(Xây dựng) – Đây là chủ đề của hội thảo khoa học do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức chiều 15/11 tại Hà Nội. Hội thảo mong muốn tạo không gian để các doanh nghiệp có thể chia sẻ mô hình hoạt động, kiến nghị những chính sách, góp phần không nhỏ vào cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. |
TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, cùng với đó là tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều này đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hoá sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần và “vắng bóng” thương hiệu Việt Nam.
Để không bị thua ngay trên sân nhà, các nhà lãnh đạo, cơ quan chức năng, cơ quan hoạch định chính sách, đặc biệt là doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp có hiệu quả lâu dài.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp và các chuyên gia cùng đưa ra những giải pháp và đề cao tính liên kết trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng. Có thể nói, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhà quản lý. Đồng thời nâng tầm chất lượng, sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu, xây dựng chuỗi hoạt động sản xuất - tiêu thụ.
TS. Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban phong trào, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng: Để phát triển hạ tầng thương mại nhằm phát triển bền vững thương mại trong nước, cần hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi cho việc phát triển các phương thức giao dịch thương mại hiện đại. Hơn hết, thu hút đầu tư hoặc xã hội hoá để xây dựng một số chợ đầu mối nông sản, chợ đầu mối có tính chất phân luồng hàng hoá liên kết vùng trong cả nước, triển khai xây dựng hệ thống kho lạnh tại các trung tâm logicstic, chợ đầu mối phục vụ việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm khắc phục tình trạng được mùa mất giá.
Ngoài ra, TS. Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: Cần phải tăng ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển, muốn hàng hoá tốt thì giá thành phẩm cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Như vậy, Nhà nước phải có vai trò và chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc tuân thủ của doanh nghiệp. Chú ý chống gian lận thương mại, giả xuất xứ.
Tại hội thảo, một số tham luận được báo cáo gồm: Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng thương mại nhằm phát triển bền vững thương mại trong nước; Hiệu quả từ việc tham gia chương trình bình chọn “Hàng Việt được người tiêu dùng yêu thích”; Ứng dụng công nghệ số vào liên kết, kết nối xúc tiến thương mại và đẩy mạnh chuỗi giá trị sản phẩm hàng Việt Nam…
Diệu Anh
Theo