Vấn đề nhà ở công nhân ở Đồng Nai đang rất nhức nhối, do số lượng công nhân nhập cư đông, trong khi số lượng nhà ở công nhân đáp ứng được nhu cầu lại “nhỏ giọt”. Do đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai gần đây đã đưa ra nhiều giải pháp từ ngắn hạn đến dài hạn để giải quyết vấn đề này. Lần đầu tiên, Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai cũng đối thoại riêng với đoàn viên lao động để giải đáp thắc mắc của công nhân.
Một khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hà Anh Chiến |
Dịch COVID-19, bất cập nhà trọ lộ rõ
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay cuộc sống của số lao động nhập cư đều gắn liền với các khu nhà trọ thiếu thốn điều kiện an toàn về an ninh trật tự, phòng chống dịch… Khi có vấn đề xảy ra thì người công nhân luôn chịu nhiều thiệt thòi. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Công ty TNHH Pouchen VN, TP.Biên Hòa cho biết: Là CNLĐ khi thuê phòng trọ thường là không có hợp đồng thuê trọ, nên khi xảy ra các vấn đề ngoài ý muốn thì thiệt thòi thường ở về phía CNLĐ. Có trường hợp chủ nhà trọ không hài lòng việc gì đó là đuổi ngang không cho thuê. Đợt dịch vừa qua có nhiều trường hợp CNLĐ phải đi cách ly tập trung, khi hết thời gian cách ly quay về thì chủ nhà trọ không cho vào.
Còn chị Nguyễn Thị Quyên, cùng làm tại Công ty TNHH Pouchen VN cho biết thêm, hiện nay, các khu nhà trọ do người dân xây dựng thường không có các tiện ích, không gian phục vụ sinh hoạt chung nên cuộc sống ở nhà trọ rất tù túng.
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 2.893 căn được hoàn thành trong khi số lượng công nhân lao động là hơn 1,2 triệu người và đa phần là lao động nhập cư, nhu cầu nhà ở rất cao và đang phải sống chen chúc trong các căn nhà trọ chật hẹp. Để tiết kiệm diện tích mở rộng thêm phòng trọ, các căn nhà trọ được xây dựng san sát, đối diện nhau với khoảng cách phòng đối nhau chỉ khoảng 1m. Trong khi đó, có nhiều phòng trọ chỉ có diện tích từ 12-14m2 nhưng có tới 4-6 người. Đặc biệt sau đợt dịch vừa qua, càng nhận thấy rõ bất cập của nhà trọ nhỏ và đời sống của người lao động không được đảm bảo. Khi xảy ra dịch COVID-19, người lao động không đi làm việc được, 3 tháng liền phải ở trong nhà trọ chật chội, nguy cơ lây lan dịch rất cao. Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Đồng Nai, công nhân lao động sinh sống trong các nhà trọ nhiễm rất nhiều, thậm chí có những khu trọ hàng trăm người đều bị nhiễm.
Khả năng tài chính của NLĐ dưới 300 triệu đồng
Để nắm rõ thực trạng của người lao động, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khảo sát nhiều khu nhà trọ công nhân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người lao động. Theo đó, có hơn 50% người lao động được hỏi cho hay, giá trị căn hộ theo khả năng tài chính của họ có thể thanh toán được chỉ dưới 300 triệu đồng. Việc sở hữu một căn nhà, căn hộ đối với họ là vấn đề khá khó khăn, ngay cả đối với những người có thời gian làm việc tại Đồng Nai trên 15 năm cũng có tới trên 60% trả lời rằng họ chỉ có đủ khả năng mua được những căn nhà/căn hộ có giá dưới 300 triệu đồng.
Trả lời những thắc mắc của người lao động tại cuộc đối thoại mới đây, lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho biết, trước đây chưa có quy định doanh nghiệp được đầu tư khu công nghiệp và cũng chưa có hướng dẫn thực hiện, địa phương lập quy hoạch thì chưa chú trọng dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở xã hội cho công nhân lao động như hiện nay.
Về giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo các sở, ngành cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Theo đó, Đồng Nai hiện có 13 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích 59,3ha, khả năng đáp ứng gần 8.200 căn hộ đang được triển khai; 9 dự án khác với diện tích 25,8ha, bố trí khoảng 6.000 căn hộ đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về lâu dài, Sở Xây dựng cho biết khi lập quy hoạch phải xác định rõ đất xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp khi đầu tư khu công nghiệp có trách nhiệm đầu tư khu nhà ở công nhân gắn với khu công nghiệp đó. Đối với các khu công nghiệp đã thành lập thì rà soát các khu đất chưa sử dụng để bố trí nhà ở xã hội cho công nhân.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai - đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai nhanh chóng hoàn thiện đề án phát triển nhà ở xã hội cho người lao động. Ông Lĩnh yêu cầu từ nay đến 2025 phải trình Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng lưu ý các địa phương phải tìm thêm nhiều địa điểm, dành nhiều quỹ đất hơn nữa cho nhà ở xã hội.
Theo thống kê, Đồng Nai có khoảng 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động.
Theo HÀ ANH CHIẾN/Laodong.vn