Sau 5 lần đối thoại trực tiếp với công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành ban hành nhiều chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tháng Công nhân hàng năm là dịp để các cấp công đoàn tăng cường chăm lo cho đội ngũ công nhân, lao động; nắm rõ thực trạng quan hệ lao động, từ đó có những kiến nghị, đề xuất, nhằm xây dựng chế độ, chính sách tốt hơn cho người lao động.
Đây thực sự là ngày hội lớn được công nhân náo nức mong chờ, bởi họ có nhiều cơ hội được tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, để bày tỏ những nguyện vọng chính đáng của mình.
Sau 5 lần đối thoại trực tiếp với công nhân trên toàn quốc thông qua đề xuất, tham mưu của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành ban hành nhiều chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động...
Chính phủ quan tâm hơn đến người lao động
Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với 3.000 công nhân đại diện cho người lao động 8 ở tỉnh phía Nam vào năm 2016, tại tỉnh Đồng Nai. Những kiến nghị liên quan đến vấn đề tiền lương, bảo hiểm, y tế, chế độ chính sách, nhà ở... được công nhân trực tiếp chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ.
Sau khi lắng nghe những đề xuất chính đáng, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, lực lượng công nhân còn rất nhiều khó khăn cần Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương chung tay giúp đỡ; nhu cầu của công nhân, lao động rất thiết thực, họ không chỉ cần có vật chất mà cần có cả tinh thần.
Từ thực tế trên, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành những cơ chế, chính sách, giúp cho công nhân, lao động đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc...
Cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công nhân, lao động trên toàn quốc. Những năm sau đó, Thủ tướng tiếp tục gặp gỡ với người lao động tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, miền Trung...
Không chỉ có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham gia, nhiều doanh nghiệp lớn cũng có mặt tại những buổi gặp gỡ để trực tiếp lắng nghe ý kiến, chia sẻ từ phía công nhân.
Chương trình "Đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân" trở thành điểm nhấn quan trọng trong Tháng Công nhân hằng năm, được người lao động trên toàn quốc háo hức đón chờ.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, 5 năm gần đây, Tổng Liên đoàn đã tham mưu Thủ tướng đến gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe công nhân. Đây là hoạt động có tính chất điển hình, để lại cho công nhân, lao động cả nước và cán bộ công đoàn rất nhiều ấn tượng, là một trong những điểm nhấn của Tháng Công nhân.
"Thủ tướng đã lắng nghe công nhân, lao động nói về những bức xúc, mong muốn và cả khát vọng cống hiến của họ. Đó là hoạt động thực sự ý nghĩa, tạo thêm niềm tin cho người lao động về một Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Nhiều vấn đề của công nhân được giải quyết
Sau 5 lần Thủ tướng Chính phủ đối thoại với hàng vạn lao động, đại diện cho giai cấp công nhân trên toàn quốc, có thể thấy, nhà ở luôn là vấn đề quan tâm nhất của công nhân. Từ nhu cầu chính đáng đó, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương phải quy hoạch các khu đất để xây dựng chung cư, căn hộ bán hoặc cho công nhân thuê; Chính phủ sẽ có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc của công nhân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đảm bảo an ninh trật tự ở các khu nhà trọ công nhân, khu công nghiệp, đặc biệt là đảm bảo an toàn cháy nổ. Một việc quan trọng được Thủ tướng đưa ra trong các cuộc đối thoại, đó là có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật, lao động lớn tuổi. Thủ tướng kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay chăm sóc đời sống công nhân, lao động ngày một tốt hơn.
Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng được 50 thiết chế của công đoàn (bao gồm: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao) phục vụ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp.
Đến nay, có 3 tỉnh Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang đã triển khai dự án đầu tư xây dựng 3 thiết chế của công đoàn, các tỉnh còn lại đang xây dựng chủ trương đầu tư, kế hoạch thực hiện...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương đã tiến hành tăng cường quỹ nhà ở xã hội, nhất là ở khu vực có đông công nhân, lao động, nhiều khu công nghiệp đã hoàn thành nhà ở cho người lao động.
Gần đây nhất, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang nhằm thống nhất việc triển khai xây dựng dự án thiết chế Công đoàn trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có gần 7 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 272 nghìn công nhân làm việc. Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hơn 1,8 nghìn công đoàn cơ sở với hơn 212 nghìn đoàn viên công đoàn.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh, dự kiến đến năm 2025, tỉnh đưa thêm 3 khu công nghiệp vào hoạt động. Dự báo số lượng công nhân, lao động sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 400 nghìn người, nên việc xây dựng các thiết chế lao động là hết sức cần thiết.
(Ảnh minh họa: Đại Nghĩa/TTXVN) |
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho biết, địa phương này sẽ xây mới gần 10.000 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Minh, trước đây đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại Đà Nẵng sống trong các khu nhà trọ do người dân xây dựng với chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sống và sinh hoạt.
Do đó, khi các dự án nhà ở xã hội cho công nhân được đưa vào sử dụng, công nhân, người lao động nhiệt tình hưởng ứng, đón nhận, với số lượng lớn hồ sơ thuê, mua gửi về...
Là đại biểu Quốc hội chuyên trách, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tham gia nhiều cuộc giám sát chuyên đề về công tác chăm lo đời sống của công nhân, lao động.
Theo ông, những năm qua, đời sống văn hóa, vật chất của người lao động trong các khu công nghiệp đã được quan tâm hơn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách so với mong muốn của Đảng, Nhà nước.
Phân tích các giải pháp căn cơ, góp phần cải thiện đời sống của công nhân, lao động, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, vấn đề mấu chốt là cơ chế, chính sách, khi quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho người lao động.
Bên cạnh việc giải quyết vấn đề nhà ở, nhiều địa phương đã và đang quan tâm triển khai những chương trình, kế hoạch hỗ trợ công nhân liên quan đến các vấn đề như nhà trẻ, bệnh viện, nơi khám chữa bệnh, khu vui chơi, giải trí..., nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một trong những vấn đề đã được giải quyết sau khi Thủ tướng đối thoại với công nhân là việc giá điện đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của người lao động.
Bên cạnh đó, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng đã lắng nghe người lao động về vấn đề thời giờ làm việc, nhu cầu nghỉ ngơi, điều kiện sống, an ninh trật tự ở các khu nhà trọ.
Từ những cuộc gặp đó, các địa phương đã thắt chặt an ninh khu nhà trọ, đề nghị công an, chính quyền địa phương tích cực kiểm tra, xử lý tình trạng tín dụng đen, giúp tình hình có những chuyển biến tích cực, đời sống công nhân ngày càng ổn định...
Có thể thấy, những hoạt động trong Tháng Công nhân đã giúp người lao động và chủ doanh nghiệp đến gần với nhau hơn. Người sử dụng lao động thông qua đối thoại đã nắm được nhu cầu, mong muốn, cũng như điều kiện, hoàn cảnh của công nhân để đưa ra những chính sách, chế độ phù hợp hơn.
Người lao động cũng hiểu biết hơn về pháp luật, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để có sự cảm thông, chia sẻ, gắn bó trong công việc.
Đặc biệt, sau những lần Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân, lao động, nhiều vấn đề thiết thực đã được giải quyết, để lại dấu ấn tốt đẹp trong hầu hết đoàn viên công đoàn và người lao động trên cả nước.
Đây chính là nền tảng để phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi; thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động đối với người lao động, giúp cho tinh thần Tháng Công nhân ngày càng lan tỏa vào đời sống công nhân, người lao động, cũng như các tầng lớp xã hội.../.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/nhung-ket-qua-sau-5-lan-thu-tuong-doi-thoai-voi-cong-nhan/710007.vnp