(Xây dựng) - Từ Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc với sự đồng tình, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân để hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho các gia đình người có công.
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng quà cho thương binh 4/4 Nguyễn Trọng Sen, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch. |
Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thông qua vận động xã hội hóa, sau hơn 8 năm triển khai, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 14.436 hộ gia đình người có công với cách mạng được duyệt; trong đó 12.142 hộ đã hoàn thành việc xây mới và cải tạo nhà ở.
Một số địa phương có số đối tượng được hỗ trợ cao như: Huyện Minh Hóa được cấp hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ 540 gia đình xây mới nhà, 1.453 gia đình sửa chữa, cải tạo nhà. Huyện Quảng Trạch được cấp hơn 62 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1.027 gia đình xây mới nhà, 1.048 gia đình sửa chữa, cải tạo nhà.
Thị xã Ba Đồn được cấp hơn 55 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 703 gia đình xây mới nhà, 1.361 gia đình sửa chữa, cải tạo nhà. Huyện Quảng Ninh được cấp gần 47 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 669 gia đình xây mới nhà, 1.006 gia đình sửa chữa, cải tạo nhà...
Bà Đoàn Thị Kiểu, 93 tuổi, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), có 72 tuổi Đảng, là người có công với cách mạng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Do điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên nhiều năm liền bà phải sinh sống trong ngôi nhà đã xây dựng lâu năm, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Từ sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, sau 5 tháng thi công, ngôi nhà khang trang theo quy chuẩn “3 cứng” đã hoàn thành và kịp thời đưa vào sử dụng. Tổng nguồn kinh phí để xây dựng ngôi nhà là 380 triệu đồng.
Từ kinh phí Quỹ đền ơn đáp nghĩa và huy động các nguồn lực xã hội hóa, từ năm 2016-2021, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa thêm 140 nhà ở cho người có công, trị giá hơn 5,6 tỷ đồng. Về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, miễn giảm thuế nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng được các ngành, địa phương thực hiện miễn giảm đất ở từ năm 2016-2021 cho 138.921 hộ.
Ông Trần Hải Châu - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình trao tiền hỗ trợ xây nhà cho gia đình bà Đoàn Thị Kiểu. |
Ông Phạm Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình sử dụng hơn 327 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và 17 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ trên 4.900 gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ xây mới nhà và trên 7.400 gia đình sửa chữa nhà ở.
Thực tế cho thấy, với mức hỗ trợ từ 40 triệu đồng/hộ để xây mới, 20 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các gia đình có công còn gặp khó khăn khi triển khai thi công. Cùng với kinh phí của Trung ương, các địa phương Quảng Bình đã nỗ lực, huy động thêm nhiều nguồn lực, với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần giúp người có công cải thiện điều kiện nhà ở.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, để tiếp tục hỗ trợ 5.785 hộ người có công về nhà ở, cần được Trung ương bố trí tiếp nguồn vốn và lồng ghép vào các chương trình, dự án tương tự.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình cho hay: Việc triển khai chế độ chính sách người có công theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã công nhận và giải quyết chế độ cho 3.971 người có công với cách mạng. Đến tháng 7/2022, Quảng Bình đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 21.300 người có công với cách mạng và thân nhân với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng/tháng.
Toàn tỉnh bình quân mỗi năm có gần 40.000 người có công và thân nhân người có công được hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế; gần 2.000 lượt người/năm hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo; hơn 16.000 người có công và thân nhân người có công thuộc diện hưởng chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; chi khoảng 600 triệu đồng/năm cho trang cấp dụng cụ chỉnh hình đối với người có công.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình nhìn nhận: Những tình cảm và việc làm thiết thực đã góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, góp phần khơi dậy, bồi đắp tinh thần yêu nước cho nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các địa phương huy động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ khang trang, bền đẹp.
Nhất Linh
Theo