(Xây dựng) - Thi công công trình buộc phải có bản vẽ được duyệt chính thức, đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia như dự án tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, thì việc này càng phải được thực hiện nghiêm. Thế nhưng, sau rất nhiều chuyện lùm xùm xảy ra giữa các nhà thầu phụ của Việt Nam và Hàn Quốc, một bí mật đã được hé lộ, đó là việc nhà thầu phụ vẫn được thi công công trình khi chưa có bản vẽ chính thức được duyệt. Chuyện xảy ra ở gói thầu số 2, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên do nhà thầu phụ - Công ty GS E&C Hàn Quốc thực hiện.
Công nhân LITHACO thi công tại công trình thời điểm trước khi Công ty GS E&C chưa đơn phương chấm dứt hợp đồng. |
Yêu cầu thi công khi chưa có bản vẽ chính thức
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Tuyến Metro Thành phố Hồ Chí Minh – Tuyến số 1) là dự án trọng điểm quốc gia. Dự án có 4 gói thầu chính. Trong đó, gói thầu số 2: Xây dựng đoạn trên cao và depot: dài 17,1km, kéo dài từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương được nhà thầu phụ (cấp 1) Công ty GS E&C kêu gọi mời thầu phụ (cấp 2) từ năm 2017.
Theo ông Trần Quốc Tâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện Liên Thành Việt Nam (LITHACO) – là đơn vị trúng thầu gói thầu này cho biết, sau nhiều lần chào giá, tháng 9/2017 LITHACO được Công ty GS E&C chọn làm đơn vị trúng gói thầu dự án.
Sau khi trúng thầu, ngày 15/9/2017, LITHACO ký Hợp đồng thầu phụ với đơn giá cố định, thi công phần điện cho khu vực depot, 3 nhà ga loại B, C, D và 4 trạm biến áp tại dự án Metro Thành phố Hồ Chí Minh – Tuyến số 1 – Gói thầu số 2 với giá trị hợp đồng là 48,7 tỷ đồng.
Ngày 01/11/2017, Công ty GS E&C và LITHACO tiếp tục ký thêm phụ lục hợp đồng số 1 cho việc thực hiện các công việc đã nêu trong Hợp đồng thầu phụ với giá trị là 29,4 tỷ đồng. Nâng tổng giá trị gói thầu mà LITHACO phải thực hiện tại dự án này là 78,1 tỷ đồng.
“Thời điểm Công ty GS E&C mời thầu, các đơn vị tham gia dự thầu phải chào giá cạnh tranh dựa trên bảng dự toán mà Côn ty GS E&C cung cấp. Các nhà thầu tham gia không được chỉnh sửa hay thay đổi khối lượng công việc theo bảng liệt kê này của nhà thầu phụ cấp 1. Đơn giá cũng phải dựa trên khối lượng công việc mà Công ty GS E&C đưa ra. Tuy nhiên, sau khi Công ty chúng tôi chính thức ký Hợp đồng thầu phụ với Công ty GS E&C thì chúng tôi mới được biết, Bản vẽ kỹ thuật của dự án vẫn chưa được phê duyệt chính thức. Điều đáng nói là nội dung này cũng không được đưa vào phụ lục hợp đồng”, ông Tâm kể lại.
Theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký, LITHACO chịu trách nhiệm lập Bản vẽ thi công, thi công công trình dựa trên Bản vẽ kỹ thuật và các bản vẽ do Công ty GS E&C ban hành.
Công nhân LITHACO căng băng rôn phản đối nhà thầu Công ty GS E&C. |
Doanh nghiệp “mắc xương” vì bản vẽ chính
Theo ông Tâm cho biết, sau 17 kỳ nghiệm thu, thanh toán đầy đủ, mọi vấn đề phát sinh trong việc thanh toán đều bắt đầu từ khi Công ty GS E&C áp dụng Bản vẽ kỹ thuật mới được phê duyệt vào tháng11/2019. Dựa trên Bản vẽ kỹ thuật chính thức này, LITHACO đã trình lại Bản vẽ thi công mới và bảng dự toán mới cho Công ty GS E&C nhưng không được phê duyệt.
Theo LITHACO, sự thay đổi của Bản vẽ kỹ thuật dẫn đến các chủng loại, kích thước vật tư, cách thức lắp đặt cũng như khối lượng công việc… bị thay đổi khoảng 70% so với Bản vẽ kỹ thuật tạm mà Công ty GS E&C đưa ra để đấu thầu năm 2017.
“Việc thay đổi Bản vẽ kỹ thuật cũng được nhà thầu cấp 1 thừa nhận trong biên bản cuộc họp với LITHACO ngày 27/4/2020. Sự thay đổi của các bản vẽ buộc phía LITHACO phải chỉnh sửa nhiều lần, không chỉ gây lãng phí công mà còn không xác định được khối lượng công việc đã thực hiện. Những vật tư bị biến dạng do đã thi công theo bản vẽ cũ cũng phải bỏ đi. Chúng tôi phải chịu toàn bộ chi phí do sự thay đổi này”, ông Tâm bức xúc.
Theo LITHACO, thi công dự án khi chưa có các bản vẽ chính thức đồng nghĩa nhà thầu phụ cấp 2 phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Tiến độ thi công cũng bị ảnh hưởng do Công ty GS E&C nhiều lần chậm trễ trong việc cung cấp các bản vẽ, phê duyệt bảng giá vật tư… làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Cụ thể, đến tháng 4/2020 mái tole, điện nước vẫn chưa hoàn thiện do công trình chưa xây dựng.
Ông Tâm cho biết, đầu tháng 12/2019, Công ty GS E&C yêu cầu LITHACO không thực hiện lắp đặt, thi công mới, chỉ đạo cho nhân viên LITHACO tập trung sửa chữa lỗi thi công, đồng thời liên tục yêu cầu LITHACO nhập vật tư theo Bản vẽ kỹ thuật tạm năm 2017.
“Các yêu cầu này là vô lý. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải thực hiện đồng thời tiếp tục thương lượng, nhập một số vật tư còn phù hợp để bám theo tiến độ thi công. Cho đến nay, dù khối lượng kỳ 18 đã được xác nhận và nghiệm thu, mặc nhiên Công ty GS E&C phải thanh toán cho LITHACO, nhưng họ lại đề xuất thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp của LITHACO. Công ty GS E&C làm như vậy là không đúng theo hợp đồng và theo nguyên tắc kế toán”, ông Tâm bức xúc.
Đỉnh điểm của sự việc này, là ngày 21/04/2020, Công ty GS E&C gửi thư yêu cầu Ngân hàng Thương mại và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Tân, yêu cầu rút bảo lãnh hợp đồng. Đến ngày 23/4/2020, Công ty GS E&C cho người ngăn chặn, không cho công nhân của LITHACO vào công trường để thi công, đồng thời “Chiếm giữ trái phép khối lượng lớn phần công trình đã thi công, máy móc, ống điện, cáp điện, máng điện và 4 container vật tư, vật liệu, thiết bị xây dựng khác. Tổng giá trị khoảng 11 tỷ đồng... với lý do LITHACO đã vi phạm hợp đồng vì trì trệ tiến độ công việc”, ông Tâm kể lại.
Trước sự việc trên, LITHACO đã nhiều lần tổ chức căng biểu ngữ phản đối, yêu cầu Công ty GS E&Cthanh toán hợp đồng dựa trên khối lượng công việc mà LITHACO đã thực hiện trong kỳ thứ 18. Đồng thời, đơn vị này gửi đơn trình báo sự việc đến cơ quan chức năng vì cho rằng nhà thầu này có nhiều hành động chèn ép nhà thầu Việt Nam.
Ngày 6/8/2020, Tòa án Nhân dân quận 2 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Cấm BIDV – Chi nhánh Bình Tân thực hiện việc thanh toán theo Thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số 064/BL-BIDV.BT cho Công ty GS E&C cho đến khi Tòa án hủy bỏ biện pháp này hoặc áp dụng, hoặc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc khi các đương sự thực hiện xong các nghĩa vụ theo quy định”.
Tâm Bút
Theo