(Xây dựng) - Bộ Công Thương đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
![]() |
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là hết sức cần thiết. (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Công Thương, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Luật đã tạo dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, chiếu sáng và sinh hoạt của cộng đồng, tạo điều kiện triển khai đồng bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thi hành, đến nay Luật đã bộc lộ bất cập. Cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật liên quan để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp để ứng phó với các thách thức mới.
Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cho chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên tại Việt Nam còn thiếu và yếu không đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng...
Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tạo điều kiện để cộng đồng dân cư tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực
Theo Bộ Công Thương, mục đích ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động sử dụng năng lượng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đồng thời, tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước vì mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Hoàn thiện các quy định quản lý hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng và cơ sở vận tải trọng điểm. Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng phục vụ mục tiêu sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tăng cường các cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn (mạng lưới các trung tâm tư vấn tiết kiệm năng lượng, các công ty dịch vụ năng lượng) nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bố cục của dự thảo Luật
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả dự kiến gồm 2 Điều:
Điều 1: Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: gồm 15 khoản liên quan đến các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của 15 Điều của Luật hiện hành (Điều 5. Chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Điều 6. Chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng; Điều 7. Thống kê về sử dụng năng lượng; Điều 13. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng; Điều 16. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng; Điều 30. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; Điều 32. Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Điều 33. Trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Điều 34. Kiểm toán năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Điều 35. Điều kiện, nhiệm vụ của người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Điều 37. Biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị; Điều 39. Dán nhãn năng lượng; Điều 41. Ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Điều 43. Tuyên truyền, giáo dục, phát triển dịch vụ tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Điều 46. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả).
Điều 2: Hiệu lực thi hành.
Bổ sung một số quy định về ưu đãi
Đối với quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Dự thảo Luật đề xuất bổ sung đối với đối tượng là các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng được về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính tại sửa đổi khoản 3 Điều 41 Luật hiện hành.
Bổ sung quy định thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại khoản 2 Điều 41, giao Chính phủ thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để cho vay ưu đãi, bảo lãnh, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ tài chính đầu tư cho hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các dự án chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Bổ sung một số quy định về ưu đãi tại Điều 41 như: Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; đầu tư và chuyển đổi sang các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua các cơ chế hỗ trợ tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Chính phủ xây dựng các cơ chế khuyến khích, giải pháp thúc đẩy các quá trình chuyển đổi phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến công nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công nghệ bảo tồn và hiệu quả năng lượng...
Ngọc Linh
Theo