Kỳ I: Công trình xanh đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng…
(Xây dựng) – Các công trình xây dựng chiếm khoảng 30% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc trong quá trình xây dựng và vận hành. Do vậy, việc thúc đẩy phát triển công trình xanh (CTX) với các giải pháp tiết kiệm năng lượng chính là một trong những giải pháp phát triển bền vững, góp phần thực hiện chuyển đổi xanh ngành Xây dựng, chuyển đổi xanh nền kinh tế Quốc gia và hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050.
Tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place tại Hà Nội đạt chứng chỉ công trình xanh LEED Gold. Trong quá trình vận hành, chủ đầu tư cam kết với EVN Hà Nội, tiếp tục tiết kiệm 3 - 5 % năng lượng. |
Công trình xanh tại Việt Nam phát triển ra sao?
Theo Hội đồng CTX Thế giới, CTX là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường.
Tại Việt Nam, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của dự án đầu tư xây dựng, đã “định nghĩa” CTX (green building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Phát triển CTX cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/03/2019. Theo đó, đến năm 2025, cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận CTX, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đến năm 2030, mục tiêu được tăng lên 150 CTX.
Đề cập đến sự phát triển CTX tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết quý II/2023, cả nước đã có hơn 300 CTX được đánh giá và chứng nhận, bởi các hệ thống tiêu chuẩn gồm LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam; LEED của Hội đồng CTX Mỹ; EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Ngân hàng Thế giới; GREEN MARK của Hội đồng CTX Singapore, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 7 triệu m2. Việt Nam đang xếp thứ 28 trên thế giới về số lượng CTX được chứng nhận theo tiêu chuẩn LEED.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhận định: Con số nói trên quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu của VNEEP3 thì ngay tại thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện đạt gấp đôi chỉ tiêu phát triển CTX đến năm 2030. Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định: Chứng tỏ tiềm năng phát triển CTX ở nước ta rất lớn, nhưng vẫn cần phải có giải pháp khuyến khích và hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy phát triển CTX đúng với tiềm lực đang có.
“Chúng tôi hy vọng khi tổng kết giai đoạn 1 VNEEP3, con số CTX sẽ còn tăng cao. Trên cơ sở đó, sẽ đề ra mục tiêu phát triển CTX cao hơn cho giai đoạn 2026 – 2030”, ông Vũ nói.
Khối đầu tư tư nhân vào cuộc sôi nổi, khối đầu tư công e dè
Có một điều dễ nhận ra là sự phát triển CTX ở Việt Nam có được sự vào cuộc khá mạnh mẽ của các doanh nghiệp khối tư nhân.
Mức độ sử dụng năng lượng của tòa nhà Capital Place được công bố công khai trên màn hình điện tử đặt tại đại sảnh. Mức độ sử dụng năng lượng được cập nhật thường xuyên, có bảng so sánh với chỉ số của tháng trước, năm trước, mục đích để các khách hàng, người làm việc tại tòa nhà biết, từ đó có ý thức hơn, chủ động hơn trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng… |
Ông Patrick Liau - Tổng Giám đốc khu vực miền Bắc Tập đoàn CapitaLand cho biết: CapitaLand đang đầu tư nhiều CTX xanh ở Việt Nam. 80% các tòa nhà trong danh mục đầu tư của CapitaLand đều đã được chứng nhận CTX. CapitaLand tự đề xuất mục tiêu và tập trung phát triển các công trình đều hướng tới tiêu chuẩn CTX, hệ sinh thái xanh. CapitaLand cũng có các chỉ tiêu về phát triển bền vững để đóng góp vào cam kết phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050…
Ông Hà Tất Thắng - Phó Tổng Giám đốc Capital House thì chia sẻ: Capital House có sứ mệnh kiến tạo cuộc sống xanh. Việc thực hiện đầu tư phát triển CTX cũng là mục tiêu Capital House hướng tới. Đến nay, Capital House đã phát triển hơn 10 CTX, đa phần là dự án nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Minh Hà - Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest cũng cho biết: Văn Phú Invest hiện đang phát triển một số công trình xanh. 2 trong số công trình đó được chứng nhận CTX EDGE. Dựa vào các bộ tiêu chuẩn CTX của LEED, LOTUS, EDGE, Văn Phú Invest còn xây dựng các tiêu chuẩn riêng cho doanh nghiệp của mình để luôn bảo đảm phát triển CTX đúng hướng…
Đại diện các doanh nghiệp nói trên đều cho biết đơn vị vẫn đang tiếp tục phát triển các dự án xanh, CTX. Điều này đồng nghĩa, trong tương lai gần, số lượng các CTX tại Việt Nam sẽ tăng lên…
Trái ngược với sự vào cuộc sôi nổi khối tư nhân, khối đầu tư công phát triển CTX dè dặt hơn nhiều. Hiện chỉ có khoảng 2% trong số hơn 300 CTX được công nhận là dự án đầu tư công.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là bởi các dự án đầu tư công phải thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo định mức, đơn giá Nhà nước. Trong khi, các định mức, đơn giá này được xây dựng cho những công trình thông thường, không có chi phí tư vấn đầu tư xanh, không có định mức cho các vật liệu xanh, công nghệ thông minh, hiện đại, tiết kiệm năng lượng… sử dụng trong CTX.
Công trình xanh đem lại lợi ích gì?
Đối với doanh nghiệp, hiệu quả dòng tiền rất quan trọng. Trong đầu tư CTX cũng vậy, phải đem lại lợi ích thì mới hấp dẫn doanh nghiệp tham gia.
Vậy CTX đem lại lợi ích gì? Công trình Ngôi nhà xanh Một Liên hợp quốc (GOUNH) được Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cấp chứng nhận CTX LOTUS Bạch Kim (hạng cao nhất), năm 2017, ghi nhận các giải pháp thiết kế, sử dụng vật liệu và ứng dụng công nghệ “xanh” giúp công trình giảm mức sử dụng năng lượng 28,8%; giảm mức sử dụng nước 44%; Tái sử dụng kết cấu có sẵn lên đến 94%; Tỷ lệ diện tích mái xanh đạt 35%; Diện tích cảnh quan hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt lên đến 77%; Pin quang điện sản xuất được 110.000kwh/năm…
Khi đó, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Chủ tịch HĐQT GOUNH nhấn mạnh: Ngôi nhà xanh Liên hợp quốc tại Hà Nội được đầu tư với mục tiêu quan trọng là xây dựng một mô hình thể hiện khả năng tồn tại của các tòa nhà bền vững sáng tạo ở Việt Nam. Với cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, GOUNH đã giúp và tiếp tục thực hiện Mục tiêu 7 của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang "năng lượng phù hợp, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại”.
Hiệu suất làm việc của cán bộ nhân viên Saint Gobain tại văn phòng xanh nằm trong CTX được cho là tăng lên 20%... |
Tương tự, dự án trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đạt chứng nhận công trình xanh LOTUS hạng Bạc, kết quả mô phỏng công trình tại thời điểm hoàn công cho thấy công trình tiết kiệm đến 49,7% năng lượng, 48,8% nước so với một công trình tương đương xây dựng theo quy chuẩn 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả…
Còn với công trình trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel, được Hội đồng Công trình xanh Mỹ đã cấp chứng nhận CTX LEED, hạng Vàng; được Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023, hạng mục Kiến trúc công cộng), Thượng tướng Hà Quang Huy - Giám đốc Công ty Quản lý Tài sản Viettel cho biết: Từ tổng quan đến chi tiết, mọi thiết kế của công trình đều đảm bảo đạt ba tiêu chí vàng của CTX, phát triển bền vững gồm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, gần gũi thiên nhiên… “Đầu tư phát triển CTX chính là đầu tư cho tương lai”, vị đại diện Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Hà - Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest thì cho rằng: Về mặt tổng thể và dài hạn, đầu tư CTX chắc chắn đem lại nhiều lợi ích, không chỉ cho khách hàng mà còn cho cả chủ đầu tư như tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí vận hành; nâng cao tính bền vững cho công trình thông qua việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường…
Tùy phân khúc khách hàng, chủ đầu tư có thể áp dụng đầu tư CTX để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm bất động sản, từ đó có giá bán tốt hơn. Đây đồng thời cũng là chìa khóa để khai thác truyền thông thương hiệu cho chủ đầu tư.
Ông Đặng Văn Thắng - Quản lý vận hành tòa nhà Capital Place tại Hà Nội, đạt chứng chỉ LEED hạng vàng của Tập đoàn CapitaLand thẳng thắn chia sẻ lợi ích “sát sườn” của việc đầu tư CTX. Theo đó, chỉ khi công trình có chứng nhận CTX quốc tế thì các thương hiệu lớn trên toàn cầu như Standard Chartered, HSBC hay Microsoft mới đến thuê đặt văn phòng.
“Khi áp dụng các giải pháp đạt tiêu chuẩn CTX LEED, tiêu hao năng lượng điện trong tòa nhà giảm 12%. Hiện nay, riêng chi phí tiền điện của tòa nhà khoảng 3 tỷ đồng/tháng. Giảm 12%, tương đương mỗi tháng tiết kiệm hơn 360 triệu đồng. Nếu tính cả vòng đời vận hành công trình thì số tiền điện tiết kiệm rất lớn…”, ông Thắng phân tích.
Không chỉ có thế, chủ đầu tư Capital Place đã cam kết với EVN Hà Nội tiếp tục tiết giảm 3 - 5% năng lượng điện trong quá trình vận hành công trình.
Còn đối với người hưởng thụ, sử dụng CTX thì sao? Bác Nguyễn Thị Lý, cư dân của tòa nhà Ecohome 3, đạt chứng chỉ CTX EGDE, bày tỏ hài lòng khi cho biết: “Hàng tháng, chúng tôi giảm được gần 30% phí hóa đơn sử dụng điện, nước so với công trình thông thường”.
Ông Philip Đặng Minh Phương - Giám đốc điều hành Saint Gobain Việt Nam khu vực phía Bắc tiết lộ: Qua thống kê nội bộ, kể từ khi chuyển về làm việc trong văn phòng Saint Gobain tại Hà Nội, đạt chứng chỉ CTX LEED hạng Bạch Kim, trong tòa nhà Capital Place đạt chứng chỉ CTX LEED hạng vàng (tức văn phòng xanh nằm trong CTX), hiệu suất làm việc của nhân viên tăng lên 20%...
Các ví dụ trên cho thấy, việc phát triển công trình xanh có nhiều lợi ích. Một trong những lợi ích thiết thực nhất chính là tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và vận hành công trình. Việc giảm mức chi phí điện, nước, chính là tiết kiệm tiền cho người sử dụng…
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đưa vào thực hiện. “Phát triển CTX chính là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện chuyển đổi xanh nền kinh tế Quốc gia và hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định. |
Đại Phong
Theo