Thứ tư 05/02/2025 23:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Phù phép “biến” đất nhà thờ họ thành tài sản riêng?

08:57 | 21/09/2017

(Xây dựng) - Không biết bằng cách nào, đất nhà thờ họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân và chuyển nhượng? Cũng không biết bằng cách nào, đất đang có tranh chấp khiếu kiện mà vẫn được cấp phép xây dựng nhà kiên cố cao tầng? - Chuyện đang diễn ra ở phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.


Biên bản làm việc UBND phường Phố Huế ngày 26/12/2016.

Theo đơn kêu cứu của ông Nguyễn Trọng Huy và Nguyễn Trọng Tiến - đại diện của dòng họ Nguyễn, ngụ tại số nhà 20 ngõ 31 phố Yên Bái II, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Cụ tổ của hai ông là cụ ông Nguyễn Đình Giảng và cụ bà Nguyễn Thị Tích đã có di chúc phân chia đất cho con cháu, trong đó có mảnh đất số 464(4) mà trên tờ Phân sản có ghi rõ “mảnh đất số 464(4) trên có sẵn một ngôi nhà thờ tổ xây gạch lợp mái ngói, làm đã được mấy năm nay để làm đất chung nhà thờ tổ họ. Thửa đất ấy đứng tên chung ba người con trai là ông Nguyễn Trọng Khoát, ông Nguyễn Đình Nhàn và ông Nguyễn Đình Mẫn.

Thửa đất số 464(4) nêu trên bao gồm ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn và sân của nhà thờ đã được xác nhận của đại diện chính quyền thời bấy giờ là Sở Bảo thủ điền thổ Hà Nội đã được đứng tên của ba ông là ông Nguyễn Trọng Khoát, ông Nguyễn Đình Nhàn và ông Nguyễn Đình Mẫn cùng ngụ tại phố Thịnh Yên. Bất động sản này được đăng ký vào Sổ điền thổ Hà Nội quyển 6 tờ 140 số 1138 và Bằng khoán điền thổ tương ứng số 1138 đã ký ngày 27/08/1939 thuộc phố Thịnh Yên (Hà Nội), nay có địa chỉ mới là số nhà 20 ngõ 31 phố Yên Bái II, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Vào những năm 1963 và 1964, ông Nguyễn Trọng Kiền là con ông Nguyễn Trọng Khoát có làm đơn gửi Toà án nhân dân khu phố Hai Bà Trưng với yêu cầu phân chia lại thửa đất số 464(4). Sự việc đã được xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân khu phố Hai Bà Trưng và phúc thẩm tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội.  Lúc bấy giờ, tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã bác bỏ đơn kiện của ông Kiền. Theo Án hộ chung thẩm số 21 ngày 17/01/1964 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội: “Thửa đất số 464(4) trên có sẵn một nhà thờ tổ xây gạch lợp ngói để làm đất chung nhà thờ họ về kế vĩnh viễn đứng tên chung ba người con trai là Nguyễn Trọng Khoát, Nguyễn Đình Nhàn và Nguyễn Đình Mẫn”.

Trên thực tế mảnh đất trên được chi nhà ông Nguyễn Đình Mẫn và vợ là bà Nguyễn Thị Chắt trông coi và bảo quản từ năm 1948. Ông Mẫn và bà Chắt có ba người con trai lần lượt là ông Nguyễn Trọng Khải, ông Nguyễn Trọng Huy và ông Nguyễn Trọng Tiến.

Điều đáng nói, Trưởng nam là ông Nguyễn Trọng Khải và vợ là bà Trần Kim Oanh đã tự ý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chính chủ mảnh đất sân nhà thờ tổ họ Nguyễn theo thửa số 119 tờ bản đồ số 6H-IV-06 và ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn theo thửa số 118 tờ bản đồ số 6H-IV-06 mà không có ý kiến của dòng họ Nguyễn.

Cũng theo đơn kêu cứu của ông Nguyễn Trọng Huy và Nguyễn Trọng Tiến: Tháng 08/2003, ông Nguyễn Trọng Tiến có tiến hành xây ngôi nhà trên phần diện tích sử dụng riêng của ông Tiến tại địa chỉ số nhà 20 phố 339 (nay đổi tên thành số nhà 20 ngõ 31 phố Yên Bái II) phường Phố Huế. Mảnh đất ông Tiến xây dựng liền kề với mảnh sân nhà thờ tổ và ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn.

Trong tờ Đơn xin phép xây dựng, phần ý kiến của các hộ liền kề, ông Nguyễn Trọng Khải và ông Nguyễn Trọng Huy có ghi rõ: “Chúng tôi là Nguyễn Trọng Khải và Nguyễn Trọng Huy là hai anh trai của em tôi là Nguyễn Trọng Tiến. Chúng tôi thống nhất ý kiến ủng hộ em tôi làm lại nhà theo thiết kế và bảo đảm giữ gìn cảnh quan trước ngôi nhà thờ họ mà anh em chị em trong họ chúng tôi giao cho chúng tôi quản lý”.

Vậy nhưng, ông Nguyễn Trọng Khải và bà Trần Kim Oanh đã tự ý cho con gái là bà Nguyễn Kim Yến thửa đất số 119 tờ bản đồ số 6H-IV-06 trong đó có mảnh sân của nhà thờ tổ họ Nguyễn. Sau đó bà Yến lại bán một phần của thửa đất số 119 cho ông Nguyễn Đình Phương và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy.

Trước nguy cơ họ Nguyễn mất nhà thờ tổ, ông Nguyễn Trọng Huy và Nguyễn Trọng Tiến đã làm Đơn khiếu nại gửi UBND phường Phố Huế và UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị làm rõ tính pháp lý trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Trọng Khải và bà Trần Kim Oanh đối với mảnh đất nêu trên.

Theo đơn khiếu nại, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không tuân theo quy trình, thủ tục của nhà nước. Trong hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất, tất cả các chữ ký xác nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Trọng Khải và bà Trần Kim Oanh của anh chị em trong họ Nguyễn và của các hộ liền kề đều là chữ ký giả mạo. Ngày 19/10/2010 đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hai Bà Trưng đã cùng ông Huy và ông Tiến lập biên bản xác nhận sự việc này.

Do dòng họ Nguyễn đã có đơn khiếu nại gửi UBND quận Hai Bà Trưng nên một phần mảnh đất số 119 đứng tên ông Nguyễn Đình Phương và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nêu trên cũng có liên đới. Ông Nguyễn Đình Phương và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã có đơn khiếu nại gửi Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng. Thẩm phán Ngô Quốc Thanh đã tiến hành hòa giải, khi đó ông Nguyễn Trọng Khải, bà Trần Kim Oanh và bà Nguyễn Kim Yến có nhận thấy sai lầm nên đã cùng ông Tiến, ông Huy lập Biên bản tự thỏa thuận vào ngày 31/8/2011 với nội dung là Thửa đất số 118 thuộc tờ bản đồ số H6-IV-06 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB198358 và thửa đất số 119 tờ bản đồ số H6-IV-06 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC288193 “để thuận tiện cho việc sở hữu và sử dụng diện tích nhà thờ và sân trước nhà thờ thì chúng tôi thống nhất từ nay về sau vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu và sử dụng chung của cả ba ông Nguyễn Trọng Khải, Nguyễn Trọng Huy và Nguyễn Trọng Tiến; Nếu sau này phát sinh tranh chấp thì lấy văn bản này làm cơ sở để Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên sau đó, ông Nguyễn Trọng Khải, bà Trần Kim Oanh và bà Nguyễn Kim Yến đã thay đổi quyết định và không thực hiện theo Biên bản tự thỏa thuận này.

Đại diện dòng họ Nguyễn đã làm Đơn khiếu nại gửi UBND phường Phố Huế từ ngày 10/08/2010 và gửi UBND quận Hai Bà Trưng từ ngày 13/08/2010. Ngày 19/10/2010, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hai Bà Trưng đã xác nhận có sự sai phạm trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 08/11/2012 tại UBND phường Phố Huế, đại diện của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hai Bà Trưng, UBND phường Phố Huế và đại diện dòng họ Nguyễn đã có buổi làm việc và lập nên Biên bản làm việc.  Trong biên bản này, ông Huy và ông Tiến đã đề nghị cơ quan nhà nước tách riêng phần nhà thờ và sân nhà thờ tổ họ Nguyễn để làm nơi thờ tự của dòng họ. Đại diện UBND phường Phố Huế cũng thống nhất nội dung đề nghị của ông Huy và ông Tiến trình bày và đề nghị Văn phòng đăng ký đất báo cáo UBND quận xem xét hiệu chỉnh lại giấy chứng nhận đã cấp đối với gia đình ông Nguyễn Trọng Khải và bà Nguyễn Kim Yến theo quy định.


Quyết định Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng ngày 18/6/2012.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Đại diện dòng họ Nguyễn đã nhiều lần gặp và yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hai Bà Trưng giải quyết sự việc nhưng vẫn chưa có kết quả. Nguy cơ dòng họ Nguyễn mất nhà thờ tổ đang hiện hữu nếu ông Nguyễn Trọng Khải, bà Trần Kim Oanh và bà Nguyễn Kim Yến bán nốt phần đất còn lại.

7 năm đã trôi qua, những khiếu nại chính đáng của dòng họ Nguyễn vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết. Điều đáng nói, mặc dù cả UBND quận Hai Bà Trưng, Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND phường Phố Huế đều biết sự việc thửa đất sân nhà thờ tổ họ Nguyễn đang có tranh chấp khiếu nại nhưng không hiểu bằng cách nào mà gia đình ông Phương vẫn xin được cấp phép xây dựng nhà kiên cố trên thửa đất này. Điều đó đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, có hay không việc bao che cho những sai phạm để biến đất nhà thờ họ thành tài sản riêng như đã nói ở trên, cũng nhưng trà đạp lên mong ước của cả một dòng họ về truyền thống được thờ cúng tổ tiên trên chính mảnh đất do cha ông để lại?

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load