(Xây dựng) - Một dự án trọng điểm, suất đầu tư 900 tỷ đồng, có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình. Tuy vậy, dự án này đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến tiến độ bị chậm.
Hệ thống đường nối cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đã thi công đạt trên 68,8% giá trị khối lượng. |
Vướng giải phóng mặt bằng
Dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Dự án bao gồm 1 tuyến chính dài 3,7km và 3 tuyến kết nối giao cắt với tuyến chính dài 10,1km, 4 tuyến đường nội thị bổ sung dài 3,86km. Tổng chiều dài các tuyến giao thông toàn bộ dự án là 17,7km.
Hết quý III/2019, toàn bộ phần xây lắp thuộc dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đã được thực hiện đồng loạt với kinh phí hơn 357,6 tỷ đồng, đạt 68,8% giá trị khối lượng.
Tuy nhiên, hiện các đơn vị thi công đang gặp phải vướng mắc do người dân một số địa phương có liên quan chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân xuất phát bởi các hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nên các đơn vị liên quan chưa phê duyệt được giá trị đền bù, dẫn đến tiến độ giải phóng mặt bằng bị chậm.
Như tại địa phận phường Đức Ninh Đông có 29 hộ thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng. Trong đó có 24 hộ đã nhận tiền đền bù, còn lại 05 hộ chưa nhận tiền.
Địa phận xã Bảo Ninh có 135 hộ dân có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó có 47 hộ đã kết thúc công khai phương án bồi thường đợt 1; 82 hộ chưa có phương án bồi thường; 4 hộ có nhà máy sản xuất đá và 2 hộ bị ảnh hưởng một phần nhà ở.
Tại địa phận xã Nghĩa Ninh, vướng mắc đang nảy sinh tại khu vực Trang trại chăn nuôi tổng hợp Phú Hưng. Hộ kinh doanh đã giao đất trước cho nhà thầu thi công các hạng mục qua ao nuôi của mình để đảm bảo tiến độ chung của dự án, nhưng do giá đền bù chưa thỏa đáng nên tiếp tục khiếu nại, kiến nghị mức bồi thường.
Vướng mắc tại khu vực dự án đi qua Trang trại chăn nuôi tổng hợp Phú Hưng, xã Nghĩa Ninh. |
Thông tin với phóng viên, ông Võ Văn Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Phú Hưng cho biết: Chúng tôi đã hỗ trợ đơn vị thi công trước trong phần đất chưa được bồi thường. Nhưng thấy rằng, mức kinh phí bồi thường, hỗ trợ là chưa hợp lý. Đơn vị thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, cùng cơ quan liên quan chưa tiếp thu, xem xét đối chiếu, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh, đề xuất của người bị thiệt hại.
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình) cho hay: Về tổng quan, dự án triển khai khá thông suốt, người dân không cản trở, chống đối. Vẫn còn một số hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vì nhiều lý do, thường gặp nhất là các hộ cho rằng mức giá thấp hơn nhiều lần giá thị trường. Hiện chúng tôi đã đề nghị đơn vị thực hiện khâu kiểm kê, giải phóng mặt bằng là Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới đẩy mạnh làm việc, vận động nhân dân, đẩy nhanh khâu hỗ trợ bồi thường.
Cùng đó, liên quan đến việc cấp phép thi công nút giao đầu tuyến chính với Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Đồng Hới, theo quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, giấy phép thi công nút giao này do Cục Quản lý đường bộ II cấp phép nhưng phải có ý kiến của nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh.
Hiện tại, nhà đầu tư chưa đồng ý cấp phép nút giao này. Lý do là tuyến đường này sau khi thi công hoàn thành sẽ thông lên đường Hồ Chí Minh làm giảm lưu lượng xe lưu thông qua Trạm thu phí Quán Hàu, làm giảm thu của nhà đầu tư.
Dự án sẽ bị đội vốn?
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án là 810 tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 500 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ giải ngân thêm khoảng 130 tỷ đồng. Đối với 180 tỷ đồng còn dư và phần vốn 10% dự phòng còn lại tức 90 tỷ đồng, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2020.
Vì vậy, để đảm bảo thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn, UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất trình HĐND tỉnh thông qua tờ trình xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thành năm 2017-2021.
Về công tác xây lắp, hiện tại, Sở Xây dựng đã có thông báo kết quả thẩm định điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục dự án gồm: Điều chỉnh vị trí điểm dừng, đỗ xe trên tuyến kết nối 2, xử lý các điểm lề đường đắp sau tường chắn dọc bờ sông Nhật Lệ bị sụt lún…
Trả lời báo chí về vấn đề tiến độ dự án, Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình cho hay: Những tháng cuối năm là mùa mưa, trên toàn tuyến chúng tôi đang cho theo dõi lún, việc thi công được tiến hành khi thời tiết thuận lợi. Khối lượng thi công còn lại cũng không lớn lắm, nên đơn vị sẽ dồn lực trong năm 2020. Hiện, đang tập trung gỡ vướng mặt bằng.
Cùng đó, khi được đề nghị làm rõ, việc triển khai thi công bị chậm do vướng mắc, có kéo theo việc đội vốn, ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình) cho rằng: Theo cảm nhận và đánh giá khách quan, chúng tôi nhận thấy, sẽ có sự đội vốn, tuy rằng không nhiều. Để giảm bớt chi phí phát sinh này, UBND thành phố Đồng Hới cần tích cực vận động nhân dân, xem xét giải quyết vấn đề.
Uy Vũ - Phương Dung
Theo