(Xây dựng) - Là Công ty sản xuất kính hiện đại và lớn nhất Việt Nam với dây chuyền sản xuất theo phương pháp kéo nổi. Đó chính là phương pháp sản xuất kính tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới cho ra những tấm kính phẳng, nhẵn lý tưởng và có chất lượng cao theo tiêu chuẩn JIS R 3202 1996 của Nhật Bản.
Trước việc HĐQT Công ty chủ trương mở rộng mô hình sản xuất, tiếp tục đầu tư ra một số tỉnh, thành phố phía Bắc khẳng định sự phát triển bền vững, đóng góp có hiệu quả vào nền kinh tế quốc dân của kinh tế tư nhân thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tiến Dũng, TGĐ Công ty.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
PV: Qua hệ thống thông tin chuyên ngành của Bộ Xây dựng, chúng tôi được biết Công ty cổ phần kính nổi Chu Lai CFG là nhà máy thuộc diện lớn nhất trong các nhà máy sản xuất kính ở nước ta hiện nay Ông cho biết về tình hình sản xuất của nhà máy? Chất lượng kính của nhà máy ra sao so với các nước khu vực?
TGĐ Đỗ Tiến Dũng: Nhà máy của Công ty CP Kính nổi Chu Lai CFG có công suất 900 tấn thủy tinh/ngày - là nhà máy sản xuất kính nổi có công suất lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm của nhà máy là các chủng loại kính trắng có độ dầy từ 4 mm đến 12 mm theo tiêu chuẩn JIS R của Nhật Bản. Nhà máy bắt đầu sản xuất từ năm 2010 đến nay luôn hoạt động ổn định, đủ công suất thiết kế, tạo công ăn việc làm ổn định cho 700 cán bộ công nhân viên. Về chất lượng sản phẩm, sau 1 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippine… Hiện nay một số khách hàng ở Ba Lan và Bỉ, đã sang làm việc và đề xuất nhập khẩu kính do CFG sản xuất về tiêu thụ tại thị trường Châu Âu. Điều này khẳng định được phần nào về chất lượng sản phẩm của CFG.
PV: Theo ông vì sao giá kính trong nước mấy tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 lại cao hơn rất nhiều so với thị trường khu vực?
TGĐ Đỗ Tiến Dũng: Giá bán thị trường của bất kì loại sản phẩm nào cũng đều được quyết định bởi yếu tố cung và cầu. Trong các năm trước, do công suất của các nhà máy kính tại Việt Nam đều đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, vậy nên giá cả tương đối ổn định. Tuy nhiên vào tháng 5 năm 2016, có 1 trong 4 nhà máy sản xuất kính nổi phải dừng sản xuất do yếu tố kỹ thuật, vậy nên làm cho nguồn cung thiếu đột xuất dẫn tới giá tăng cao hơn so với mức trung bình hàng năm. Đến nay thì nhà máy nói trên đã quay lại sản xuất nên giá cả sản phẩm kính xây dựng đang dần quay về mức trung bình so với thị trường khu vực.
PV: Trước tình hình biến động giá liên tục của thị trường, để bình ổn giá cả của sản phẩm, Công ty của ông đang có những giải pháp gì?
TGĐ Đỗ Tiến Dũng: Hiện nay thị trường Việt Nam đang có nhiều biến động do trong thời gian nguồn cung thiếu hụt nửa cuối năm 2016, có nhiều nguồn kính nhập khẩu khác đã được nhập vào Việt Nam với đủ loại chất lượng và giá cả dẫn đến thị trường kính xây dựng trở nên hỗn loạn về chất lượng lẫn về giá. Nhưng việc này sẽ không kéo dài được lâu, do thị trường sẽ tự đào thải các sản phẩm kém chất lượng và không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để góp phần ổn định thị trường, các nhà sản xuất trong nước nên tiếp tục cải tiến kĩ thuật, công nghệ để giữ vững chất lượng sản phẩm và giảm giá thành. Như vậy mới có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Về phía công ty CFG, chúng tôi đang tiến hành xây dựng thêm 1 nhà máy với 2 dây chuyền, tổng công suất 1200 tấn/ngày, sản xuất kính theo tiêu chuẩn hiện đại tại tỉnh Ninh Bình. Nhà máy này sẽ tập trung vào sản xuất những loại kính mà nhà máy đầu tiên không sản xuất như kính trắng từ 2 mm đến 19mm, kính màu, pkính phản quang, kính low-e. Đây là những loại kính mà VN vẫn phải nhập khẩu chủ yếu, nên việc sản xuất trong nước sẽ giúp người dân có thể mua hàng hoá đảm bảo về chất lượng với giá thành rẻ nhất. Thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh trong những năm qua, nên chúng tôi đã xây dựng thêm nhà máy, đúng theo quy hoạch của của Chính phủ, đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, điều này giúp làm cho thị trường bình ổn, lành mạnh trước mắt và lâu dài.
Hải Đăng (Thực hiện)
Theo