Thứ tư 19/02/2025 04:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Những chuyển biến trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh

14:38 | 17/02/2025

(Xây dựng) - Trong những năm gần đây, công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, việc Bộ Giao thông vận tải phê duyệt bổ sung Cảng hàng không quốc tế Gia Bình vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo thêm động lực mới cho tỉnh trong quá trình phát triển.

Những chuyển biến trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh
Nhân dân thành phố Từ Sơn vui mừng chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm về thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, ngày 13/01/2025. (Ảnh: Xuân Me)

Dẫn đầu “đô thị hóa”, quyết tâm đạt chuẩn đô thị loại I

Gần 30 năm tái lập tỉnh, công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống quy hoạch từng bước được hoàn thiện, chất lượng quy hoạch ngày càng được nâng cao. Quy hoạch đã thực sự trở thành công cụ quan trọng để quản lý, điều hành và định hướng sự phát triển của tỉnh.

Chia sẻ về công tác quy hoạch tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng thông tin, năm 1997, Bắc Ninh chỉ có 6 đơn vị hành chính là thị xã Bắc Ninh và 5 huyện Gia Lương, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Sơn, Yên Phong. Trong đó, huyện Gia Lương nay tách thành 2 huyện Gia Bình và Lương Tài, huyện Tiên Sơn, tách thành huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn; tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt 9%. Được đánh giá là một tỉnh thuần nông với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ đạt 2.020 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã có sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu, năm 2024, GRDP toàn tỉnh đạt mức 232.800 tỷ đồng, tăng 115 lần so với năm 1997; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 163.660 tỷ đồng, gấp 106 lần năm 1997. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 101.000 tỷ đồng, gấp hơn 100 lần năm 1997.

Năm 1997, Bắc Ninh chỉ thu ngân sách được 198 tỷ đồng, phải nhận hỗ trợ thêm từ ngân sách Trung ương. Nhưng giai đoạn 2021-2025, ước tính thu ngân sách của tỉnh đã đạt trên 165.000 tỷ đồng, tăng bình quân 4,7%/năm. Riêng năm 2024, thu ngân sách đạt trên 33.000 tỷ đồng, tăng 13,29%. Đặc biệt, tháng 1 vừa qua, Bắc Ninh đã thu ngân sách hơn 7.200 tỷ đồng, đây là số liệu cao nhất từ trước đến nay, bằng gần 22% so với tổng thu ngân sách năm 2024. Đây là minh chứng sống động cho sự phát triển đồng bộ trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về công tác phát triển đô thị luôn được tỉnh chú trọng tập trung nâng cấp với hệ thống đô thị đồng bộ. Năm 1997 toàn tỉnh có 08 đô thị trong đó 01 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Đến nay, toàn tỉnh có 01 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 01 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 03 đô thị loại IV (đô thị Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong), 04 đô thị loại V (thị trấn Lim, huyện Tiên Du; thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình; thị trấn Thứa, huyện Lương Tài; đô thị Nhân Thắng, huyện Gia Bình), tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3% (vượt tỷ lệ cả nước là 42,7%), dự kiến hết năm 2025 đạt 75%.

Những chuyển biến trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình tỉnh Bắc Ninh sáng 10/12/2024.

Tỉnh đang dồn toàn lực phấn đấu đến năm 2027 có 04 thành phố là Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 02 thị xã là Quế Võ, Thuận Thành; 02 huyện là Lương Tài, Gia Bình; được công nhận tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện tỉnh đang khẩn trương tổ chức triển khai lập Đề án đề nghị công nhận đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I song song với việc lập Chương trình phát triển đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và số liệu thống kê giữa hai đề án.

Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Kết quả đánh giá sơ bộ theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 cho thấy, Bắc Ninh đã đạt 77,36/100 điểm, tương ứng với 4/5 tiêu chí công nhận đô thị loại I. Dự kiến báo cáo Đề cương chi tiết Đề án sẽ được trình lên Chính phủ trong tháng 5 và báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6/2025”.

Để chuẩn bị cho mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bắc Ninh đang tập trung vào việc phát triển các đô thị vệ tinh. Dồn lực cho mục tiêu huyện Tiên Du và Yên Phong đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trong quý II/2025 và được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh trong quý III/2025. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, cách làm mới, giải pháp khoa học mang tính đột phá.

Những chuyển biến trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh
Tỉnh Bắc Ninh chủ động làm việc với các bên liên quan đặc biệt là các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng về phương án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, mở rộng sân bay Gia Bình.

Nắm bắt “thời cơ”, tận dụng “cơ hội”, tạo “động lực” mới

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã thể hiện khát vọng và tầm nhìn về một “Bắc Ninh tự lực, tự cường”, vươn lên trở thành tỉnh phát triển với nhiều chỉ tiêu nổi trội như: Tỷ lệ đô thị hóa cao; đứng đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội; công bố tỉnh không còn hộ nghèo; cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát; duy trì trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số (DTI) và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index); đứng đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số/GRDP đạt 56,83%; luôn là địa phương dẫn đầu trong danh sách thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước… tỉnh đang đặt mục tiêu vươn tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khát vọng và tầm nhìn trên được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 và phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh theo Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: “Xây dựng Bắc Ninh là đô thị văn hóa mang đậm đặc trưng văn hóa, văn hiến Kinh Bắc; là trung tâm hàng đầu về sản xuất bán dẫn, điện tử công nghệ cao với nền tảng sản xuất thông minh; nơi người dân có cuộc sống ấm no - hạnh phúc”.

Những chuyển biến trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh đã cơ bản đạt các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị loại I.

Khát vọng và tầm nhìn trên cũng được tỉnh Bắc Ninh quán triệt xuyên suốt trong các nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, thể hiện rõ trong định hướng Quy hoạch chung của tỉnh. Thành phố Bắc Ninh luôn được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Theo quy hoạch chung thành phố Bắc Ninh được duyệt từ những năm 2000-2005 và điều chỉnh trong các giai đoạn tiếp theo, trục đường Lý Thái Tổ - Lê Thái Tổ được xác định là trục phát triển trọng điểm, tập trung hệ thống các công trình quan trọng về hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội. Trục đường này được xem là điểm nhấn trong phát triển không gian đô thị của thành phố, đại diện cho cả tỉnh, hướng tới các tiêu chí của đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội “năng động - hiện đại - giàu bản sắc” văn hóa.

Song song đó, công tác quản lý quy hoạch đã được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch. Tỉnh luôn nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội để phát huy tối đa các nguồn lực tạo thêm động lực mới cho sự phát triển.

"Công trình thế kỷ" tạo bước đột phá mới

Việc nắm bắt “thời cơ”, tận dụng “cơ hội”, tạo “động lực” mới cho sự phát triển còn được thể hiện thông qua Đề án trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch bổ sung, nâng cấp xây dựng “Sân bay Gia Bình thành cảng hàng không quốc tế”. Tỉnh đã chủ động làm việc với các bên liên quan đặc biệt là các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng về phương án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, mở rộng sân bay Gia Bình hướng tới xây dựng thành cảng hàng không quốc tế.

Những chuyển biến trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh
Trục đường Lý Thái Tổ - Lê Thái Tổ được xác định là trục phát triển trọng điểm, là điểm nhấn trong phát triển không gian đô thị, đại diện cho cả tỉnh, hướng tới các tiêu chí của đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, mục tiêu của việc mở rộng sẽ giúp cho sân bay có thể đón các đoàn ngoại giao quốc tế, phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa. Đường băng sẽ được nâng cấp từ 3,05km lên 4,5km, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất thế giới. Việc quy hoạch sẽ được thực hiện bài bản, hạn chế tối đa tác động đến khu vực xung quanh. Tỉnh cũng sẽ có phương án cụ thể để đảm bảo thuận lợi nhất cho các hoạt động phụ trợ của sân bay; từng bước hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế, kết nối thuận tiện cả đường không và đường thủy.

Bắc Ninh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, đưa ra những dự báo và định hướng chiến lược để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện, đặc biệt là lợi thế từ sân bay Gia Bình. Quy hoạch sẽ tập trung vào phát triển toàn diện, phấn đấu đến năm 2030, Gia Bình trở thành vùng kinh tế năng động, bền vững với các loại hình sản xuất công nghiệp đa dạng, thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp. Đảm bảo tuân thủ các nội dung của đồ án Quy hoạch chung huyện theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 (hiệu lực từ ngày 01/7/2025). Theo Quyết định, vùng huyện Gia Bình sẽ là: “Trọng tâm kinh tế phía Nam tỉnh, trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, kinh tế tri thức, nông nghiệp công nghệ cao và đô thị; là đầu mối giao thông quan trọng với sân bay Gia Bình, kết nối với các trọng điểm kinh tế của cả nước, đồng thời giữ vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh”.

Ngày 14/2, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung Cảng hàng không quốc tế Gia Bình vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô cấp sân bay 4E, đặt tại tỉnh Bắc Ninh.

Dự kiến, công suất thiết kế của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình khoảng 1 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2021-2030) và 3 triệu hành khách/năm (tầm nhìn 2050). Diện tích đất dự kiến sử dụng là 363,5ha, tổng chi phí đầu tư ước tính khoảng 17.682 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2030 và 12.083 tỷ đồng cho giai đoạn đến năm 2050. Tổng diện tích đất quy hoạch cho hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 sẽ được điều chỉnh lên 24.195ha. Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 cũng tăng lên 438.000 tỷ đồng, dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trước đó, sân bay Gia Bình được dự kiến là sân bay chuyên dùng với quy mô dự kiến 245ha, đường băng dài 3.050m, tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng. Mục tiêu chính của sân bay là phục vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân Công an nhân dân, dự bị cho Quân chủng Phòng không không quân (Bộ Quốc phòng), dự bị cho các cảng hàng không trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp. Sân bay cũng được định hướng đảm bảo hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế.

Những chuyển biến trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh
Để kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội, hướng tuyến đường giao thông sẽ được nghiên cứu ưu tiên phương án mang tính “khả thi cao nhất, đường đi ngắn nhất, hiệu quả nhất”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đánh giá, sân bay Gia Bình là “công trình thế kỷ”, tạo bước đột phá cho sự phát triển của đất nước và tỉnh Bắc Ninh. Do đó, bằng mọi giá phải vận hành hiệu quả mọi phần việc của dự án sân bay Gia Bình và tuyến đường kết nối”. Tỉnh đã đưa ra họp bàn với 02 phương án về hướng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội, trong đó ưu tiên phương án mang tính “khả thi cao nhất, đường đi ngắn nhất, hiệu quả nhất”, tạo cảnh quan đẹp, hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị, thương mại và các khu chức năng khác để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Trung ương.

“Là một công trình trọng điểm quốc gia, mang kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế đất nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh Bắc Ninh. Do đó, tỉnh luôn quyết tâm cao độ trong việc triển khai dự án và luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan chức năng và nhân dân địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho hay.

Để tạo nên “kỳ tích lần thứ 2” trong công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án sân bay Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đề ra mục tiêu: “Diện tích sẽ phải gấp đôi giai đoạn 1”. Thực hiện hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư chậm nhất vào ngày 30/4/2025, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công với khẳng định: “Bắc Ninh sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu và đề nghị trong phạm vi thẩm quyền của tỉnh”.

Song song với việc hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia - Dự án đường Vành đai 4 (đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh), dự án sân bay Gia Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cũng gửi gắm nhiều kỳ vọng cho công tác “chạy nước rút” để Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và cho biết, đây cũng là “quyết tâm chính trị, thể hiện khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh”. Hiện “Bắc Ninh đã cơ bản đạt các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị loại I”.

Xây dựng Bắc Ninh trở thành vùng đất đáng sống

Trước đó, ngày 13/01/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Tổng Bí thư đã gửi gắm, kỳ vọng và mong muốn “Bắc Ninh đoàn kết, đổi mới, sáng tạo - hiện đại, văn minh, giàu bản sắc”.

Hoan nghênh tỉnh đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào cuối năm 2026, Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh cần xây dựng các giải pháp phát triển liên tục trong thời gian tới: Một là, tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hai là, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hành động quyết liệt của toàn Đảng bộ. Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tiến tới thí điểm thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Bốn là, cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm là, chỉ đạo thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030.

Đồng thời, tiếp tục bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; phấn đấu đạt và vượt mục tiêu: Kịch bản cơ sở tăng trên 8% và kịch bản cao tăng trên 10%; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ chất lượng cao… phát huy hiệu quả của Đề án 06 và đột phá trong chuyển đổi số, phù hợp với đặc thù về quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cũng cần lưu ý, giữa quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống, hạnh phúc của nhân dân, góp phần xây dựng “Bắc Ninh trở thành vùng đất đáng sống”, tiếp tục phát huy tinh thần “đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tự lực tự cường”, xây dựng quê hương ngày càng thịnh vượng và phát triển.

Trong gần 30 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Để đạt được điều này, tỉnh đã tận dụng mọi “thời cơ, cơ hội và lợi thế” để tạo thêm “không gian phát triển” và “động lực” mới. Song song đó, chính quyền của tỉnh Bắc Ninh luôn phát huy vai trò trong quản lý điều hành, xây dựng một chính quyền "kiến tạo, minh bạch, hiệu quả", tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin về quy hoạch, thông tin về đầu tư và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách nhanh chóng, đầy đủ, toàn diện. Với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư đến từ Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn: "Bắc Ninh luôn cùng nghĩ, cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển, cùng tự hào với các nhà đầu tư” theo phương châm, “Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và khó khăn, thất bại của doanh nghiệp cũng là khó khăn, thất bại trong công tác điều hành của tỉnh”.

Chính những cam kết của chính quyền tỉnh - một chính quyền “hành động”, đã giúp Bắc Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Nhiều chuyên gia nhận định, Bắc Ninh đã và đang làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện một cách bài bản, góp phần tạo điều kiện cho các đô thị phát triển nhanh chóng và bền vững.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load