(Xây dựng) – Triển khai Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến năm 2030, công tác lập quy hoạch luôn được tỉnh đặc biệt chú trọng với phương châm “Quy hoạch phải đi trước, phương pháp và cách làm phải khoa học, có tầm nhìn chiến lược phát triển, đồng bộ, sát với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của tỉnh”.
![]() |
Một góc Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. |
Công tác quy hoạch đi trước một bước
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Sở, ngành chức năng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, cụ thể hóa làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư mới.
Với nền tảng vững chắc đã xây dựng được từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 2 - 2,5 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước (DDI) từ 20 nghìn - 25 nghìn tỷ đồng; thu hút thêm từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới,…
Thực hiện mục tiêu trên, các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được tỉnh lập đảm bảo đồng bộ với quy hoạch cấp trên. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và định hướng phát triển của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai thực hiện.
Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện; căn cứ lộ trình, tiến độ đề ra để đánh giá kết quả theo từng giai đoạn và tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, làm cơ sở để xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định đến năm 2030, Vĩnh Phúc có 28 khu công nghiệp với diện tích là 4.815ha; đến năm 2050, có 29 khu công nghiệp với diện tích hơn 5.489ha và các khu vực có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích 10.000ha. Trong đó, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới dọc theo các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5...
Hiện, tỉnh đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục quy hoạch Khu công nghiệp Tam Dương I - Khu vực 3 để phát triển thành khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Tiếp tục cụ thể hóa phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo đà thu hút các nhà đầu tư chiến lược mới, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 06 về việc tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, năm 2025, lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp gồm: Lập Thạch I, Lập Thạch II, Bình Xuyên - Yên Lạc I, Bình Xuyên - Yên Lạc II, Tam Dương II - Khu B, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực I), Yên Lạc, Đồng Sóc - Yên Lạc. Năm 2026, lập quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Sông Lô III. Năm 2031, lập quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực còn lại).
![]() |
Sản xuất ôtô chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các ngành kinh tế của Vĩnh Phúc. |
Những tín hiệu mừng trong thu hút đầu tư
Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch để đảm bảo quy hoạch khu công nghiệp có tính ổn định, lâu dài và thực tiễn cao. Xây dựng, triển khai quy hoạch khu công nghiệp gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành liên quan góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư.
Năm 2024, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với 30 dự án DDI có tổng vốn đăng ký đạt hơn 5.303 tỷ đồng và 80 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đạt hơn 636 triệu USD (vượt gần 60% kế hoạch giao đầu năm). Những thành quả này là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ngay từ tháng đầu năm 2025, Vĩnh Phúc ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án trong nước (DDI). Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15/01, toàn tỉnh thu hút được 3 dự án DDI gồm 1 dự án cấp mới, 2 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký 160,22 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2024. Khu vực FDI có 7 dự án được cấp phép, gồm 1 dự án mới, 6 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 25,52 triệu USD, bằng 36,74% so với cùng kỳ năm 2024.
Năm 2025, một số dự án sẽ hoàn thành các thủ tục về đầu tư nhà xưởng, lắp đặt máy móc, tuyển dụng nhân lực, tìm kiếm thị trường và đi vào hoạt động sản xuất. Điển hình như Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft; Dự án sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ôtô, xe có động cơ của Công ty Công nghiệp cơ khí LIOHO Machine Work Việt Nam; Dự án sản xuất máy bơm, máy nén, vòi và van khác của Công ty TNHH Kitz Coproation Việt Nam; sản xuất, gia công, lắp ráp các linh kiện, sản phẩm, thiết bị quang học của Công ty TNHH Tamron Optical (Việt Nam)… sẽ đem lại sản phẩm mới làm tăng giá trị sản xuất và gia tăng cho ngành công nghiệp…
Văn Nhất
Theo