Thứ bảy 27/04/2024 05:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghệ An: “Nở rộ khoáng tặc” phục vụ nguyên liệu cho nhà máy xi măng

18:46 | 20/03/2020

(Xây dựng) - Thời gian vừa qua, trên địa bàn Nghệ An tình trạng đầu nậu khai thác đất phụ gia lậu đang diễn ra hết sức phức tạp. Đặc biệt tại các huyện như: Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn… Tình trạng này khiến người dân nơi đây không khỏi bức xúc.

nghe an no ro khoang tac phuc vu nguyen lieu cho nha may xi mang
Điểm khai thác đất lậu tại xã Khai Sơn.

Cấp phép xây dựng nhà máy nhưng không cấp phép vùng nguyên liệu

Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An thu hút không ít các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, với công suất lớn để phục vụ nguyên liệu cho ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Phải kể đến các dự án nhà máy như: Nhà máy xi măng Sông Lam hoạt động từ năm 2016 với công suất 4,5 triệu tấn/năm (xã Bài Sơn, huyện Đô Lương); Nhà máy xi măng Sông Lam 2 thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai với công suất 600 nghìn tấn xi măng/năm (huyện Anh Sơn).

Nhà máy xi măng Sông Lam giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 922/2016 với 2 dây chuyền sản xuất clinker công suất 12.000 tấn/ngày, 2 dây chuyền nghiền xi măng đồng bộ và đóng bao công suất 3,8 triệu tấn xi măng/năm tại Trạm nghiền Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc…

Bên cạnh đó, nhà máy xi măng Tân Thắng dự kiến bắt đầu đi vào vận hành thử nghiệm trong quý I/2020, công suất là gần 2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đã thống nhất việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy xi măng Hoàng Mai 2 công suất 3 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 2.

Đáng nói là ngoài vùng nguyên liệu chính để cấp phép cùng với dự án xây dựng nhà máy xi măng trên địa bàn, hiện tại, Nghệ An vẫn chưa cấp mỏ nguyên liệu phụ gia như: đất sét, đá sét, cát silic (có hàm lượng sắt, mangan)… làm nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng.

Như vậy, việc quy hoạch xây dựng nhà máy xi măng nhiều trên địa bàn tỉnh sẽ dẫn theo nhu cầu về nguyên liệu sản xuất tăng cao. Trong khi đó việc cấp phép, khoanh vùng nguyên liệu cho các nhà máy là chưa có, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong việc quản lý khai thác nguồn tài nguyên này.

Chính quyền có buông lỏng quản lý?

Người dân tại xóm 5, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương về tình trạng khai thác đất “lậu” để đưa vào nhà máy xi măng trên địa bàn huyện. Nhưng khi phóng xin tiếp cận các văn bản xử lý liên quan thì các lãnh đạo “đá bóng” trách nhiệm cho nhau.

Theo ông H. người dân sống gần bãi khai thác cho biết: “Từ gần cuối năm ngoái chúng tôi đã chứng kiến họ đào đất xung quanh đây, rồi chở cho nhà máy. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với xã bởi họ làm ảnh hưởng đến người dân chúng tôi, nhưng chính quyền đều làm ngơ mặc dù nơi lấy đất cách UBND xã không xa (khoảng 800m – PV)”.

Tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương và xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ sau khi các đầu nậu khai thác một thời gian và bị người dân phản đối dữ dội nên chính quyền địa phương đã có động thái đình chỉ khai thác.

Nhà máy xi măng Sông Lam đặt tại địa bàn xã Bài Sơn và cách điểm khai thác đất chui không xa, nếu chính quyền địa phương “tạo điều kiện” thì tình trạng khai thác “chui” có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, đất tại địa bàn xã Bài Sơn có chứa hàm lượng lớn sắt, mangan… đủ tiêu chuẩn để làm phụ gia xi măng.

Nếu tỉnh Nghệ An không tìm ra giải pháp thì vấn đề quản lý khoáng sản và sản xuất xi măng trên địa bàn toàn tỉnh sẽ gặp khó khăn. Tình trạng trên không chỉ gây thất thoát tài nguyên quốc gia, gây ô nhiễm môi trường mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác.

Trà Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load