Thứ sáu 29/03/2024 00:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nguyễn Tuân với con trai trưởng Tản Đà

09:16 | 28/01/2014

(Xây dựng) - Tôi viết về Tản Đà và người con trưởng của thi nhân là Nguyễn Khắc Xương trước khi tìm bút đến Nguyễn Tuân những mười năm lẻ.

Thời điểm tôi nhập vai công chức văn hóa hàng tỉnh cũng là ngày Nguyễn Khắc Xương kết thúc công việc ở đó. Ông nghỉ hưu với gia tài nghiên cứu văn hóa dân gian Vĩnh Phú chất khẳm một xe ba gác bản thảo. Làm biên tập, tháng tháng tôi gõ cửa nhà Nguyễn Khắc Xương đặt hàng khi lễ hội, khi hát Xoan, lúc thì tục thờ cúng Hùng Vương. Phải có bài của ông thì nó mới ra sắc màu một ấn phẩm văn hóa để kèm theo những là bài bàn việc tang, bàn việc cưới bàn áp-phích, ký họa tuyên truyền...

Gặp Nguyễn Khắc Xương, người ta thấy hiển lộ nét cười hòa đồng, nhưng cách biệt, chủ động chìm bận trong suy luận nào đó. Ông càng khác biệt hơn khi hiện diện vị thế của con trưởng Tản Đà.


Tản Đà

Ông mang thân phận tương tự thân phụ: Tận thấy sự thay đổi thời cuộc từ cũ sang mới. Chứng một lớp văn nhân danh giá cũ tự đẽo gọt, gò uốn cho hợp với giá trị thời đại mới.

Và Nguyễn Tuân là một trong những bạn vong niên của Tản Đà, thường được Nguyễn Khắc Xương nhớ tưởng, trân kính. Sáu mươi tư năm trước, ngày 7 tháng 6 năm 1939, khi đó Nguyễn Khắc Xương mười bảy tuổi mặc áo lương dài, trước căn nhà 71 Ngã Tư Sở, phải thay mẹ đứng đón các văn nhân lục tục thăm Tản Đà đang nằm trong buồng hấp hối.

Cậu Xương vừa chạm thấy Nguyễn Tuân xênh xang lụa tía, bên Vũ Bằng đạo mạo đồ Tây trắng. Cả hai người sương sương men đỏ hườm. Không kìm được, cậu mếu:

- Các chú ơi, bố cháu sắp mất rồi…

Vũ Bằng, Nguyễn Tuân sững lại. Vũ Bằng đưa mắt nhìn Nguyễn Tuân ừm hừm chẹp miệng chán chường, rút thuốc lá châm lửa lập bập rồi vo điếu thuốc vứt xuống đất giẫm nát. Nguyễn Tuân xoa xoa đầu chiếc can, hếch lên mái nhà, khép mắt một phần mười khắc:

- Cụ mệt nặng từ bao giờ?

- Dạ mới dăm ngày…

- Cụ còn nhận xét được diện mạo ai không?

Cậu Xương lắc đầu, nước mắt rưng tròng.

- Rồi. Ông cụ nằm đâu? Cậu dẫn chúng ta vào…

Vén áo, cậu Xương gạt tấm mành bước đi trước. Nguyễn cắp chiếc can đầu rồng, khụng khịnh cúi đầu, tiếp sau là Vũ ôm chiếc mũ phớt trước bụng. Căn phòng ẩm bí, ánh điện không đủ phải cậy đến đèn nến vẫn chẳng khơi nổi ánh sáng cho sự sống. Nhân bệnh thở hắt, khò khè, vật vã, chân, tay rõng rượt trên bộ ván. Mái muối tiêu bết da đầu. Bộ quần áo ta trắng nhuôm nhuôm bỗng trở nên quá rộng với vóc dáng xọp xẹp. Đôi giày da hở gót bẹp rúm dưới tấm phản đã chăng mạng nhện. Cậu Xương bị thôi miên vào gương mặt bỗng răn rúm sau bao nhiêu cuộc rượu tươi cười. Trên đầu giường, vẫn chiếc ghế gỗ mộc thay  bàn viết, ngổn ngang giấy tờ với những chữ viết tay hoen nhòe rượu giọt. Ba chiếc bút, một ngòi răng cưa, một ngòi mala và bút lông để viết chữ Nho lăn lóc bên lọ mực nút lá chuối khô. Chắc là nút chai rượu nào được dùng tạm. Và cái be sành rượu sậm gan gà lật nghiêng…

Nguyễn cúi xuống nắm tay Tản Đà. Bàn tay đầy đặn, hồng hào của Nguyễn ôm nâng bàn tay vàng ệch khô quắt, cứng khòng của Tản Đà rung lắc mãi không thôi:

- Xin Ngài bình tâm… Trời đã bày rượu tiên, hạc đã về đậu cửa… Tất cả cũng chỉ là sớm một chút hay muộn một chút ấy mà…

Chẳng biết có phải là thấu lời Nguyễn hay không, bàn tay Tản Đà bỗng rời ra, bật ngửa, vàng khè. Vũ Bằng kéo lại tấm chăn vải mỏng đắp ngang người bệnh. Nguyễn thở dài cúi xuống, tỉ mẩn xếp lại chồng bản thảo dở đang từng giây phút trở thành di cảo cho ngay ngắn bên đầu người hấp hối.

Vẳng từ buồng trong tiếng đàn bà khóc thổn thức. Nguyễn hất hàm, cậu Xương hiểu ý liền đi trước mở đường vạch những quần áo, màn gió treo mắc dọc ngang lấy đường đi. Nguyễn bỗng đứng sững, suýt đánh rơi can: Vợ Thi nhân ngồi xõa nắm hờ trên tay hơn hai hào bạc, trước mặt trống hốc thùng gạo chắc chưa nổi hai bơ vót vét. Bát đũa khô mốc, sứt mẻ…


Ông Nguyễn Khắc Xương

Ngoài phòng khách, Khái Hưng, Vi Huyền Đắc, Nhất Linh, Trần Huyền Trân quây quanh ông bác sĩ nội khoa Đặng Vũ Hỷ giỏi nhất Hà Nội vừa được Khái Hưng vời đến chẩn bệnh Tản Đà. Bác sĩ Hỷ cài ống nghe trước ngực, đan tay tỏ bày:

- Rượu đã nung gan của tiên sinh thành một khối sành Phù Lãng. Đến bây giờ thì rượu cũng không thể dầm thấm được vào đó nữa…

Tất cả chìm lỉm vào im lặng dài thượt.

- Rượu đã là số phận của đám văn nhân chúng ta. Chối từ làm sao được?

Nguyễn bước ra phòng khách từ lúc nào, dộng can nhấm nhẳng, khiến mọi người im cái sự chộn rộn. Đợi ánh mắt dồn vào mình, Nguyễn tiếp lời:

- Đám ta bây giờ là phải lo cho người sống và cả người đang suội đời nằm kia…

Lần dây xích bạc kéo chiếc ví da nâu khỏi miệng túi áo lụa, Nguyễn mở xoẹt ví nhón xấp bạc ấn vào tay cậu Xương. Đang tê tái, cậu Xương chỉ biết đứng im tuân theo động thái người lớn. Nguyễn chống can bước ra hè. Vũ Bằng cũng lần tay lục ví, rồi Vi Huyền Đắc, Nhất Linh, Lan Khai… tất thảy lần lượt tiến đến với cậu Xương. Tiếng đàn bà khóc trong nhà cũng bớt cay đắng, lo toan.

Sáng sau vẫn từng ấy văn nhân, Nguyễn Tuân dẫn đầu chống can lóc cóc bám theo chiếc xe tang bụi bặm đưa Tản Đà táng ở nghĩa trang Quảng Thiện (231 Nguyễn Trãi - Thanh  Xuân - Hà Nội, thuộc Cao su Sao Vàng hiện tại).

Với thời gian cậu Xương trở thành nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương không phải nương bóng thân phụ. Nguyễn cũng thôi chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Có công việc về Hà Nội, qua 51 hoặc 53 Trần Hưng Đạo, khi gặp Nguyễn thì cậu Xương vẫn rụt rè giữ lễ, đứng im chào:

- Cháu chào ông.

Nguyễn chớp chớp mắt nhìn từ đầu tới chân cậu Xương, vẻ như ngán ngẩm vẻ như xa xót bảo:

- Cậu Xương ạ, từ giờ ta cho phép anh xưng hô với tôi theo lối Ông - Tôi là mĩ mãn với tôi rồi. Tóc anh cũng đã trắng bằng tóc tôi còn gì. Nghe người tóc bạc xưng mãi là cháu nó không thuận tai, thuận lẽ đời cậu ạ…

- Dạ, nhưng cháu…

- Chưa quen chứ gì! Anh học thói dân chủ tự do mau đi... Nó chẳng dễ dàng gì với anh khi bỗng nhiên có nó.

Thì ra mái tóc cậu Xương cũng cước bạc như tóc Nguyễn, suông dài như vương mây. Nhưng cậu Xương không vầng trán cao sáng láng như Nguyễn.

Chẳng hiểu sao buổi ấy, Nguyễn dắt tay cậu Xương lên gác tòa biệt thự 51. Đang có cuộc họp do H.X.T chủ trì, vừa thấy Nguyễn Tuân, H.X.T liền ngừng nói, lon xon chạy ra chào đón Nguyễn vào ngồi ở ghế giữa. Cậu Xương biết vị của mình, tỏ ý không dám ngồi cùng Nguyễn.

- Anh cứ ngồi đây một chút có sao. Vị trí ngồi đâu có quan trọng bằng tư thế ngồi phải không quý vị…

Mọi người gà gật đưa đà chẳng rõ là đồng tình hay phản đối vì một đằng là Nguyễn trưởng thượng, một đằng là H.X.T quyền chức bề bề hét ra lửa.

Nguyễn chỉ tay lên khoảng tường trống trên cao:

- Ngày xưa ảnh bố cậu từng ngự ở đó. Nay người ta tạm dỡ xuống rồi…

Cậu Xương chắp tay vâng dạ. Nguyễn kéo cậu Xương đứng lên:

- Phiền các anh, ta muốn con người bạn lớn được thấy chứng tích thiên hạ đã cung kính như thế nào với tiên sinh.

Lần ấy, Nguyễn bảo cậu Xương về nhà để tặng cuốn sách mới ra. Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập 1-1981). Trong trí cậu Xương, ấy là căn gác ních những sách. Một đống sách chất lộn xộn giữa nhà như đụn rạ. Quyển nào cũng có thanh giấy đánh dấu trang. Chẳng hiểu là Nguyễn vừa dọn tủ sách, hay là sách Nguyễn để bừa bộn như vậy cho dễ kiếm khi cần đến. Bộ bàn ghế tiếp khách kê ngay cửa ra vào. Nguyễn tiếp cậu Xương ở đó. Trà sen Hàng Đường và bánh đậu xanh. Ly sứ bạch định hạt mít cognac. Và mươi thanh fromage cứng chẳng khác su hào xắn miếng.


Nguyễn Tuân

Nguyễn ngắm chén rượu, nhưng tâm trí lắng vào hư không. Cậu Xương bỗng thấy mình đang trở lại tuổi mười bảy năm nào. Nguyễn khề khà cất tiếng như thể độc thoại cho đỡ nhớ về Tản Đà nhiều hơn là kể chuyện cho cậu Xương nghe.

- Chắc cậu chưa quên, khi dư dả nhuận bút, mâm rượu của Tản Đà là cả một hợp thành của màu sắc, hương, vị, và âm giai. Chiếc mâm gỗ mít hình chữ nhật vành son, lòng cánh sen. Trong đó, thi nhân phô bày những chiếc đĩa sứ trắng nhỏ xíu như bàn tay trẻ con, những chiếc bát lá đề tinh xảo. Nào chanh xanh cắt tư. Nào rau húng Láng, nào rau ngổ, ngỏng lên trái ớt đỏ tươi. Tương Bần ong óng. Sậm đặc nước mắm Ô Long. Hạt tiêu sọ, hạt tiêu đen. Bọc tinh cà cuống, hành hoa, hành củ, mỡ gà chưng ớt bột, vừng xát vỏ, lạc rang, bánh đa, bánh phở… Đặc sắc ở cái những thứ gia vị ấy được đựng riêng cho mỗi thực khách, của ai người nấy chấm. Mâm rượu dù sáu hay bốn thì dứt khoát phải có hai nậm rượu để nghiêm ngắn hai bên.

Chưa dứt chuyện Tản Đà thì Nguyễn thuận miệng vui chuyện kể mới tiếp mấy ông khách Tây. Nguyễn tiếp độc món nem cuốn với rượu nếp cái Hưng Yên ủ chum sành ba năm tuổi. Mỗi người một chiếc nậm, tự rót cho mình. Tiệc đứng. Thức ăn bày trên chiếc bàn lớn. Cũng la liệt đĩa lớn, đĩa nhỏ. Người nối người đi vòng quanh chiếc bàn, hễ thấy Nguyễn lấy con tôm nõn, mấy sợi dứa ương, hoặc xoài thái chỉ, hay thanh đậu phụ chao dầu, bê thui tái thì khách nhất nhất làm theo. Nguyễn chấm thức gì thì mấy ông Tây chấm thức ấy.

Chỉ có vậy mà bữa tiệc kéo dài từ trưa đến 9h tối.

Nắng đứng ngoài cửa sổ. Nghe thấy đũa bát lách cách đâu đó, cậu Xương dứng dậy khoanh tay xin cáo từ. Nguyễn thở hắt:

- Không sẵn tâm thế mời cơm cậu, nên ta chẳng chuẩn bị gì. Vậy hãy chờ để ta lấy sách ký tặng.

Nguyễn thả bước vào buồng lụi cụi hồi lâu mướt mồ hôi mới mang ra cuốn sách bìa hai màu đất và nâu đỏ nổi như sợi len dệt. Và hai hàng chữ đen “Tuyển tập Nguyễn Tuân”. Âu yếm đặt sách lên hai đùi khép lại, phủi những hạt bụi tưởng tượng. Nguyễn mở hộp lấy hai chiếc bút. Một chiếc bút mực đỏ. Một chiếc bút mực đen. Cậu Xương băn khoăn, không hiểu chỉ để viết vài lời đề tặng thì cần gì đến hai loạt bút mực.

Nguyễn lau khô mặt bàn vương đôi giọt nước trà sen bằng chiếc giẻ lau tơ tằm. Nghiêng nhìn xem mặt bàn đã khô hẳn thì mới trịnh trọng đặt cuốn sách lên một tờ báo, mở từng trang bìa ngoài, bìa lót, và tới bìa phụ thì Nguyễn mới cầm chiếc bút mực đen nhứ nhứ như múa viết: Tặng Nguyễn Khắc Xương để nhớ, rồi dừng lại đặt xuống, lấy chiếc bút đỏ viết tiếp: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Sợ nguội bữa cơm của Nguyễn, cậu Xương định đưa tay đón cuốn sách. Nguyễn hừm lên một tiếng như sư tử sắp nổi cơn thịnh nộ:

- Yên đã nào. Mực còn đang ngái, chữ chưa chín...

Vội thu tay lại, cậu Xương ngồi im phắc.

- Bao năm qua cậu làm được những việc gì? Nói ta nghe hay là chỉ chuyên chú sưu tập ấn bản những trước tác của ông cụ!

- Dạ, cháu vẫn song hàng việc bảo lưu tác phẩm của thân phụ với nghiên cứu văn hóa vùng đất Tổ Hùng Vương.

- Có kiến văn, nhưng kém khiếu sáng tác thì làm nghiên cứu như cậu là đắc sách. Đối diện với đời thì phải dùng cái sở trường chứ không thể là sở đoản… Danh ai phận nấy. Dẫu có là con vua thì cũng không thể nép dưới lọng vàng…

- Dạ…

- Ờ… Nguyễn nhìn từ đầu tới chân cậu Xương - Thế đã có bao nhiêu tác phẩm rồi mà chưa lần nào anh đem đến cho tôi đọc?

Tóa mồ hôi, cậu Xương gãi đầu:

- Dạ, cháu không dám, sợ ông không có thời gian đọc…

Buông lời xong cậu Xương hối ngay vì gương mặt Nguyễn bỗng âm u:

- Ta với nhà anh chưa đủ thâm giao hay sao mà anh giữ kẽ làm vậy? Thôi cậu về được rồi đấy…

Cậu Xương lón tón cúi chào, hấp tấp xuống gác. Nguyễn đi sau tiễn đến bậc thang thứ ba:

- Đi từ tốn nào. Cốt chắc cũng đã khô xốp, ngã thì khốn…

Từ đận ấy, hễ có công trình nghiên cứu nào được xuất bản thì Nguyễn Khắc Xương lại xuống tận nơi biếu sách Nguyễn. Nguyễn xếp những cuốn sách của Nguyễn Khắc Xương bên cạnh những cuốn của Tản Đà.

Trước ngày Nguyễn lạc giọng, cậu Xương hay tin tất tả đáp tàu lửa xuống thăm. Hổn hển trèo lên gác, Nguyễn Khắc Xương chưa kịp chào, thì đã nghe tiếng ho khan của Nguyễn lùng nhùng sau tấm màn. Và lệt bệt bàn chân khua tìm dép.

Cậu Xương đã chạy vội cùng cụ bà, mỗi người đỡ một bên Nguyễn dìu ra bàn nước. Cụ bà kín đáo ra dấu thời gian dành cho khách chỉ có thể là 15 đến 20 phút. Nguyễn không pha trà mà cúi xuống nhấc nậm rượu:

- Xuất xứ từ chùa Hương đấy cậu…

Hai tay cung đỡ chén, cậu Xương nhìn dòng rượu đang rót chưa hề run sánh, thầm mừng cho sự tinh anh của Nguyễn. Sau mấy câu hỏi han về sách vở, về cọ chè Phú Thọ, Nguyễn lại quay sang bàn rượu:

- Anh thấy cái tang rượu nếp này đuya không? Thơm bén râu bén môi. Rượu nếp ta để đủ lâu thuần thục thì hợp cạ với thể chất người Việt hơn là rượu Phú-lãng-sa, Anh-cát-lợi ở cái hậu, cái đằm dịu. Nó khiến mơ màng cả ngày trong trạng thái thăng hoa. Rượu Tây dương thì phồng phồng như nước hoa, ngon ngay, thơm ngay và tan ngay. Đắc dụng uống ở hội nghị. Khoảng dăm tháng nay ta bị dị ứng với mọi sự rượu tây tàu. Thần kinh, xương thịt ta luôn réo gọi rượu Việt ta…

Không phải là mười lăm hai mươi phút mà hơn cả tiếng đồng hồ qua. Hai người cạn đến nậm rượu thứ hai. Cậu Xương hiểu rằng, mình không thể chần chừ nán lại. Hình như Nguyễn không còn mấy thăng bằng. Không đủ sức tiễn con bạn xuống ngõ, Nguyễn nhoai bên khung cửa sổ, cầm chiếc chén bạch định hạt mít, giơ ngang mặt không hề rung, mắt nhòa vời.

- Nhớ nhé… nhớ đầu tư thời gian cho văn hóa Hùng Vương nhé. Nhớ gửi ta cuốn Truyền thuyết Hùng Vương nhé…

Phút ấy, Nguyễn Khắc Xương đâu ngờ đó là khoẳng khắc cuối được thấy Nguyễn.

Năm 1996 Nguyễn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) thì năm 2013 Nguyễn Khắc Xương được tặng Giải thưởng Nhà nước (đợt 3) về những công trình mà Nguyễn từng khuyến mong.

Những nghiên cứu của Nguyễn Khắc Xương là tài liệu gốc để tỉnh Phú Thọ lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn khẩn cấp và không gian thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

Đại lão Nguyễn Khắc Xương mỗi dịp nhắc người bạn vong niên đặc biệt của thân phụ, lại lý giải vì sao Nguyễn được chính khách lẫn văn giới và bạn đọc trọng mến: Nguyễn là văn nhân quán nhất nhân tính từ trẻ cho tới kết tuổi già. Sự thực tài không cầu tư lợi danh tiếng hão. Đặt cái ngông lên hoàn cảnh, trong mọi trường hợp luôn thể hiện chính kiến không khuất phục xu thời. Tản Đà - Nguyễn Tuân hai vế giữa dấu gạch nối là chữ Ngông trên phông nền sâu sắc văn hóa Việt…

 Ngày 20/11/2013

Nguyễn Tham Thiện Kế

Theo

Cùng chuyên mục
  • Mộc Châu (Sơn La): Độc đáo Lễ hội Cầu mưa năm 2024

    (Xây dựng) – Cầu mưa là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm được người Thái trắng, xã Mường Sang tổ chức vào ngày 15/2 (âm lịch) hàng năm với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đồng thời, giáo dục thế hệ con cháu biết bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.

  • “Tây Ninh – Khúc hát tự hào” sẽ được tổ chức vào ngày 30/3/2024

    (Xây dựng) - Hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật quy mô với màn trình diễn 3D mapping và pháo hoa tầm cao kéo dài 15 phút tại Quảng trường Ga đi cáp treo núi Bà Đen. Hãy tới Tây Ninh cuối tuần này để dâng đăng, ngắm pháo hoa, xem trình diễn nghệ thuật với công nghệ 3D mapping.

  • Bắc Ninh có 2 đô thị di sản

    (Xây dựng) – Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, tỉnh Bắc Ninh có 2 đô thị di sản nằm chuỗi đô thị di sản vùng Thủ đô gồm: Luy Lâu (thị xã Thuận Thành) và Vũ Ninh (thị xã Quế Võ) cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

  • Sửa chữa một số hạng mục Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Điện Biên vừa ký ban hành Quyết định số 464/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Sửa chữa một số hạng mục Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2025.

  • Chùa Đậu – Đệ nhất danh lam và bí ẩn nhục thân bất hoại của hai vị thiền sư

    Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) được công nhận hai kỷ lục quốc gia: Là nơi có tượng nhục thân đầu tiên ở Việt Nam và sở hữu cuốn sách ghi lịch sử chùa bằng đồng có nhiều trang và cổ xưa nhất Việt Nam.

  • Mường La (Sơn La): Đặc sắc Lễ hội Nàng Han

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền về tín ngưỡng tâm linh, thể hiện lòng biết ơn tới vị tướng anh hùng Nàng Han có công đánh đuổi giặc, giúp bản làng có cuộc sống bình yên. Xã Mường Trai (Sơn La) vừa long trọng tổ chức Lễ hội Nàng Han năm 2024, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Xem thêm
  • Thanh Hóa: Điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lăng miếu Triệu Tường tại xã Hà Long

    (Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng vừa ký và ban hành Quyết định số 1108/QĐ-UBND, về việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2).

    20:58 | 25/03/2024
  • Khai hội chùa Bổ Đà - Ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo nhất xứ Kinh Bắc

    (Xây dựng) – Ngày 24/3, UBND thị xã Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà và Liên hoan Dân ca quan họ năm 2024. Chùa Bổ Đà được coi là ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo nhất xứ Kinh Bắc, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016.

    08:23 | 25/03/2024
  • Tinh hoa ẩm thực Bình Định

    (Xây dựng) - 54 gian hàng với những tinh hoa ẩm thực tiêu biểu, đặc sắc của Bình Định đã được giới thiệu đến công chúng tại khu vực Thi Nai Bay, thành phố Quy Nhơn. Lễ hội đem đến những trải nghiệm mới lạ và thú vị đối với người dân, những tín đồ ẩm thực trong nước và khách quốc tế.

    14:37 | 24/03/2024
  • Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Thìn 2024

    (Xây dựng) – Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày 24–27/3 (tức ngày 15-17/2 âm lịch). Đến thời điểm này, huyện Tam Đảo và các đơn vị liên quan đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, công tác tổ chức khai mac lễ hội cơ bản hoàn thành, đảm bảo lễ hội diễn ra đúng nghi lễ, an toàn, mang đậm nét văn hóa trên hành trình đến với Phật, về với Mẫu.

    22:51 | 23/03/2024
  • Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024 sẽ diễn ra vào cuối tháng 4

    (Xây dựng) - Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024 sẽ tạo ra các sự kiện, điểm nhấn nhằm quảng bá, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, hướng tới trở thành hoạt động thường niên góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các tỉnh thành trong cả nước.

    08:57 | 23/03/2024
  • Hơn 30 gian hàng tại Hội thi Ẩm thực “Nha Trang xưa và nay”

    (Xây dựng) - Ngày 22/3, tại công viên Yến Phi, đường Trần Phú, UBND thành phố Nha Trang tổ chức Hội thi Ẩm thực “Nha Trang xưa và nay”. Đây là 1 trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924-2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (22/4/2009-22/4/2024).

    22:55 | 22/03/2024
  • Xây dựng và lan tỏa giá trị tranh dân gian Đông Hồ

    (Xây dựng) - Tranh dân gian Đông Hồ là một di sản văn hóa quý giá được nhân dân làng Đông Hồ (nay là khu phố Đông Khê, phường Song Hồ) sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ; từng bức tranh đã thể hiện sinh động về xã hội nông nghiệp Việt cổ xưa cùng phong tục, tập quán, thẩm mỹ của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

    14:06 | 22/03/2024
  • Lưu giữ giá trị kiến trúc độc đáo của người Nùng ở Bắc Giang

    (Xây dựng) - Là một bản làng nhỏ, nằm nép mình bên những sườn đồi quanh năm xanh mát, bản cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) được biết đến với những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất - một nét kiến trúc độc đáo của người dân tộc Nùng.

    20:52 | 21/03/2024
  • Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc cầu ngói Phát Diệm hơn trăm năm tuổi

    (Xây dựng) – Cầu ngói Phát Diệm, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) bắc qua sông Ân có tuổi đời trên trăm năm có lối kiến trúc độc đáo, là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và cũng là nơi gắn liền với hình ảnh đất và con người vùng biển Kim Sơn.

    19:43 | 21/03/2024
  • Trà Vinh: Vận động xây dựng Khu lưu niệm “Vua vọng cổ” Viễn Châu

    (Xây dựng) - Sáng 21/3, Ban Vận động gây quỹ xây dựng Khu lưu niệm cố Soạn giả - NSND Viễn Châu (Ban Vận động) tổ chức cuộc họp. Theo Ban vận động, khu lưu niệm dự kiến xây dựng với diện tích 11.300m2 đất tại ấp Cây Da, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải.

    16:12 | 21/03/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load