Thứ tư 08/05/2024 22:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Một số quy định về trách nhiệm quản lý trong quá trình thanh tra, kiểm tra, quản lý việc áp dụng TCQC kỹ thuật Xây dựng nhằm công khai, minh bạch

20:33 | 03/12/2020

(Xây dựng) - Hệ thống TCQC là hành lang kỹ thuật đóng vai trò quan trọng định hình sự tồn tại phát triển của công trình xây dựng. Đồng thời cũng là những công cụ pháp lý rất quan trọng được sử dụng phổ biến trong hoạt động xây dựng, nhằm hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia. Đồng thời góp phần giúp cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng minh bạch và hiệu quả.

mot so quy dinh ve trach nhiem quan ly trong qua trinh thanh tra kiem tra quan ly viec ap dung tcqc ky thuat xay dung nham cong khai minh bach
Tăng cường giám sát nhằm nâng cao chất lượng công trình (ảnh minh họa).

Hệ thống Bộ Quy chuẩn Việt Nam có khoảng 44 bộ, trong đó Bộ Xây dựng ban hành 16 bộ, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ban hành 28 bộ. Việt Nam hiện có khoảng 1.200 tiêu chuẩn quốc gia, chia thành 11 nhánh, bao quát đầy đủ và toàn diện các lĩnh vực, công nghệ và quá trình xây dựng công trình.

Căn cứ thực trạng toàn bộ tiêu chuẩn cơ sở đã được áp dụng trong các hoạt động xây dựng. Hệ thống quy chuẩn Việt Nam mặc dù nhiều nhưng chưa phủ hết các đối tượng, loại công trình cụ thể, nhiều hoạt động xây dựng và loại công trình cần được ban hành quy chuẩn Việt Nam: Cầu, đường, đập, hồ chứa, nhà ở và công trình công cộng… Chất lượng một số quy chuẩn Việt Nam chưa phù hợp với thực tiễn do được chuyển dịch từ tài liệu nước ngoài, một số quy chuẩn Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công trình xây dựng nước ngoài đang áp dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc công khai, hệ thống, sắp xếp các quy chuẩn Việt Nam còn thiếu và yếu, không rõ lộ trình xây dựng mới và soát xét các quy chuẩn Việt Nam cần thiết, một số quy chuẩn Việt Nam còn trùng lặp về phạm vi và đối tượng, các địa phương gần như không ban hành quy chuẩn, chưa có sự kết nối rõ ràng giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn. Dẫn đến việc hầu như không thể tìm được bản quy hoạch hệ thống quy chuẩn Việt Nam chuyên ngành trên mạng, một số quy chuẩn chỉ phổ biến trong một ngành mà không được quan tâm ở ngành khác, các nhà đầu tư, nhà thầu muốn tuân thủ quy chuẩn Việt Nam nhưng không biết tìm ở đâu, có nhưng quy chuẩn nhắm vào những đối tượng quá cụ thể.

Đối với hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, vì đa số được dịch chuyển từ tài liệu nước ngoài nên có những tiêu chuẩn Việt Nam không phù hợp với thực tiễn, tính đồng bộ chưa cao do trộn lẫn nhiều hệ thống tiêu chuẩn của nhiều nước, đối tượng và phạm vi điều chỉnh hạn chế, các tiêu chuẩn cũ còn khá nhiều thường gặp vấn đề về công nghệ lạc hậu, thiếu kết nối với các phần mềm hiện đại hỗ trợ thiết kế, thi công.

Công tác quy hoạch tiêu chuẩn Việt Nam cũng chưa được quan tâm, do đó chưa đảm bảo sự kết nối giữa các Bộ, ngành, chưa có phân vai rõ nét giữa các Bộ, ngành trong công tác biên soạn tiêu chuẩn Việt Nam. Việc ban hành các tiêu chuẩn cơ sở hoàn toàn thuộc quyền của các tổ chức, doanh nghiệp dẫn đến sự tự phát, thiếu sự quản lý của nhà nước, nội dung tiêu chuẩn cơ sở không đáp ứng được yêu cầu quy chuẩn Việt Nam.

Việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng 2014 như sau: Hoạt động đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động đầu tư xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; Tiêu chuẩn áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư;

Việc áp dụng tiêu chuẩn phải bảo đảm các yêu cầu sau: Phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan; Bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng;

Việc áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong hoạt động đầu tư xây dựng phải đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan; Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Nói về trách nhiệm của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế giám sát chất lượng công trình PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy định về trách nhiệm của các bên liên quan đối với chất lượng công trình xây dựng đã có từ rất lâu và trách nhiệm này đi theo hết cả vòng đời dự án, chứ không chỉ là trong giai đoạn bảo hành dự án.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 63, Luật Xây dựng: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp Nhà nước quyết định thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực để quản lý một số dự án thuộc cùng chuyên ngành, tuyến công trình hoặc trên cùng một địa bàn”. Theo Khoản 8, Điều 4, Luật Doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Căn cứ các quy định trên, Ban Quản lý dự án do doanh nghiệp nhà nước thành lập là Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực theo quy định của Luật Xây dựng.

Các Ban Quản lý dự án thực hiện quản lý dự án theo giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. và quản lý dự án theo nội dung quản lý: Quản lý khối lượng công việc, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý tiến độ thực hiện, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng, quản lý bảo vệ môi trường trong xây dựng, quản lý lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng, quản lý rủi ro, quản lý hệ thống thông tin công trình.

Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng là một vấn đề then chốt để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước ngành Xây dựng. Đây là những quy định pháp luật về mặt kỹ thuật để các cơ quan chuyên môn xây dựng thẩm định, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng. Đồng thời góp phần giúp cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng minh bạch và hiệu quả. Và sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị thi công và các cơ quan quản lý về xây dựng sẽ tạo ra chất lượng công trình đạt tiêu chuẩn quy chuẩn được cấp phép và được vận hành an toàn.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load