(Xây dựng) - Trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 7/6, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT). Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. |
Một trong những nội dung các đại biểu chất vấn là giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tiến độ triển khai các dự án giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia trọng điểm của ngành GTVT cơ bản được đảm bảo đã hoàn thành. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng là 1.729km.
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế được Bộ GTVT và các địa phương triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ được giao và sẽ khởi công trong cuối tháng 6/2023 theo đúng kế hoạch…
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc về việc một số tỉnh đã đề xuất chủ trương với Bộ GTVT và Chính phủ có cơ chế để cho phép tỉnh dùng ngân sách của địa phương đầu tư mở rộng các tuyến đường bộ thuộc quản lý của Trung ương để phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội. Sau đầu tư, sẽ bàn giao cho Trung ương quản lý? Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách cũng như là quy định của Luật Giao thông đường bộ thì các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT. Các tuyến đường tỉnh lộ trở xuống thì thuộc trách nhiệm của địa phương.
Thời gian vừa qua, trong bối cảnh nguồn ngân sách giao cho Bộ có hạn mà nhiều tuyến đường trong cả nước xuống cấp nên một năm Bộ GTVT được chỉ đáp ứng được khoảng 66%.
Đơn cử, nhiệm kỳ này nhu cầu đầu tư cần 462.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ đồng, nên “không thể đáp ứng được hết việc đầu tư các tuyến đường, đặc biệt là quốc lộ” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.
Bộ trưởng cho biết: Cả nước có gần 25.000 tuyến quốc lộ. Trong bối cảnh nguồn ngân sách Trung ương có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn để cùng với Trung ương thực hiện việc đầu tư nâng cấp đối với các tuyến quốc lộ là rất cần thiết, quan trọng và phù hợp. Không phải chỉ có ở Vĩnh Phúc, rất nhiều địa phương vừa rồi cũng đề nghị như đại biểu nêu.
Bộ GTVT đã tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp và trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để cho phép thực hiện thí điểm cơ chế trong lúc luật chưa sửa được để Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép địa phương có thể có nguồn vốn tham gia cùng với nguồn ngân sách Trung ương để triển khai các dự án xây dựng quốc lộ, cũng như đường cao tốc.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ và Bộ GTVT sẽ triển khai.
Bộ trưởng cho biết thêm: Trong dự thảo Luật Đường bộ sắp trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp thứ 6 và thông qua Kỳ họp thứ 7, Bộ GTVT đưa nội dung này vào dự thảo của luật để cho phép thực hiện việc này khi luật được thông qua.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH Long An về kế hoạch rà soát các tuyến đường cao tốc có 2 làn xe để nâng cấp và mở rộng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Việc đầu tư các tuyến đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, thậm chí 6 - 8 làn là nhu cầu rất đúng đắn và cấp thiết.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo là cố gắng đầu tư tuyến cao tốc nào hoàn chỉnh làm 4 làn xe tuyến đó. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do nguồn lực có hạn, nhiều tuyến chỉ có tiền, có ngân sách để làm 2 làn xe. Theo tổng hợp của Bộ GTVT, hiện vẫn còn có khoảng 5 tuyến cao tốc 2 làn xe. Trong đó, tại Thừa Thiên - Huế có 2 tuyến là La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn.
Chiều 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực GTVT. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Bộ GTVT ghi nhận và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các Bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ trong việc tiếp tục mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách để tập trung vào việc nâng cấp tất cả những tuyến cao tốc 2 làn xe lên tối thiểu thành 4 làn xe hoàn chỉnh…
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đồng thời đề cập nhiều vấn đề khác như hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước; Giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; Công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…
Quý Anh
Theo