(Xây dựng) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào Thanh Hóa, như dự án hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận hay dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa...
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, tại dự án Quảng trường biển. |
Những năm gần đây, hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ vài nghìn đến hàng chục nghìn tỉ đồng đã được khởi công tại tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ có thế mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, thời gian gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã và đang hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực khác nhau về làm những dự án quy mô lớn.
Cụ thể, đến ngày 15/6/2024, Thanh Hóa đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (có 12 dự án FDI), tăng 78,8% so với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký 10.905 tỷ đồng và 177,5 triệu USD, lần lượt tăng 21,8% và 35,1% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh này thu hút 25 dự án (có 10 dự án FDI), chiếm 42,4% số dự án đã thu hút, với số vốn 4.522,7 tỷ đồng và 177,33 triệu USD, lần lượt chiếm 41,5% tổng vốn đầu tư trong nước và chiếm 99,9% tổng vốn FDI.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ Thanh Hóa thu hút 17 dự án (có 2 dự án FDI), bằng 28,8% số dự án đã thu hút, với số vốn 333,1 tỷ đồng và 0,17 triệu USD, lần lượt chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư trong nước và 0,1% tổng vốn FDI. Lĩnh vực nông nghiệp Thanh Hóa thu hút 4 dự án, với số vốn 190,5 tỷ đồng, chiếm 6,8% về số dự án và 1,7% về số vốn đầu tư trong nước. Lĩnh vực khai khoáng 09 dự án, với số vốn 120,7 tỷ đồng, chiếm 15,3% về số dự án và 1,1% về số vốn đầu tư trong nước. Lĩnh vực hạ tầng 4 dự án, với số vốn 5.738 tỷ đồng, chiếm 6,8% về số dự án và chiếm 52,6% về số vốn đầu tư trong nước.
Trong 59 dự án trên, có nhiều dự án có quy mô lớn, như dự án hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận (2.545,8 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa, huyện Bá Thước (3.199 tỷ đồng); dự án Trạm biến áp 500kV tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Phúc, Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Trung và thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa (1.444,5 tỷ đồng)... Về tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn, năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định danh mục 71 dự án đầu tư lớn, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đến nay, đã có 4 dự án cơ bản hoàn thành, gồm có Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 5 Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Thanh Hóa; đầu tư xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị cho 70 Trạm y tế tuyến xã, tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, tỉnh có 34 dự án đầu tư lớn, trọng điểm đang triển khai thực hiện, 33 dự án đầu tư lớn, trọng điểm đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Dự án Quảng trường biển được đầu tư hiện đại, đồng bộ. |
Tuy nhiên, có một số dự án lớn tại Thanh Hóa sau khi triển khai đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, đầu tư xây dựng các khu tái định cư chậm. Điển hình như: Dự án Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn; dự án Flamingo Linh Trường khu A và khu B; dự án Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa...
Một số dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có quy trình thực hiện nhiều bước, mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhà tài trợ nước ngoài; một số dự án phải thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc...
Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: Quảng trường biển được đầu tư hiện đại, đồng bộ, có không gian văn hóa, nghệ thuật, có công trình cảnh quan, kiến trúc đặc sắc để tổ chức các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí ngoài trời, các hoạt động văn hóa đa dạng từ truyền thống dân gian đến trình diễn nghệ thuật quốc tế hiện đại, ban ngày cũng như ban đêm. Công trình này sẽ tăng sức hấp dẫn cho du lịch, thu hút du khách đến thành phố Sầm Sơn, khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển như hiện nay, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Tiến Anh
Theo