Thứ sáu 27/12/2024 05:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Miền Tây cần thêm hạ tầng để phát triển nhanh, bền vững

12:06 | 15/06/2023

(Xây dựng) - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược của nước ta. Là nước xuất phát điểm thấp nên dù đã đạt được những thành tựu như mơ về phát triển hạ tầng kể từ khi đổi mới 1986 tới nay, chúng ta vẫn cần thêm thời gian để tích lũy nguồn lực đầu tư. Với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạ tầng đã, đang và sẽ là nền tảng cấp thiết để phát triển, trước hết là bắt kịp các khu vực phát triển khác của cả nước và sau đó là bứt phá để đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Miền Tây cần thêm hạ tầng để phát triển nhanh, bền vững
Tiến độ thi công công trình cầu Mỹ Thuận 2 thời điểm Tháng 5/2023 ( Ảnh nguồn: Internet).

Vai trò ĐBSCL

ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây còn là vùng cực Nam “Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia.

ĐBSCL gồm 01 thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

ĐBSCL có diện tích 40.577,6 km2 với nguồn nhân lực gần 20 triệu người - lớn hơn lãnh thổ và dân số của nhiều quốc gia trên địa cầu. Miền Tây sản xuất ra 60 % sản lượng lúa, 40% thuỷ sản, cung cấp nguồn nhân lực chính cho vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm công nghệ, công nghiệp và dịch vụ đầu tàu của cả nước.

Nền tảng pháp lý cho phát triển

Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL trên tất cả các lĩnh vực và đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Các nhiệm vụ, giải pháp này được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, trong đó có giao nhiệm vụ các địa phương trong vùng khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch;

Quyết định số 287/QĐ-Ttg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội ngày 19/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02/3/2020 về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/06/2022 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những quyết sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, mục tiêu và chỉ đạo rõ ràng cho ĐBSCL.

Tổng quan hiện trạng

ĐBSCL có hơn 700km bờ biển (bằng 23% cả nước); 367 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo; vùng có vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng, do nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng; có khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn 1.000 đơn vị hành chính cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8% . Đây là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Đồng thời, trong vùng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều,... và là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Các thách thức lớn của vùng

Biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước để xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, sụt lún, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa yếu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn; thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp và dịch vụ; thiếu hạ tầng cung cấp nước sạch, xử lý rác và nước thải. Nhiều tỉnh thường xuyên đối mặt với hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và nước sạch sinh hoạt; các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư và đưa vào khai thác kịp thời làm cho vùng không có nguồn lực mới để tăng trưởng; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của vùng; giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Đến nay vẫn còn phà hoạt động trên các dòng sông như phà Đại Ngãi qua sông Hậu. Thời gian di chuyển từ thủ phủ tỉnh này đến tỉnh kia, từ các tỉnh trong vùng đến Thành phố Hồ Chí Minh mất quá nhiều thời gian, đẩy chi phí vận tải lên cao, hàng hóa vì thế kém cạnh tranh.

Thực tế, phải mất 7 tiếng để từ Sài Gòn xuống Hà Tiên với chiều dài chỉ 300 km; mất 6 tiếng để kết thúc hành trình từ Mỹ Tho đến Cà Mau dài 250 km; mất 2 tiếng rưỡi để đi tàu nhanh từ Rạch Giá đi Phú Quốc và phải mất 4 tiếng đi phà nếu muốn vận chuyển hàng hóa bằng đường biển kết nối đất liền với Phú Quốc;

Nguồn nhân lực di cư đến vùng Đông Nam Bộ trong một thời gian dài đã làm giảm mạnh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, làm tăng tốc tình trạng già hóa dân số và kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh xã hội. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được chú trọng (Ví dụ: Nhân sự cấp trưởng các bộ phận của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại thành phố Phú Quốc đều phần lớn được tuyển dụng từ Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh ngoài khu vực). Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, dù được cải thiện, còn hạn chế so với một số vùng. Thói quen “nhậu” nhiều ảnh hưởng đến số giờ lao động và năng suất lao động;

Tỷ lệ đô thị hóa thấp: Đến năm 2021, toàn vùng ĐBSCL đạt 31,16% thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 40,4% (năm 2021); Ngoài thành phố Cần Thơ, thành phố Phú Quốc, chưa có các cực tăng trưởng thúc đẩy vùng phát triển; Tình trạng chủ nghĩa bình quân cả vùng vẫn hiện hữu, chưa có đột phá, sáng tạo về thể chế để tạo điều kiện cho cả vùng bứt phá. Vốn đầu tư cho hạ tầng còn khiêm tốn: Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho vùng tăng lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016 - 2020, riêng số vốn bố trí để đầu tư hệ thống đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% mức vốn đầu tư cho đường cao tốc của cả nước, gấp 14 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (3.052 tỷ đồng). Tuy thế, với số vốn này cho cả vùng là rất khiêm tốn. Cần thu hút nguồn vốn xã hội hóa mạnh mẽ…

Tiềm năng

ĐBSCL giàu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, BĐS, công nghiệp, nguồn nhân lực…. Có thể kể đến:

Về du lịch: ĐBSCL có vị trí ở khu vực trung tâm ASEAN, kết nối đến hầu hết thủ đô các nước trong 2 giờ bay nên thuận lợi trong thu hút du khách khu vực với chi phí hợp lý. Các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, nhất là các quần đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hải Tặc, Nam Du, đảo Hòn Chuối... nằm trong vịnh Thái Lan, nước nông, không có bão nên thuận lợi cho đầu tư mà không bị gián đoạn kinh doanh, giảm chi phí bảo hiểm rủi ro; Có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhiều sản vật địa phương, ẩm thực đa dạng, thu hút; Thiên nhiên ưu đãi với nắng ấm quanh năm nên có sức hút với du khách quốc tế đến nghỉ dưỡng nhất là vào mùa đông của châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương; Có nhiều quần đảo và đảo với không gian đủ lớn để phát triển; có núi, rừng, đồng bằng, có các khu dự trữ sinh quyển, có sông Tiền và sông Hậu, có nhiều kênh, rạch, nhiều miệt vườn trù phú… nên có tiềm năng rất lớn về du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, du lịch sức khỏe; Dân số đông nên có nhu cầu sử dụng dịch vụ lớn. Nguồn nhân lực dồi dào có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động lớn của ngành công nghiệp không khói tại chỗ;

Về nông nghiệp: ĐBSCL đang là vựa lúa, trái cây, là trung tâm thủy, hải sản của cả nước. Tiềm năng vô cùng to lớn về lúa gạo, cây ăn quả và nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, sản xuất nước mắm cần tiếp tục được hiện thực hóa.

Về năng lượng tái tạo: Có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, ĐBSCL có trên 68.600 MW tiềm năng điện gió trên đất liền và trên 31.500 MW tiềm năng điện mặt trời. Phát triển điện gió là một trong những ngành được đặt nhiều kỳ vọng và ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt là các tỉnh có bờ biển dài, như Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh có dư địa phát triển rất lớn. Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cũng có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái trên toàn quốc.

Về bất động sản: Có tiềm năng lớn về bất động sản đô thị khi tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Tiềm năng vô cùng lớn về bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp và logistics hàng không, hàng hải, đường thủy, đường bộ.

Các giải pháp thúc đẩy hạ tầng

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, các thách thức, vốn, tiềm năng và cơ sở pháp lý cho toàn vùng, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị, bao gồm cả kiến nghị dài hạn và đầy thách thức sau:

Về thể chế: Tiếp tục xem xét để sớm thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phù hợp Hiến pháp 2013 tại vùng nhằm thử nghiệm thể chế, đào tạo nguồn lãnh đạo cấp cao, tạo ra đầu tầu kéo cho toàn vùng và cả nước; Nghiên cứu thành lập các đặc khu kinh tế tại cửa khẩu, các đảo tiềm năng hay ngay tại thủ phủ các tỉnh thu hút đầu tư. Lào và Campuchia đang vận hành hàng chục Đặc khu kinh tế mỗi nước. Có đặc khu đặt ngay tại thủ đô Viêng Chăn; Xây dựng chính sách cụ thể, thúc đẩy sớm kinh tế ban đêm;

Về quy hoạch: Tiến hành khảo sát, đánh giá cập nhật thực trạng toàn vùng làm dữ liệu đầu vào cho quy hoạch vùng, các chiến lược, kế hoạch, dự án của từng tỉnh, cụm tỉnh và toàn khu vực. Chẳng hạn, đây là vùng có địa chất khó khăn cho phát triện hạ tầng, nên cần có khảo sát kỹ để lựa chọn hướng tuyến phù hợp mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt. Trên cơ sở này, các tỉnh cần tích cực triển khai quy hoạch vùng như một ưu tiên hàng đầu.

Quy hoạch hạ tầng du lịch: Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, các tỉnh ven biển được nhóm thành 4 vùng biển và ven biển. Điều đáng lưu ý là cả 4 vùng này đều chú trọng phát triển du lịch. Tuy vậy, chúng ta chưa có quy hoạch về cơ sở lưu trú cho cả nước, cho từng vùng, từng tỉnh nên dẫn đến đầu tư chỗ thiếu, chỗ thừa, vừa lãng phí nguồn lực xã hội, lãng phí tài nguyên, vừa đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào rủi ro.

Đơn cử như Phú Quốc, theo Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, sẽ có khoảng 54.600 phòng khách sạn. Đến nay Phú Quốc đã đạt khoảng 25.000 phòng với công suất tối đa có thể lên đến 20.000 lượt khách. Trong khi đến Phú Quốc chủ yếu bằng đường hàng không. Sân bay quốc tế Phú Quốc mới có công suất 5 triệu khách/năm.

Hiện nay, công suất phòng đang dư thừa và bất tương thích với năng lực hạ tầng giao thông. Tất nhiên, đến Phú Quốc còn có thể đi bằng đường thủy. Khách quốc tế, nhóm khách từng đóng góp 65% doanh thu du lịch cho Việt Nam năm 2019, giảm rất mạnh. Chỉ còn khách nội địa cũng đang khó khăn. Tình trạng tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trú và mức chi tiêu của khách nội địa ở Phú Quốc hậu Covid-19 rất thấp dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Hệ quả là sức hấp dẫn cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn gặp khó khăn. Các doanh nghiệp đã được giao đất thì phải làm vì nếu không sẽ bị thu hồi, nhưng nếu làm sẽ kéo tỷ lệ lấp đầy cơ sở lưu trú của cả đảo xuống thấp nữa. Trong khi đó, khu vực Mũi Cà Mau chỉ có duy nhất 1 khách sạn như nhà nghỉ khoảng chục phòng, còn lại là một số homestay và nhà nghỉ tự phát chất lượng thấp. Trừ Phú Quốc (Kiên Giang) và Cần Thơ, đa số các tỉnh chưa có khách sạn thương hiệu quốc tế. Mỹ Tho (Tiền Giang), Vị Thanh (Hậu Giang), Bến Tre có khách sạn 4 sao và vài khách sạn 2-3 sao, vài tỉnh còn chưa có khách sạn chuẩn 3 sao. Đến Long Xuyên, Cao Lãnh, Tân An, Vĩnh Long… lựa chọn khách sạn chất lượng là một vấn đề của du khách.

Quy hoạch không gian biển và bờ biển trong đó có quy hoạch lấn biển cũng rất cấp thiết cho phát triển. Ngoại trừ Kiên Giang, 2 thành phố Rạch Giá và Hà Tiên có quy hoạch lấn biển và bước đầu đã hiện thực hóa được một số dự án, Phú Quốc hay các tỉnh ven biển khác chưa có quy hoạch lấn biển để mở rộng không gian phát triển và tạo ra các sản phẩm độc đáo trên biển kiểu như Maldives, Bora Bora, nhất là các khu vực biển nông, đầm lầy ven biển không sử dụng được và xấu về cảnh quan.

Quy hoạch bài bản đất sản xuất, kinh doanh trong đó có đất thương mại, dịch vụ để định hướng phát triển. Trong 10 nhóm đất quy định tại Luật Đất đai hiện hành, 2 loại đất ở và đất sản xuất kinh doanh đóng vai trò vượt trội. Đất ở đã được quan tâm đúng mức như “con đẻ”. Nhưng đất sản xuất kinh doanh, trong đó có đất thương mại, dịch vụ - đất làm du lịch đang bị coi là “con nuôi” nên chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi loại đất này mãi là tài sản ngày càng tăng giá trị để lại cho các thế hệ tương lai, thu thuế (VAT, thu nhập) cao hơn, tạo nhiều việc làm hơn… và quan trọng là phù hợp với xu thế, định hướng chuyển đổi từ nông nghiệp, công nghiệp sang dịch vụ. ĐBSCL cần chú trọng phần quy hoạch rất quan trọng này trong quy hoạch vùng, quy hoạch không gian, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh;

Nghiên cứu, quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch cảng thủy phi cơ để kết nối đất liền với đảo, giữa các đảo, quần đảo với nhau để thúc đẩy kinh tế, xã hội trong đó có du lịch. Có thể tham khảo mô hình thủy phi cơ của Man-đi-vơ.

Nghiên cứu, quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch đường sắt tốc độ cao nối thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, nối Cần Thơ với Cà Mau, Hà Tiên và kết nối Hà Tiên với các nước ASEAN; Nghiên cứu quy hoạch và dự án khả thi làm cầu kết nối đất liền với Phú Quốc chạy qua Hải Tặc (Hà Tiên-Hải Tặc-Phú Quốc) để kết nối thông suốt giao thông đường bộ từ Móng Cái đến Phú Quốc. Hiện Phú Quốc phụ thuộc quá lớn vào hàng không, giá vé đôi lúc còn cao hơn mua cả tour đi du lịch Thái Lan, thì du khách sẽ không thể đến Phú Quốc, nếu có đến cũng chỉ đến 1 lần cho biết! Phú Quốc là đảo lớn nhất cả nước, có diện tích tương đương Singapore nên đủ không gian để phát triển về dài hạn và xứng tầm để chúng ta nghiên cứu dự án này. Có thể tham khảo mô hình cầu Hongkong - Chu Hải - Macao dài 55 km; Quy hoạch giao thông cần bổ sung hạ tầng xanh như trạm sạc điện cho phương tiện giao thông như xe đạp điện, ô tô điện.

Lập danh mục các dự án hạ tầng cấp thiết

Song song với lập quy hoạch vùng, quy hoạch không gian biển và bờ biển…, cần lập cho được danh mục đầu tư tổng thể kết cấu hạ tầng chủ lực, lựa chọn các hạ tầng ưu tiên để đầu tư trước. Ngoài việc mở rộng các sân bay, phát triển thêm các cảng đường thủy, xây mới cảng biển và du lịch biển, Miền Tây cần cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ và logistics sớm nhất, cụ thể là cao tốc theo cả 2 trục Bắc - Nam và Đông - Tây.

Cụ thể, cần sớm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc từ Cần Thơ đi Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Cần Thơ đi Cà Mau. Xây mới thêm những cây cầu để xóa bỏ các bến phà ngang và cần đường sắt sớm nhất để du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của cả vùng bứt phá; hiện thực hóa hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu.

Ví dụ, Kiên Giang cần sớm xây dựng nhà máy xử lý rác, trạm xử lý nước thải có công suất đáp ứng nhu cầu hiện nay và tương lai phát triển, đầu tư trường quốc tế, trung tâm mua sắm và khu phi thuế quan, duty free… cho Phú Quốc.

Khẩn trương xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển và các khu công nghiệp, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển. Ví dụ như Phú Quốc cần sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng tàu biển quốc tế để kết nối khu vực và thế giới.

Cần sớm đầu tư hệ thống điện phủ hết các quần đảo và đảo trong khu vực như Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Sơn, Hòn Nghệ, Thổ Chu. Thực tế cho thấy điện đến Phú Quốc, Hải Tặc giúp các quần đảo này phát triển. Dự án gần 5.000 tỷ đầu tư điện cáp ngầm ra Côn Đảo cần sớm triển khai; Khẩn trương đầu tư hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải bao gồm cả các đảo, quần đảo. Ưu tiên đầu tư ngay các hạ tầng này cho Phú Quốc trước khi quá muộn; Thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại như khu phi thuế quan. Đơn giản thủ tục hành chính.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Ví dụ, để đưa một khách sạn 5 sao vào hoạt động, chủ đầu tư cần hàng chục giấy phép như Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (Sở KHĐT); Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (UBND cấp tỉnh); Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC (Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự (C06, Bộ CA); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế); Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ (NHNN VN, chi nhánh cấp tỉnh); Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi có thưởng (Bộ Tài chính); Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện (Cục tần số vô tuyến điện, Bộ TT & TT); Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá; Giấy phép bán lẻ rượu. Hai Giấy phép này đều do cùng Phòng Kinh tế thành phố cấp. Câu hỏi đặt ra là tại sao không thể gộp 2 giấy phép này thành một để giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đào tạo nguồn nhân lực và việc làm

Thúc đẩy đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai. Mời gọi các trường dạy nghề có thương hiệu về đặt tại vùng; Kiến tạo thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần giữ chân lao động ở lại vùng; Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại ĐBSCL;

Đô thị hóa

Người dân ở đâu cũng cần mấy thứ quan trọng là nhà để ở, việc để làm, được chăm sóc y tế và giáo dục. Thúc đẩy đô thị hóa và xây dựng nhà ở cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng.

Giáo dục và y tế

Cải thiện hệ thống giáo dục và y tế để vừa phục vụ người dân, vừa qua đây giữ chân họ ở lại vùng. Đồng thời cần thu hút các dự án về y tế và giáo dục từ nguồn xã hội hóa, tạo lập các cơ sở đẳng cấp quốc tế để người dân có thêm lựa chọn dịch vụ chất lượng hơn và thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ như Phú Quốc chưa có trường học quốc tế nên không hấp dẫn người giàu đến sinh sống. Không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều tổng quản lý khách sạn và các chuyên gia nước ngoài có con độ tuổi đến trường từ chối các cơ hội làm việc tốt ở đây vì băn khoăn con họ sẽ học ở đâu.

Vốn đầu tư công và vốn “mồi”

Vốn ngân sách luôn có hạn. Vì thế cần đẩy mạnh hợp tác công tư. Đa dạng hóa nguồn tài chính. Huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các mô hình: Lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công.

ĐBSCL được thúc đẩy đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân và cả khu vực sẽ bứt phá tương xứng với tiềm năng, trở thành trung tâm lương thực, trung tâm du lịch của cả nước, khu vực và thế giới.

TS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Chủ tịch - Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load