Thứ bảy 21/12/2024 19:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tăng cường giao thương giữa tỉnh Sơn La và nước Lào

10:33 | 11/10/2024

(Xây dựng) - Tỉnh Sơn La có 250 km đường biên giới, giáp hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang của nước bạn Lào, có quan hệ gắn bó mật thiết và hợp tác với 8 tỉnh Bắc Lào. Chính vì vậy, việc thúc đẩy hạ tầng thương mại biên giới giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Sơn La.

Phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tăng cường giao thương giữa tỉnh Sơn La và nước Lào
Cửa khẩu Chiềng Khương, Sơn La là nơi giao thương nhộn nhịp giữa Việt Nam và Lào. (Ảnh: Kim Oanh)

Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Việt Nam, nằm cách Thủ đô Hà Nội 320 km trên trục Quốc lộ 6. Tỉnh có diện tích 14.109,83 km² đứng thứ 3 cả nước. Phía Nam của tỉnh tiếp giáp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Huaphanh) - Lào, phía Tây Nam giáp tỉnh Luông Pha Bang (Luangprabang) - Lào. Sơn La có đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào dài 274,065 km, với 06 huyện biên giới: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp với 17 xã giáp biên và có trên 90 nghìn nhân khẩu tại các xã biên giới.

Tỉnh có Sơn La có 1 cửa khẩu Quốc tế là Cửa khẩu Lóng Sập (huyện Mộc Châu), 1 Cửa khẩu Quốc gia là cửa khẩu Chiềng Khương (huyện Sông Mã), 2 cửa khẩu phụ là cửa khẩu phụ Nà Cài (huyện Yên Châu) và cửa khẩu phụ Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp) và 07 đường mòn, lối mở. Số hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện biên giới lên đến gần 4.000 hộ.

Hoạt động thương mại biên giới giữa Sơn La với các tỉnh của nước CHDCND Lào tuy còn gặp nhiều hạn chế, trong đó có hạ tầng, tuy nhiên đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và đời sống của cư dân biên giới.

Nhận thấy việc thúc đẩy hạ tầng thương mại biên giới giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Sơn La đã quan tâm và có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá của cư dân khu vực biên giới.

Phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tăng cường giao thương giữa tỉnh Sơn La và nước Lào
Cửa khẩu Lóng Sập sẽ được chi hơn 80 tỷ đồng để nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. (Ảnh: Sa Trọng Thời)

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND tỉnh Sơn La ban hành, mục tiêu đặt ra là thúc đẩy hợp tác, phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh giáp biên giới của Lào; thu hút và xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

Trong đó chú trọng thu hút đầu tư các trung tâm, khu tổ hợp dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu Lóng Sập, Chiềng Khương nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu; khuyến khích phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển thương mại biên giới; xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển thương mại biên giới.

Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tăng cường giao thương giữa Sơn La và các địa phương lân cận của nước bạn Lào.

Phát triển hạ tầng và thương mại biên giới trong những năm qua cũng đã góp phần lớn trong việc duy trì ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Trong đó, công tác quản lý, theo dõi xuất nhập cảnh người và phương tiện của lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các chợ biên giới cũng đã được duy trì một cách ổn định, có hiệu quả.

Phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tăng cường giao thương giữa tỉnh Sơn La và nước Lào
Chợ phiên biên giới xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, được tổ chức mỗi năm một lần. (Ảnh minh hoạ)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đang có 05 xã khu vực biên giới đã được đầu tư xây dựng chợ gồm: Xã Chiềng Khương - huyện Sông Mã, xã Phiêng Khoài - huyện Yên Châu; xã Chiềng Sơn - Huyện Mộc Châu, xã Mường Lạn - huyện Sốp Cộp, xã Chiềng Khừa - huyện Mộc Châu. Trong đó có 02 chợ (Chợ Chiềng Khừa và chợ Mường Lạn) hoạt động không hiệu quả nên đã chuyển đổi mục đích sử dụng và 03 chợ đang hoạt động (Chợ Chiêng Khương, Chợ Phiêng Khoài, Chợ Chiêng Sơn). 12 xã còn lại đã được quy hoạch chợ tuy nhiên do điều kiện kinh tế hạn chế, dân cư thưa thớt nên chưa được đầu tư xây dựng chợ, mà mới chỉ có các điểm họp chợ tự phát với số lượng người mua bán, trao đổi hàng hóa ít.

Chợ biên giới Chiềng Sơn thuộc địa bàn xã biên giới Chiềng Sơn - huyện Mộc Châu được đầu tư xây dựng năm 2005 và đưa vào bàn giao sử dụng năm 2007, với tổng mức đầu tư là 5.724,4 triệu đồng thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn hỗ trợ các xã biên giới, loại hình chợ kiên cố. Hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu.

Phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tăng cường giao thương giữa tỉnh Sơn La và nước Lào
Chợ biên giới Chiềng Sơn thuộc địa bàn xã biên giới Chiềng Sơn - huyện Mộc Châu.

Chợ biên giới Chiềng Khương thuộc địa bàn xã biên giới Chiềng Khương - huyện Sông Mã được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2245/QĐ-UBND ngày 21/9/2007 của UBND tỉnh Sơn La về việc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Chợ Thị tứ Chiềng Khương.

Với tổng vốn đầu tư xây dựng 4.948,8 triệu đồng (trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 3.500 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp 1.474,8 triệu đồng). Loại hình là chợ kiên cố. Chợ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân biên giới.

Chợ biên giới Phiêng Khoài thuộc địa bàn xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Chợ được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 1997. Do cư dân địa phương tự tụ hợp, tự đóng góp dựng thành chợ. Số Hộ kinh doanh thường xuyên trong chợ khoảng 50 hộ. Kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yêu phục vụ người dân khu vực trung tâm cụm xã và các vùng lận cận. Đến năm 2017 chợ được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương.

Số lượng thương nhân thường xuyên kinh doanh, buôn bán tại các chợ biên giới trung bình từ 30 đến 50 hộ. Cán bộ, nhân viên cửa khẩu luôn thực hiện tốt quy trình thủ tục, kiểm tra, kiêm soát, giám sát việc xuất, nhập cảnh, tạo điêu kiện thuận lợi cho lưu thông biên giới theo đúng quy định của pháp luật mỗi nước, qua đó phối hợp kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập khẩu đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load