Thứ sáu 27/12/2024 02:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Loạt dự án cao tốc Bắc - Nam phải sửa thiết kế làn khẩn cấp

15:51 | 24/10/2022

Thiết kế làn dừng khẩn cấp ban đầu ngắn và thưa thớt khiến các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 phải điều chỉnh bổ sung.

Đơn vị quản lý các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đang trình lên Bộ GTVT phương án mở rộng, bổ sung số lượng làn dừng xe khẩn cấp tại từng dự án.

Cụ thể, Ban quản lý dự án Thăng Long (quản lý cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45) cho biết sẽ tăng số làn dừng khẩn cấp trên tuyến từ 13 lên 25 điểm; chiều dài mỗi điểm dừng tăng từ 30 m lên 170 m; đoạn chuyển tiếp ra vào điểm giảm còn 50 m.

loat du an cao toc bac nam phai sua thiet ke lan khan cap
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 phải điều chỉnh bề rộng nền đường để bổ sung điểm dừng xe khẩn cấp. Ảnh: Ngọc Tân.

Tại cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, nhà đầu tư BOT Phúc Thành Hưng cũng đã trình lên Bộ GTVT phương án thay đổi thiết kế, nâng số làn dừng khẩn cấp trên tuyến từ 10 lên 19 điểm; tổng chiều dài điểm dừng xe và đoạn chuyển tiếp tăng lên 270 m.

Tương tự, các đoạn cao tốc khác như Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2... cũng phải điều chỉnh thiết kế làn dừng khẩn cấp theo yêu cầu của Bộ GTVT.

Việc thay đổi thiết kế làn dừng khẩn cấp khiến các nhà thầu phải bổ sung thêm giải pháp kỹ thuật và tăng chi phí xây dựng. Đối với các dự án đầu tư công, chi phí phát sinh sẽ được lấy từ nguồn dự phòng của gói thầu hoặc của dự án.

Tuy nhiên, với các dự án đối tác công - tư PPP như đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc phải điều chỉnh lại phương án tài chính, ký phụ lục hợp đồng và có thể dẫn tới tăng thời gian thu phí hoàn vốn.

Trước đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án và doanh nghiệp dự án (đối với dự án BOT) tăng thêm số lượng và chiều dài làn dừng khẩn cấp tại các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020.

Việc điều chỉnh nhằm giảm khoảng cách làn dừng khẩn cấp mỗi chiều xe chạy từ 9-10 km xuống còn 4-5 km giống như thiết kế 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu điều chỉnh chiều dài khu vực dừng xe từ 30 m lên 170 m, giảm chiều dài đoạn chuyển tiếp xuống 50 m; tăng chiều rộng mặt đường khu vực dừng xe lên 2,5 m và tăng chiều rộng lề đường điểm dừng lên 0,75 m.

Tại Việt Nam, việc thiết kế làn dừng khẩn cấp ngắt quãng thay vì liền mạch từng vấp phải chỉ trích của chuyên gia và giới tài xế. Nhiều ý kiến cho rằng dải dừng khẩn cấp phải liền mạch để cho xe cứu thương, cứu hỏa tiếp cận hiện trường sự cố. Đồng thời, việc thiết kế dải dừng đứt quãng sẽ không giúp ích cho trường hợp phương tiện gặp sự cố dừng bất chợt.

Tuy nhiên, các dự án cao tốc với bề rộng mặt đường 17 m, không có làn dừng xe liền mạch, vẫn được xúc tiến đầu tư với lý do tiết kiệm chi phí. Cơ quan quản lý gọi đây là các "cao tốc phân kỳ", ngụ ý làn dừng khẩn cấp sẽ được bổ sung đầy đủ trong kỳ đầu tư sau.

Tháng 11/2017, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Các dự án này gồm 8 dự án đầu tư công: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.

3 dự án đối tác công tư PPP gồm Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Đến nay, mới có dự án Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành. Bộ GTVT đánh giá 4 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây có thể hoàn thành năm 2022.

Hai dự án lùi tiến độ đến năm 2024 gồm Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo Ngọc Tân/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load