Thứ sáu 26/04/2024 07:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhà ở phòng tránh bão, lụt miền Trung: Từ chính sách đến thực tiễn

17:02 | 31/12/2020

(Xây dựng) - Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung đã thể hiện được hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của người dân trong mùa mưa, lũ.

nha o phong tranh bao lut mien trung tu chinh sach den thuc tien

21.600 hộ cần hỗ trợ nhà ở chống bão, lụt

Năm 2012, trước tình hình lũ, lụt ở miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 (Quyết định 716) về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Kết quả triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng, tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo của 7 tỉnh miền Trung theo Quyết định 716 là cơ sở để rút kinh nghiệm trước khi triển khai hỗ trợ trên diện rộng.

Ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (Quyết định 48) về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung.

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt để có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

13 tỉnh duyên hải miền Trung thuộc diện tham gia chương trình là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Các đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 và chưa có nhà ở với sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà. Tổng hợp nhu cầu của các địa phương thì tổng số hộ cần hỗ trợ khoảng 21.600 hộ.

Về mức hỗ trợ, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp từ 12 - 16 triệu đ/hộ tùy theo điều kiện của từng khu vực. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa 15 triệu đ/hộ với lãi suất ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay là 10 năm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP). Theo đó, khoảng 4.000 hộ dân ở 5 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, TT-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ nhận được khoản tài trợ 1.700 USD (khoảng 39 triệu đồng) kèm với kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 48.

Vai trò của Bộ Xây dựng

Sau khi Quyết định 48 được ban hành, các Bộ, ngành Trung ương đã nghiên cứu và ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong đó, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BXD ngày 23/10/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định 48.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hướng dẫn địa phương lập Đề án hỗ trợ; dự toán kinh phí hỗ trợ; kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ đúng mục tiêu và yêu cầu; tổng hợp kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thành lập Ban Điều phối thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, Bộ Xây dựng đã chủ trì tổ chức các hội nghị triển khai, kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định 48.

Bộ còn thành lập nhiều Đoàn công tác liên ngành để thực hiện nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc để nắm bắt tình hình triển khai thực tế và ghi nhận ý kiến đề xuất của địa phương, kịp thời xử lý một số vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ đã kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết.

Trong tháng 11/2020, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế về hỗ trợ khảo sát, đánh giá, khắc phục hậu quả đợt thiên tai lịch sử ở miền Trung trong tháng 10/2020.

Về tổng thể, Quyết định số 48 đã tạo ra cơ chế chính xác để toàn xã hội cùng chung tay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Trong đó, Bộ Xây dựng đóng vai trò chủ trì, điều phối, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chương trình.

89,6% hộ gia đình được hỗ trợ

Tính đến hết tháng 10/2020, khoảng 19.350 hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng, tránh bão, lụt, đạt 89,6% chỉ tiêu của Quyết định 48.

Tổng số vốn được giải ngân là 664 tỷ đồng, bao gồm 251 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; 193 tỷ đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và khoảng 220 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Hiện nay, 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định 48 là Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Đà Nẵng. 7 tỉnh còn lại có tỷ lệ hoàn thành đạt trên 75%.

Trước khi các Chương trình hỗ trợ nhà ở được ban hành, hậu quả bão, lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung là vô cùng nặng nề. Trong giai đoạn 2009 - 2011, trung bình mỗi năm có 190 nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái và khoảng 100 người chết vì bão, lũ.

nha o phong tranh bao lut mien trung tu chinh sach den thuc tien
Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn đã hỗ trợ khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu quả đợt thiên tai lịch sử ở miền Trung trong tháng 10/2020.

Nhưng kể từ năm 2016, số nhà ở bị thiệt hại nặng (từ 30% trở lên) đã giảm mạnh. Riêng trong năm 2020, dù phải hứng chịu một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt nhất lịch sử, nhưng mức độ thiệt hại về nhà ở vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi có các chương trình hỗ trợ.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, chưa có căn nhà nào thuộc Chương trình hỗ trợ theo Quyết định 48 và Dự án GCF bị sập đổ, hư hỏng nặng trong đợt mưa, bão vừa qua tại miền Trung. Quan trọng hơn là chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 48 đã giúp cho hàng trăm nghìn người dân có nơi tránh trú khi mùa mưa bão đến, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài ra, việc thực hiện Quyết định 48 còn có tính lan tỏa tốt trong cộng đồng. Các hộ không thuộc diện được hỗ trợ khi thấy tính hiệu quả của các ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt được xây dựng theo Quyết định 48 đã chủ động học tập xây dựng theo.

Đề xuất nhân rộng mô hình nhà ở phòng, tránh bão, lụt

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung theo Quyết định 48 đã thu về những kết quả tích cực. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Trong đó, 2 vướng mắc lớn nhất là kinh phí hỗ trợ còn thấp, chưa đủ giúp người dân xây dựng được nhà ở an toàn ở thời điểm hiện tại và một số địa phương có mức lụt thực tế cao hơn mức lụt theo thiết kế trong đợt bão, lụt tháng 10 ở miền Trung.

Chính vì vậy, để nhân rộng mô hình nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ nghèo, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Bộ Xây dựng đã nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.

Điều chỉnh thứ nhất là mở rộng đối tượng hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2015 - 2020. Hai là, mở rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam. Ba là, tăng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương lên 40 triệu đ/hộ; nâng mức cho vay ưu đãi lên tối đa 25 triệu đ/hộ. Bốn là, nâng cao điều kiện tối thiểu về chất lượng nhà ở thông qua thiết kế điển hình, diện tích sàn tránh bão, lụt tối thiểu 12 - 15 m2. Năm là, bổ sung mô hình nhà ở tránh bão, lụt cộng đồng hoặc cải tạo các trụ sở cơ quan hành chính, trường học, nhà văn hóa hiện có để làm nhà tránh bão, lụt cho người dân. Mỗi xã cần phải có 1 công trình tránh bão, lụt cộng đồng thực hiện bằng vốn đầu tư công. Dự kiến 28 tỉnh, thành phố theo đề xuất sẽ có khoảng 2.100 xã.

Căn cứ vào những dự kiến về cơ chế, chính sách nêu trên, dự toán vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới là khoảng 28.060 tỷ đồng.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load