Thứ sáu 26/04/2024 12:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhiều nhà tái định cư bỏ hoang: Cần xã hội hoá để tránh lãng phí

14:37 | 21/06/2021

Hàng loạt nhà tái định cư cao tầng trên địa bàn TP.Hà Nội đang không có người ở, xuống cấp… gây lãng phí. Để cải thiện chất lượng nguồn cung nhà ở tái định cư, nhiều chuyên gia bất động sản nhìn nhận, cần phải xã hội hóa việc phát triển nhà ở tái định cư.

nhie u nha tai dinh cu bo hoang ca n xa ho i hoa de tranh lang phi

Ba tòa chung cư nằm tại vị trí đắc địa trên mặt đường lớn Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã hoàn thiện nhưng lại bỏ hoang và đang có những dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Ái Vân

Nơi bỏ hoang, nơi xuống cấp nghiêm trọng

Trên địa bàn Thủ đô hiện còn có khá nhiều nhà tái định cư đang dư thừa, thậm chí có hàng nghìn căn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí cho ngân sách thành phố.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án tái định cư cần điều chỉnh ngay các điểm bất hợp lý, đặc biệt phải phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.

Ghi nhận của PV Lao Động cho thấy, ba tòa nhà màu xanh nước biển (là nhà tái định cư) nằm trên đường Tân Mai kéo dài hay còn gọi là đường 2,5 (thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đã xây dựng gần 3 năm nay nhưng đến giờ vẫn để trống. Xung quanh cả ba tòa cây cối cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ là nơi tập kết hàng hóa cho người dân. Bà Nguyễn Thị Lệ (Tân Mai, Hoàng Mai) cho rằng, các toà chung cư này đã xây dựng hoàn thiện nhưng không có người đến ở. Nhìn các toà chung cư bỏ hoang khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Hay như dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) sở hữu một vị trí “vàng” tại quận Cầu Giấy nhưng 10 năm vẫn bị bỏ hoang. Quy mô của dự án gồm 15 tầng nổi và 01 tầng hầm, với tầng 1 và 2 là tầng thương mại, căn hộ ở từ tầng 3 đến tầng 15.

Nhiều bất cập, có nên xã hội hóa nhà tái định cư?

Nhiều chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng, chủ trương về tái định cư là hoàn toàn đúng. Song việc thực hiện lại có nhiều vấn đề bất cập, chất lượng công trình chưa đáp ứng như kỳ vọng… Chất lượng nước, điện, thang máy, phòng cháy, chữa cháy cũng không đảm bảo.

Đơn cử, theo ông Hà Khắc Đấu - Trưởng ban quản trị Tòa nhà B11A Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) thang máy của tòa nhà đã dùng tới 15 năm nay mà chưa một lần kiểm định lại. Nguy hiểm hơn, vào cuối tháng 11.2020, vụ rơi thang máy tại tòa B10A Nam Trung Yên khiến nhiều người bị chấn thương phải nhập viện… Những nguyên nhân này khiến người trong diện được đền bù giải phóng mặt bằng "quay lưng" lại với nhà tái định cư.

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Châu - chuyên gia bất động sản - cho rằng, tái định cư phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời. Do đó, công tác tái định cư cần phân tích, dự báo nhu cầu một cách chính xác cũng như khả năng đáp ứng của nguồn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư của người dân; có biện pháp sử dụng hiệu quả quỹ nhà tái định cư, phân bổ hợp lý. Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không lại chưa được tiến hành kỹ càng, sâu sát.

Để cải thiện chất lượng nguồn cung nhà ở tái định cư, nhiều chuyên gia nhìn nhận, cần phải xã hội hóa việc phát triển nhà ở tái định cư. Trong đó, việc xây dựng nhà ở tái định cư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) được coi là một trong nhiều giải pháp ưu việt và thu hút được sự quan tâm, vào cuộc nhiều hơn của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, theo quy định của pháp luật, việc thu hồi đất, bồi thường GPMB, người dân được lựa chọn các phương thức tái định cư. Thứ nhất là chờ tái định cư tại chỗ (giải quyết tạm cư). Thứ hai, người dân tự nhận tiền tự lo chỗ ở tái định cư theo thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, quy định pháp luật như Luật Nhà ở 2014 cho phép chuyển đổi nhà ở xã hội sang nhà ở tái định cư, cho phép mua nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư. "Người dân chắc chắn họ thích ở nhà ở thương mại hơn, bởi người ta quan ngại về chất lượng nhà tái định cư, quan ngại về thiết bị, tiện ích…" - ông Châu nói.

Theo CAO NGUYÊN - HƯƠNG ÁNH/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load