Thứ bảy 27/04/2024 08:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

06:00 | 22/09/2014

(Xây dựng) - Tôi là Dương Ngọc Hà (tên thường gọi hiện nay là Jumiji Shindo). Tôi đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Tôi đã nhập quốc tịch Nhật Bản. Hiện tại, tôi đang muốn tìm hiểu một số quy định của pháp luật Việt Nam về lĩnh vực Hợp đồng lao động.

Tôi rất mong chương trình và các luật sư có thể giải đáp thắc mắc giúp tôi.Tôi rất muốn biết, Hợp đồng lao động được ký giữa người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam với chủ sử dụng lao động tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Với trường hợp của tôi, tôi nên lựa chọn hình thức Hợp đồng lao động nào để phù hợp với việc giữ quốc tịch Nhật Bản.

(Dương Ngọc Hà, Osaka, Nhật Bản)


Ảnh minh họa.

Trả lời:

Cơ bản Hợp đồng lao động đang được áp dụng đối với lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng giống, tương đồng với Hợp đồng lao động áp dụng đối với người lao động Việt Nam.

Khoản 3, Điều 12 và Khoản 4, Điều 15 của Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì: Sau khi có Giấy phép lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải ký kết với nhau Hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn về Hợp đồng lao động tính tới nay còn hiệu lực đều áp dụng chung cho cả người lao động nước ngoài và lao động Việt Nam. Phần quy định về Hợp đồng lao động trong những văn bản pháp luật này không có sự phân biệt nhiều giữa người lao động nước ngoài và lao động Việt Nam.

Chính vì vậy, về cơ bản Hợp đồng lao động ký với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là giống với Hợp đồng lao động ký với người Việt Nam.

Một số điểm khác biệt cần lưu ý khi ký kết Hợp đồng lao động với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

1. Hình thức Hợp đồng lao động:

Tại Tiết a, Điểm 1, Phần I của Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH có quy định “Trường hợp một bên ký kết hợp đồng lao động là người nước ngoài thì nội dung hợp đồng phải bằng tiếng Việt, sau phần tiếng Việt có thể thêm phần tiếng nước ngoài do hai bên thỏa thuận. Nội dung bằng tiếng Việt có giá trị pháp lý.”

Như vậy, về mặt hình thức, Hợp đồng lao động ký với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thể có thêm phần tiếng nước ngoài (nội dung tương ứng với tiếng Việt). Tuy nhiên trong mọi trường hợp, phần tiếng Việt là phần có giá trị pháp lý.

2. Nội dung Hợp đồng lao động:

Khoản 3, Điều 12 và Khoản 4, Điều 15 của Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì: Nội dung Hợp đồng lao động không được trái với nội dung ghi trong Giấy phép lao động đã được cấp. Như vậy, các nội dung như: Công việc thực hiện, nơi làm việc, thời hạn Hợp đồng phải phù hợp với Giấy phép lao động. 

Ngoài ra theo Khoản 2, Điều 115 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì: “Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại Khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.”

Vậy thời gian nghỉ lễ, tết của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng khác so với người lao động Việt Nam.

Một số điểm cần lưu ý khi ký kết Hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

(i) Về thời hạn thỏa thuận trong Hợp đồng lao động khi chủ sử dụng lao động ký kết với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

Như đã phân tích ở trên, thời hạn thỏa thuận của Hợp đồng lao động ký với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải phù hợp với Giấy phép lao động vì theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì thời hạn tối đa của Giấy phép lao động chỉ là 02 (hai) năm.

 (ii) Về đồng tiền thanh toán trong Hợp đồng lao động:

Theo Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam thì đối với người lao động Việt Nam, người sử dụng lao động phải trả tiền lương, thưởng và các khoản phụ cấp khác bằng tiền Việt Nam; còn đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động có thể trả các khoản tiền trên bằng ngoại tệ.

Do vậy, với trường hợp của bà, nếu bà muốn giữ Quốc tịch Nhật Bản thì bà nên tham gia lao động tại Việt Nam với tư cách là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, vì bà là người gốc Việt Nam theo luật Quốc tịch hiện hành của Việt Nam nên nếu bà muốn trở thành “công dân Việt Nam” để được hưởng toàn bộ các quyền, nghĩa vụ như đã phân tích ở trên đối với người lao động Việt Nam thì bà có thể tiến hành thủ tục đăng ký về Việt Nam thường trú theo dạng về hồi hương.

Luật sư Trịnh Thúy Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load