Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, phụ tải hệ thống điện quốc gia giảm đáng kể. Tuy nhiên, điện sinh hoạt tăng cao vào những ngày nắng nóng tới 40 độ, gây áp lực cho ngành điện trong việc cung cấp điện.
Thủy điện hoạt động cầm chừng
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Thuỷ - kỹ sư phụ trách hệ thống thuỷ văn hồ thuỷ điện Hoà Bình cho biết, do ảnh hưởng từ năm 2019 - năm có tình hình thủy văn hết sức bất lợi, lượng nước tích của các hồ cuối năm trên lưu vực sông Đà đều thiếu hụt kỷ lục, dẫn đến lượng nước điều tiết của các hồ trên thượng lưu đầu mùa khô năm 2020 rất hạn chế.
Tình hình thủy văn đầu năm 2020 vẫn tiếp tục khô hạn, lượng nước về hồ vẫn không được cải thiện. Tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong 4 tháng đầu năm 2020 ở mức rất thấp, chỉ đạt 4.167 triệu m3, bằng 89% so trung bình nhiều năm (bằng 39% và là năm thấp nhất so cùng kỳ kể từ khi đưa hồ Sơn La vào vận hành năm 2010.
Đến thời điểm cuối tháng 4.2020, sản lượng điện sản xuất của Công ty Thủy điện Hòa Bình chỉ đạt 1,387 tỉ kWh, đạt 16,8 % so với kế hoạch năm (8,259 tỉ kWh), tương đương 67,8% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (2,046 tỉ kWh) và cũng là năm có sản lượng điện sản xuất kém nhất.
Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình gần với mực nước chết. Ảnh Cường Ngô |
Cũng theo ông Thuỷ, do hạn hán lượng nước về thiếu hụt của các hồ trên khắp cả nước dao động từ 30% đến 70% so với trung bình nhiều năm nên thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải huy động cao các nguồn nhiệt điện than, khí, kể cả các nguồn điện chạy dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt của các hồ thủy điện.
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho hay, trước tình hình thủy văn được dự báo tiếp tục khó khăn và nhu cầu phụ tải tăng cao trở lại sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, EVN cũng đã xây dựng sẵn các kịch bản vận hành hệ thống điện.
Trong đó, nguồn thủy điện tiếp tục được huy động theo tình hình thủy văn thực tế, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của các quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du.
Các nguồn nhiệt điện than sẽ được huy động tối đa công suất, nguồn tuabin khí được huy động theo khả năng cấp khí của các hệ thống cung cấp khí cho phát điện. Riêng nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và mặt trời) sẽ được huy động theo khả năng giải tỏa công suất của lưới điện.
Huy động mọi nguồn để đáp ứng đủ điện
Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, trong các tháng còn lại của năm 2020, để đáp ứng nhu cầu điện trong tình huống thiếu hụt một phần thủy điện, nguồn nhiệt điện chạy dầu có giá thành sản xuất cao cũng sẽ phải huy động.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị trong mọi tình huống đều phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện chạy dầu để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Trước những lo ngại về tình trạng mất cân đối cung cầu điện có thể xảy ra, ông Trần Tuệ Quang cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho năm 2020 như: Yêu cầu các đơn vị cung cấp nhiên liệu than, khí có giải pháp ưu tiên đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện, chỉ đạo EVN và các nhà máy điện đảm bảo độ sẵn sàng của các tổ máy.
Theo CƯỜNG NGÔ/Laodong.vn