 hộ dân gia đình chính sách canh tác. Mỗi năm, một hộ dân canh tác sẽ phải nộp 3,5 triệu đồng để trả cho UBND xã.

Quảng Bình: Khai thác cát
Hơn 200m đất theo chiều dài sông Gianh bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Lê Minh Vượng - Phó Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phúc Tự cho hay: “Đây là khu vực đất canh tác hoa màu của 37 hộ, Hội Cựu chiến binh thôn Phúc Tự thầu lại của UBND xã, mỗi năm xã thu 500kg thóc quy ra tiền là 3,5 triệu/hộ. Hoạt động khai thác cát diễn ra từ cuối năm 2023, từ đó đến nay sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng, thời gian hút cát chỉ diễn ra trong 2-3h đến gần sáng. Chúng tôi đã làm tờ trình gửi UBND xã từ tháng 10/2023, từ đó đến nay, đất đã sạt lở vào khoảng 40m. Thời điểm chia đất cho các hộ dân đã thống nhất để hành lang dư ra 7m để trồng cây ngăn sạt lở, nhưng nay diện tích hành lang đó cũng bị trôi cả. Sạt lở đất làm ảnh hưởng đến việc canh tác và sản xuất của người dân”.

Quảng Bình: Khai thác cát
Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Đỗ Đình Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hóa thừa nhận: Tình trạng sạt lở đất sản xuất hoa màu của người dân một phần do hoạt động lén lút khai thác cát. Sạt lở đất đã diễn ra từ trước Tết đến nay và có khoảng 3-5m chiều ngang đất đã bị sạt lở xuống Sông Gianh.

“Việc người dân phản ánh là có, hàng năm UBND xã vẫn lập 2 tổ gồm lãnh đạo xã và các cán bộ chuyên môn thay nhau trực. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát diễn ra lén lút và thường vào đêm khuya, khi phát hiện nổ đò ra để bắt giữ thì những đò cát này kéo ống hút lên bỏ chạy sang địa bàn xã khác nên rất khó khăn. Để ngăn chặn tình trạng này, tới đây địa phương sẽ báo cáo với UBND huyện, phối hợp với các lực lượng chức năng để có phương án. Việc sạt lở đất diễn ra không hẳn do hoạt động khai thác cát, mà khu vực này sát với bờ sông Gianh nên các tàu lớn vào chở hàng nước sông vỗ vào cũng gây sạt lở”, ông Đỗ Đình Quang cho biết thêm.

Quảng Bình: Khai thác cát
Nhiều hộ gia đình lo lắng đất canh tác bị trôi xuống sông Gianh.

Lãnh đạo UBND xã Văn Hóa cho biết, những đò hút cát này được các mỏ cát thuê vào rồi đi khai thác ngoài điểm mỏ trong đó có các mỏ của Công ty Miền Tây, Công ty Sơn Hà…

Đào Hồng Thiệu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load