Thứ sáu 24/01/2025 13:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Quảng Bình: Bệnh viện đa khoa chất lượng cao nghìn tỷ dang dở, Nhà đầu tư quyết tâm nhưng hụt vốn

15:34 | 11/04/2019

(Xây dựng) - Trước thông tin Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao Bình An (phường Nam Lý, TP Đồng Hới) dự toán kinh phí đầu tư 1.600 tỷ đồng, qua hơn 8 năm thi công vẫn dừng lại ở khối lượng khiêm tốn. Chủ đầu tư và nhà quản lý chuyên trách đã lên tiếng nói về hiện trạng dự án và lý do tạo nên tình trạng này.

Chi tiết tại một hạng mục công trình

Quyết tâm làm nhưng hụt vốn

Trong gần đây, công trình Bệnh viện đa khoa Bình An vang dang một thời khi nhà đầu tư mạnh dạn lập hồ sơ dự án rồi triển khai thi công nhằm thực hiện chủ trường xã hội hóa trong đầu tư phát triển các bệnh viện, phòng khám chất lượng cao ở Quảng Bình thời kỳ những năm 2005 đến 2010, nằm trong danh mục những dự án chậm được kiểm tra, rà soát. Bỗng chốc những thông tin này thu hút dư luận, gây tâm lý xã hội, tạo áp lực cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc triển khai dự án. Nhưng trái với kỳ vọng, trong quá trình làm dự án đã có những vấn đề nảy sinh với chủ đầu tư, kéo theo câu chuyện tâm huyết, mạnh dạn nhưng lại thường hụt vốn.

Có mặt tại công trường của dự án này, dễ thấy trên thực địa khối lượng thi công thực tế mới dừng lại ở mức độ khiêm tốn. Theo như báo cáo của chủ đầu tư, hiện trạng dự án hiện nay đang ở mức xây dựng hệ thống tường bao; khoan 700 cọc nhồi; một dãy nhà khám chữa bệnh 02 tầng với quy mô 60 giường bệnh, chưa xây xong phần thô và một khu nhà điều hành dành cho doanh nghiệp dự án.

Về khối lượng vốn đã đầu tư, tính đến năm 2019, nhà đầu tư là Cty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bình An mà trực tiếp là ông Hoàng Bình Luận cùng nhà thầu là Cty TNHH Xây dựng Phong Thái Bình (địa chỉ tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã chi hơn 100 tỷ đồng với các công tác chính như lập hồ sơ khảo sát, thiết kế; bồi thường giải phóng mặt bằng; san lấp; rà mìn; khoan cọc bê-tông, xây lắp tường bao và dãy nhà khám chữa bệnh 02 tầng đang xây.

Trong những ngày này, trước tình hình sẽ bị UBND tỉnh Quảng Bình thu hồi đất nếu không triển khai dự án, ông Hoàng Bình Luận đang chạy đôn chạy đáo vào Nam ra Bắc để huy động vốn, tín dụng. Và dự kiến trong tháng 4/2019, dự án này sẽ được tái khởi động, với mục tiêu sẽ hoàn thành dãy nhà khám chữa bệnh 02 tầng trong năm 2019, để đưa vào khai thác… Qua nắm bắt, được biết nhiều tài sản gia đình đã được ông Luận bán đi để dồn vốn vào dự án.

Theo phía nhà thầu là Cty Phong Thái Bình: Việc triển khai dự án phúc lợi xã hội như Bệnh viện đa khoa Bình An được nhân dân quanh vùng ủng hộ. Nhà đầu tư là ông Hoàng Bình Luận rất quyết tâm khi lập dự án này. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện dự án, có những rủi ro xảy đến với nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tâm lý và suy giảm năng lực tài chính. Thực tế cho thấy, dự án này triển khai bị chậm vì nguyên nhân hụt vốn, chứ không phải từ thái độ chây ì. Bản thân Cty Phong Thái Bình cũng đã dồn sức với chủ đầu tư hàng chục tỷ đồng để thực hiện dự án… Nếu xét khách quan thì dự án này chậm nhưng khối lượng thi công trên thực tế hiện đã khá lớn, chứ không quây hàng rào chiếm giữ đất.

Hiện trạng dự án Bệnh viện Đa khoa Bình An

Dễ đứt gánh vì quy mô dự án

Bệnh viện Đa khoa Bình An là bệnh viện đa khoa chất lượng cao đầu tiên được xây dựng tại Quảng Bình, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Việc dự án trễ hẹn với nhân vào khi không hoàn thành trong năm 2014 và lùi tiến độ từ đó đến nay, dễ gây nên nghi ngờ trong nhân dân, có thể hiểu lầm đến thái độ chây ì, chiếm giữ đất. Trong câu chuyện này, một số đơn vị chuyên trách đã có những lý giải cũng như định hướng cụ thể về dự án trên.

Ông Võ Hồng Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Bình nhận định: “Bác sỹ Hoàng Bình Luận đã theo đuổi dự án này từ năm 2005, sau đó đến năm 2009 thì xin thuê đất và năm 2011 thì khởi công dự án. Thời điểm ấy, nhà đầu tư này được xem là một người hùng khi đã mạnh dạn lập ra một dự án bệnh viện đa khoa chất lượng cao, có thể sánh ngang bệnh viện hàng đầu của tỉnh Quảng Bình. Với suất đầu tư do chủ đầu tư đưa ra là 1.600 tỷ đồng và quy mô thực hiện trên thực tế lớn, khi tiến hành dự án thì xảy ra rủi ro với nhà đầu tư, gây ngưng trệ dự án. Về hướng xử lý, qua công tác kiểm tra công trường, chúng tôi nhận thấy lý do làm dự án bị chậm xuất phát từ nguồn vốn chứ không phải từ ý thức doanh nghiệp. Chủ đầu tư hiện đang hụt vốn để làm công trình, hiện họ báo cáo đang huy động thêm vốn để làm dự án. Nếu dự án tiếp tục ngưng trệ, không triển khai thì UBND tỉnh Quảng Bình sẽ ra thông báo thu hồi đất, và tiến hành xử lý phần tài sản trên đất đã xây dựng được theo luật định”.

Cùng đó, theo thông tin từ Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình) thì đầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh, các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đầu tư thực hiện dự án hoặc tiến độ thực hiện chậm.

Tại dự án Bệnh viện Đa khoa Bình An, đơn vị nhận thấy: Trên khu đất 15.000m2, chủ đầu tư đã cho xây lắp một số hạng mục, cấu kiện; tuy nhiên diện tích đất trống còn nhiều, mật độ xây dựng còn thấp. Đây là dự án xã hội hóa, nên được miễn tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP. Tuy vậy, đây là một dự án chậm tiến độ, qua làm việc với chủ đầu tư, được họ cho biết rằng do nguồn vốn chưa đủ, đang huy động thêm nên dự án bị gián đoạn. Với quy mô dự án đặt ra lớn, vốn đầu tư bị ngắt quảng nên nguy cơ đứt gánh giữa đường rất cao.

Ông Trần Phong - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm: “Khi kêu gọi đầu tư, điều mong muốn của tỉnh và các ban ngành địa phương là doanh nghiệp đầu tư dự án nhanh chóng, hiệu quả để góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, khi doanh nghiệp kéo dài thời gian triển khai dự án vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về yếu kém năng lực tài chính và khả năng triển khai dự án bằng không thì việc thu hồi là cần thiết”.

Việc nhà đầu tư đang nỗ lực tái khởi động dự án là điều đáng ghi nhận, được nhà quản lý quan tâm. Tuy nhiên, nếu quy mô dự án vượt quá năng lực tài chính gây nên áp lực cho chủ đầu tư, thì nay mai rất dễ bế tắc. Câu chuyện này rồi sẽ ra sao?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load