Thứ năm 01/08/2024 15:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phế tích tháp Đại Hữu và những giá trị lịch sử, văn hóa

10:25 | 01/08/2024

(Xây dựng) - Phế tích tháp Đại Hữu tọa lạc trên đỉnh núi Đất, thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định được khai quật đợt 2 vào tháng 5 – 7/2024 đã làm rõ mặt bằng kiến trúc, từ đó làm sáng tỏ thêm về quy mô kiến trúc và giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích tháp Đại Hữu trong dòng chảy lịch sử.

Phế tích tháp Đại Hữu và những giá trị lịch sử, văn hóa
Toàn cảnh hố khai quật năm 2024.

Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật phế tích tháp Đại Hữu với diện tích 200m2. Kết quả khai quật đã xuất lộ một phần thân và lòng tháp, cùng với đó là số lượng lớn các hiện vật chất liệu gốm, đá và kim loại. Tuy nhiên, nhiều bộ phận kiến trúc của ngôi tháp vẫn chưa được khai quật như phần còn lại tường tháp phía Nam và Bắc, toàn bộ tường tháp phía Tây, cửa ra vào của ngôi tháp ở phía Đông và toàn bộ phần chân đế tháp vẫn còn nằm dưới lòng hố khai quật chưa được xuất lộ.

Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ đợt 2 phế tích tháp Đại Hữu do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức, TS Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Hố khai quật năm 2024 được mở tại đỉnh phía Bắc của núi Đất. Dựa trên kiến trúc được xuất lộ trong hố khai quật năm 2023, đoàn khảo cổ tiến hành đào mở rộng thêm về cả bốn hướng với diện tích là 300m2. Qua hai đợt khai quật tổng diện tích khai quật tại phế tích tháp Đại Hữu là 500m2.

Theo TS Phạm Văn Triệu, cuộc khai quật phế tích tháp Đại Hữu năm 2024 đã xuất lộ toàn bộ phần thân tháp, nền móng tiền sảnh phía Đông, nền móng chân đế phía Bắc và một phần nền móng chân đế phía Nam và Tây.

Phế tích tháp Đại Hữu và những giá trị lịch sử, văn hóa
Những hiện vật được khai quật.

Qua kết quả của hai đợt khai quật cho thấy phế tích tháp Đại Hữu có bình đồ hình vuông với thân tháp là 9,8m x 9,8m; phần nền móng chân đế tháp là 12,7m x 12,7m. Lòng tháp có bình đồ mỗi cạnh dài 3,8m x 3,8m; Tháp có cửa ra vào tại hướng Đông với phần tiền sảnh dài 6,42m và hệ thống cửa giả. Đây là dấu vết của một kiến trúc tháp Champa có quy mô lớn của vùng đất Vijaya trong lịch sử. Quá trình khai quật còn phát hiện được số lượng 156 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau. Về chất liệu đá, có ba loại là đá cát kết, đá hoa cương và đá ong. Trong đó, những hiện vật có trang trí được tạc trên đá cát kết, bao gồm các loại hình sau: Bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, tượng hình động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen…

Cùng với đó, phát hiện được 522 hiện vật chất liệu đất nung (chưa tính hiện vật gạch). Qua thống kê, tổng số lượng hiện vật thu được trong đợt khai quật phế tích tháp Đại Hữu lần thứ hai là 678 hiện vật.

Phế tích tháp Đại Hữu và những giá trị lịch sử, văn hóa
Hố thiêng trong lòng tháp.

Nói về kỹ thuật xây dựng, TS Phạm Văn Triệu cho hay: Phế tích tháp Đại Hữu được xây dựng trên đỉnh núi với bề mặt là đá. Trước khi xây dựng tháp người Champa đã đục những tảng đá để tạo mặt bằng nhất định. Tiếp theo người thợ cho một lớp đất mỏng đầm nện chặt, lớp này có tác dụng ổn định phần móng và mặt bằng, rồi tiến hành cho xây gạch và đá lên. Hệ thống móng tháp được sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau: Gạch, đá ong, đá hoa cương, đá cát kết...

Cũng theo TS Phạm Văn Triệu, phế tích tháp Đại Hữu có quy mô lớn, bình đồ hình vuông có cửa giả, tương tự các công trình kiến trúc tháp Champa tại Bình Định. Đây là kiến trúc được xây dựng theo truyền thống kiến trúc tháp Champa. Vật liệu xây dựng được sử dụng đá ong là loại hình vật liệu ảnh hưởng từ kiến trúc trong văn hóa Khmer, sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc thời kỳ Vijaya.

“Phế tích tháp Đại Hữu cùng với các kiến trúc tôn giáo đồng đại như: Tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, tháp Thủ Thiện, phế tích Tháp Mắm là những công trình kiến trúc to lớn với trang trí mỹ thuật đẹp, phản ánh lịch sử vương quốc Champa thời kỳ này chính trị ổn định, kinh tế phát triển, nhu cầu đời sống tôn giáo được tăng lên. Bên cạnh việc xây dựng các công trình tôn giáo, sự xuất hiện các lò gốm cổ và qua những ghi chép trên minh văn Champa càng chứng minh hơn sự thịnh vượng của vương quốc giai đoạn giữa thế kỷ 13”, TS Phạm Văn Triệu cho hay.

Nói về quá trình triển khai thực hiện khai quật phế tích, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định cho biết: Trong quá trình triển khai, khai quật có một số vấn đề khó khăn, nhưng có sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan nên công tác khai quật phế tích tháp Đại Hữu rất thuận lợi. Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định theo dõi, chỉ đạo rất sát đợt khai quật lần này, lãnh đạo Sở cũng đến tận nơi để thực địa vị trí khai quật.

Phế tích tháp Đại Hữu và những giá trị lịch sử, văn hóa
Các đại biểu tham quan các hiện vật khai quật tại Bảo tàng Bình Định.

Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định sẽ cho tạm dừng việc khảo cổ ở phế tích tháp Đại Hữu, vì với kết quả thực hiện khai quật năm 2023 và 2024 đã xuất lộ, có cơ sở để nghiên cứu trong thời gian tới nên dùng kinh phí để khai quật các điểm phế tích khác. Sau đó, tiến hành hoàn thổ để bảo vệ phế tích. Đồng thời, cần xây dựng hồ sơ để bảo vệ phế tích.

Liên quan đến việc bảo tồn các di tích đã xuất lộ, TS Phạm Văn Triệu mong muốn, cấp thiết có thể dùng vải bạt 2 lớp che phủ di tích để chống lại hiện tượng rêu mốc. Còn về lâu dài, thực hiện đầu tư xây dựng nhà mái che trên toàn bộ mặt bằng của khu di tích, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu thoát nước bảo vệ di tích.

Theo TS Phạm Văn Triệu, di tích tháp Đại Hữu nằm trên núi cao, do vậy, việc bảo tồn di tích sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi như: Không bị đọng nước khi mưa, không có nước ngầm... do đó điều kiện đất khô ráo, thuận lợi cho việc trưng bày di tích ngoài trời, nhằm phục vụ cho việc phát huy giá trị lịch sử văn hóa tại chỗ, tham quan, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục lịch sử văn hóa.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
  • Xây dựng Festival Huế 2024 trải dài 4 mùa với chuỗi lễ hội đặc sắc

    (Xây dựng) - Festival Huế 2024 được tổ chức theo định hướng bốn mùa, mở đầu bằng Lễ Ban sóc vào 01/01/2024 và kết thúc bằng chương trình Countdown vào 31/12/2024, trong đó điểm nhấn chính là Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 07 – 12/6/2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load