Thứ sáu 26/04/2024 06:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nông thôn mới trên quê hương Nghi Lộc

23:02 | 22/03/2022

(Xây dựng) - Nghi Lộc là huyện nằm ở cửa ngõ của thành phố Vinh (Nghệ An), nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Vùng đất này cũng đang đổi thay từng ngày sau 10 năm (2012 - 2022) triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM).

nong thon moi tren que huong nghi loc
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc

Về Nghi Lộc những ngày đầu Xuân, trong sắc màu lấp lánh của nắng, chúng tôi nhận thấy những khu dân cư, trường học, bệnh viện,… đang hiện lên khang trang, hiện đại trong một khung cảnh tươi sáng, yên bình và phát triển. Rõ ràng, bộ mặt nông thôn các xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã có nhiều thay đổi tích cực. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các công trình đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả… Kết quả này, chắc chắn sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025.

Đem những nhận xét tích cực về NTM ở huyện Nghi Lộc, với cảm nhận về một vùng đất đang đổi thay từng ngày, để cùng trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện, người trực tiếp chỉ đạo triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM của huyện. Chúng tôi được anh cho biết, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc đều rất vui mừng khi thấy diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay. Các gia đình trong huyện đang cùng nhau hăng hái thi đua xây dựng đời sống văn hóa, thi đua lao động sản xuất, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống.

nong thon moi tren que huong nghi loc
Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Kinh tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên: Giai đoạn 2010-2020 tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, thiên tai dịch bệnh thường xuyên và có nhiều diễn biến bất thường, đặc biệt là đại dịch COVID-19, Chính phủ thắt chặt đầu tư công đã ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở nên tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10 năm luôn duy trì ở mức khá cao, giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng bình quân đạt 10,16 %, giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân đạt 12,53%, năm 2020 đạt 5,85 %; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, năm 2020 đạt 439,458 tỷ đồng; có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD góp phần nâng cao thu nhập; tỷ lệ việc làm qua đào tạo có việc làm đạt 70%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17% năm 2010 còn 0,81% năm 2020; 100% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,92 triệu đồng năm 2010 đến năm 2020 đạt 47 triệu đồng, trong đó khu vực nông thôn đạt 46,545 triệu đồng/người/năm.

nong thon moi tren que huong nghi loc
Mô hình trồng cam năng suất cao trên địa bàn xã Nghi Diên.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Nghi Lộc quan tâm, đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển: Nếu như vào năm 2010, huyện chỉ có một tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua với chiều dài 20 km, đến năm 2019 có 03 tuyến đường Quốc lộ, 06 tuyến Tỉnh lộ với chiều dài 180 km đi qua địa bàn huyện. Huyện cũng đầu tư làm mới được trên 710 km đường nhựa, bê tông; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã thuận lợi; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; xây mới, sữa chữa 2.054 phòng học, chức năng ở các cấp học; xây mới 15 trạm y tế; đầu tư xây dựng 09 nhà máy nước sạch, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy lên 72,6%.

Sản xuất nông nghiệp của huyện cũng chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất: Hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, kết hợp nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng; Tích cực đưa một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như lúa, rau màu, dưa hấu, dưa chuột, dưa lưới, hành tăm vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất rau tập trung với diện tích hơn 100 ha; xây dựng 8 mô hình sản xuất trong nhà lưới ở xã Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá, Khánh Hợp với diện tích trên 40.000 m2 áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, gieo trồng trong giá thể;...

Công tác xúc tiến thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đạt kết quả cao, đã có 09 doanh nghiệp vào liên kết sản xuất với gần 200 mô hình, diện tích liên kết sản xuất hàng năm đạt gần 2.000 ha lúa; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, gia trại phát triển nhanh toàn huyện có 310 trang trại, gia trại.

nong thon moi tren que huong nghi loc
Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Nghi Công Bắc.

Về y tế, giáo dục, Nghi Lộc có bước phát triển toàn diện: Cơ sở vật chất y tế tiếp tục đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân nhân trên địa bàn, đến nay đã có 28/28 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, bệnh viện đa khoa huyện được công nhận bệnh viện hạng 2; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92%; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đủ điều kiện theo quy định; chương trình phòng chống suy dinh dưỡng được triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp/còi còn 11,9%, giảm 2,6% so với năm 2015.

Chất lượng phổ cập giáo dục và chống mù chữ trên địa bàn ngày được nâng cao, đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi một cách vững chắc, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đạt mức độ 2, Xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 89,88% (80/89 trường); công tác hướng nghiệp dạy nghề được chú trọng; trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc thường xuyên đạt 93,5%.

Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện trên các lĩnh vực góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế địa phương: Công tác thu hút đầu tư được đổi mới từ khâu tổ chức gặp gỡ, mời gọi, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, cơ hội đầu tư của huyện. Số lượng và quy mô các dự án đầu tư ngày càng tăng.

Trong 10 năm đã thu hút được 1.796 dự án đầu tư vào địa bàn huyện với tổng vốn đầu tư 23.688 tỷ đồng, trong đó có 1.680 dự án đầu tư từ ngân sách cấp trên với nguồn vốn 11.282 tỷ đồng; thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư 116 dự án với kinh phí đầu tư 12.009 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5.300 tỷ đồng. Đến nay đã có 83 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Thu hút đầu tư đã và đang tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghi Lộc.

nong thon moi tren que huong nghi loc
Mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Nghi Trường.

Huyện thực hiện các cơ chế và triển khai huy động nguồn lực trong xây dựng NTM hiệu quả: Xác định xây dựng NTM trong đó người dân là chủ thể và Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ để triển khai thực hiện. Ngay từ đầu, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành các cơ chế chính sách, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách cấp trên để huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện trong xây dựng NTM.

Toàn huyện hỗ trợ đã hỗ trợ 2.352,283 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 95.210 tấn xi măng (tỉnh hỗ trợ 55.258 tấn, huyện hỗ trợ 39.952 tấn, giá trị khoảng 123,773 tỷ đồng) cho các địa phương. Từ việc hỗ trợ bằng xi măng đã huy động được khá lớn nguồn lực từ nhân dân và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác, tạo điều kiện người dân tự chủ hơn trong việc triển khai thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ đó thúc đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện, góp phần hạn chế nợ đọng trong xây dựng NTM.

Phong trào xây dựng NTM đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia rất tích cực của người dân. Đây có thể coi là một trong những thành công trong xây dựng NTM ở Nghi Lộc. Trong tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM là 6.047.000 triệu đồng, thì nhân dân đóng góp 1.487.562 triệu đồng, chiếm 24,6%. Việc huy động sức dân được thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai.

Có thể thấy, công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho huyện Nghi Lộc và niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong thời gian tới, để duy trì, giữ vững và phát triển các tiêu chí xây dựng NTM đã đạt chuẩn, Đảng bộ và chính quyền huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Chúng tôi rời Nghi Lộc với một niềm tin tưởng rằng, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã, đang và sẽ tiếp tục thổi những luồng sinh khí mới đến vùng đất này, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Lệ Thủy – Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load