(Xây dựng) - Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, Cty Tân Phong (TT Mường Tè) là nhà thầu phụ của Cty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, có địa chỉ (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), đã ngang nhiên xúc 2 điểm đồi ở ngay gần Trung tâm thị trấn đi đắp cơ đường ven lòng hồ thủy điện Lai Châu do Ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Sơn La – Lai Châu làm chủ đầu tư. Việc chủ đầu tư làm ăn “bậy bạ”, để các nhà thầu dùng nguồn nguyên lật liệu xây dựng trôi nổi đưa vào công trình sẽ là tiếp tay cho việc “ăn cắp” khoáng sản. Trách nhiệm ấy thuộc về ai? Liệu rằng, cứ thi công kiểu “nhặt nhạnh” này thì nguồn thuế tài nguyên, khoáng sản đều bị mất sạch và lợi nhuận được hưởng là những nhà thầu “béo bở”.
Tuyến đường đã được đắp lên cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Tiến, một cán bộ nghỉ hưu, sinh sống ngay gần Bến xe khách TT Mường Tè cho biết: Suốt 3 tháng qua, trước khi vào mùa mưa, mấy chục chiếc xe tải của Cty Tân Phong hùng hục chở đất, đá lao xuống đắp cốt con đường ven lòng hồ thủy điện Lai Châu mà chẳng thấy ai bảo sao. Đất đá thì quăng quãi đầy đường, người đi xe cứ thấy đoàn xe của Cty Tân Phong là phải tránh xa, bởi đây là một trong những đoàn xe được biệt danh là “hung thần” ở đất này.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, mấy khu đồi mà phía doanh nghiệp Tân Phong xúc đó đều là đất đồi rừng cả, chả hiểu sao họ lại xúc đi như vậy, để rồi đợt mưa lũ vừa rồi, đất đồi cứ lở và trôi xuống đường, gây úng ngập, lầy lội, khó khăn cho bà con nhân dân đi lại. Phải đến khi UBND huyện Mường Tè yêu cầu dùng xe gạt thì bùn đất lại được đẩy xuống sông Đà.
Một điểm do Cty Tân Phong, nhà thầu phụ của Cty Phương Thành thi công xúc gạt đất, gây sạt lở nghiêm trọng ra đường.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết để giúp nhân dân vùng Tây Bắc thuận lợi hơn trong cuộc sống, cũng nhưng phát triển đô thị miền núi, Nhà nước đã cho đầu tư, làm một con đường chạy dọc ven hồ thủy điện Lai Châu và giao cho Ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La – Lai Châu làm chủ đầu tư. Tuyến đường này được phê duyệt dự toán khoảng gần 100 tỷ. Và khi tổ chức đấu thầu, không hiểu bằng cách nào mà nhà thầu Phương Thành lại lọt vào “vòng chung kết” để rồi thắng thầu dự án này.
Điều lạ, mặc dù là nhà thầu chính tại đây, nhưng khi phóng viên đến tìm hiểu dự án thì tuyệt nhiên không hề có mặt một cán bộ nào của Ban Quản lý dự án cũng như nhà thầu lẫn tư vấn giám sát. Cực chẳng đã, phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Hồng Phương - Trưởng ban Quản lý dự án Thủy điện Sơn La, người điều hành chung toàn bộ 2 dự án lớn là thủy điện Sơn La và Lai Châu (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam). Ông Phương cho biết, hiện tại mình đang đi họp ở Hà Nội và sẽ hồi đáp sau. Tuy nhiên sau đó, ông Sáng, cán bộ phụ trách dự án có liên lạc lại nói sơ sài về dự án rồi “mất dạng”.
Liên hệ với ông Thắng, phụ trách dự án này của Cty Phương Thành thì ông Thắng cho biết: Lý do mà nhà thầu lấy đất đồi khi chưa có giấy phép là do tiến độ của dự án. Rồi ông này luôn miệng kêu lỗ khi thi công dự án này. Rồi sau đó, ông này quay sang “chém gió” về những thành tích của Cty CP Giao thông Phương Thành đang “làm mưa, làm gió” trên các dự án giao thông trên toàn quốc.
Một điểm khác do Tân Phong đào xới đã tạo ra mặt bằng khá lớn, và tập kết máy móc vào đây. Đất mang đi làm cốt đường
Từ lời của ông Thắng chia sẻ về những thành tích của doanh nghiệp mình, phóng viên đã cất công tìm hiểu về Cty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành này và được biết: Doanh nghiệp này trước đây vốn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, với tên gọi tiền thân là Cty Xây dựng và Dịch vụ Giao thông Vận tải, được thành lập tháng 11/1999 từ Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam. Năm 2004, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có quyết định số 1666/QĐ-BGTVT, ký ngày 03/6/2004 về việc chuyển Cty Xây dựng và Dịch vụ Giao thông Vận tải thành Cty CP Đầu tư & Xây dựng Giao thông. Năm 2007 Cty thoái toàn bộ vốn Nhà nước, và lúc này đã bắt đầu xuất hiện một số cổ đông “cá mập” vào thâu tóm doanh nghiệp.
Năm 2010, Cty đã trúng thầu 27 công trình lớn nhỏ trải dài từ Bắc vào Nam. Đó là các công trình nâng cấp, sửa chữa QL37 Bắc Giang- Thái Nguyên; QL 38 Hải Dương – Cầu Tràng; Gói 10; Gói 12 Quản Lộ – Phụng Hiệp; Gói 6 tuyến N2 Long An; Gói thầu số 2 Dự án QL1 đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ; Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Dự án 53.1 Trà Vinh; QL91 Châu Đốc; Dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; Dự án Mở rộng QL1 Đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ; Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Tuần Giáo- Lai Châu… Nhưng điểm lại các gói thầu này thì phần đa đều có “khuất tất”. Điều hành chính của doanh nghiệp này hiện nay là ông Phạm Văn Khôi, chủ tịch kiêm TGD Cty. Tại thời điểm này Cty cũng đang đầu tư toàn bộ dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhiều tai tiếng. Ngoài ra, hàng loạt các dự án đường cao tốc khác như: Hạ Long - Vân Đồn, dự án BOT cầu Bạch Đằng…
Xe cộ đi lại khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ phóng Tài nguyên Môi trường huyện Mường Tè cho biết: Hoạt động khai thác đất để đi đắp cốt đường chỉ dừng lại khi Sở Tài nguyên Môi trường và lập biên bản, yêu cầu dừng. Nhưng hiện tại, số lượng đất đá đắp cốt nền đường do Cty Tân Phong thực hiện là cơ bản trên vùng ngập, tức là hàng chục nghìn m³ đất đá đã được đào đắp cho toàn tuyến đường này mà không có giấy phép khai thác khoáng sản.
Để giải phóng ngập úng đường, phía doanh nghiệp Tân Phong đã dùng máy móc san gạt đất đá trôi xuống sông Đà.
Điều này khiến dư luận hoài nghi, ai đang “chống lưng” cho các doanh nghiệp làm liều khi bất chấp pháp luật. Đã đến lúc cần phải sớm làm rõ.
Đức Hải – Nam Long
Theo